Sân vận động bóng chuyền bãi biển có sức chứa 12.000 người ở Tokyo, nơi sẽ diễn ra các trận đấu không có khán giả. Ảnh: The Wall Street Journal.

 
Phùng Mỹ Thứ Năm | 22/07/2021 16:56

Olympic: "Canh bạc" 20 tỉ USD khó thắng của Nhật Bản

Nước chủ nhà kỳ vọng một cơn gió lớn về kinh tế và sự công nhận trên toàn cầu. Nhưng giữa đại dịch, người dân chỉ muốn tất cả qua đi.

Khi Toyota Motor Corp tuyên bố sẽ không chạy bất kỳ quảng cáo nào ở Nhật gắn liền với Thế vận hội, họ đã gửi một thông điệp lớn hơn bất kỳ quảng cáo truyền hình nào về tâm trạng đau buồn của nước chủ nhà.

Theo The Wall Street Journal, Toyota là công ty giá trị nhất của Nhật và là một trong 13 nhà tài trợ Thế vận hội toàn cầu. Với khán giả Mỹ, họ đã chi hàng triệu USD cho một chương trình quảng cáo trên Super Bowl. Nhưng ở Nhật, bất kỳ liên kết nào đến với sự kiện sẽ diễn ra vào ngày mai 23.7 cũng đều quá nhạy cảm đối với nhà sản xuất ô tô để quảng cáo.

Thế vận hội khai mạc vào ngày 24.7, muộn hơn một năm và trong bối cảnh Tokyo vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp với COVID-19. Dự đoán và kỳ vọng về một làn gió hưởng lợi kinh tế đã phần lớn tan biến. Các sân vận động và đấu trường tiêu tốn hơn 7 tỉ USD để xây dựng hoặc cải tạo hầu hết sẽ trống vì khán giả bị cấm tham dự.

Nhật Bản từng muốn Thế vận hội Tokyo cho thấy đất nước này vẫn là một thế lực toàn cầu, mặc dù dân số giảm và nền kinh tế ngày càng bị Trung Quốc qua mặt. Thế vận hội cũng sẽ cho thấy họ đã phục hồi như thế nào sau trận sóng thần kinh hoàng năm 2011. Nhưng giờ đây, các nhà lãnh đạo nước này phải chịu áp lực vì chính sự kiện thể thao làm dấy lên nhiều lo ngại.

Thủ tướng Yoshihide Suga tin tưởng rằng, các biện pháp giữ công chúng tránh xa sự kiện sẽ ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và đất nước vẫn sẽ được hưởng lợi từ lượng khán giả truyền hình khổng lồ toàn cầu.

 

Theo ông Suga, "Điều đơn giản và dễ dàng nhất là từ bỏ. Nhưng công việc của chính phủ là giải quyết các thách thức".

Không khí lo lắng bao trùm những ngày trước khai mạc. Ít nhất 8 vận động viên và hàng chục người khác có liên quan đã dương tính với nCoV. Nhiều cầu thủ của đội bóng đá nam Nam Phi đã bị đưa vào diện cách ly sau khi 2 thành viên tiếp xúc gần có kết quả dương tính.

Các nhà tổ chức đang thúc đẩy một Thế vận hội dành cho TV, mà ít người Nhật sẽ chứng kiến hoặc nhận được bất kỳ lợi ích tài chính nào từ đó.

Giám đốc điều hành Toyota Akio Toyoda (trái) và Chủ tịch IOC Thomas Bach đã kỷ niệm một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào năm 2015, đưa hãng xe này trở thành nhà tài trợ Olympic trên toàn thế giới. Ảnh: AP.
Giám đốc điều hành Toyota Akio Toyoda (trái) và Chủ tịch IOC Thomas Bach đã kỷ niệm một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào năm 2015, đưa hãng xe này trở thành nhà tài trợ Olympic trên toàn thế giới. Ảnh: AP.

KNT-CT Holdings, công ty điều hành một trong những đại lý du lịch lớn nhất Nhật Bản, từng tiếp thị các gói du lịch cho Thế vận hội. "Rất tiếc là chúng tôi không thể cung cấp các chuyến tham quan cho khách hàng, những người đã mong chờ Thế vận hội", công ty cho biết.

Năm 2019, bà Yoshiko Tobe đã chi hơn 1 triệu USD để cải tạo khu nhà trọ kiểu truyền thống của mình ở gần Asakusa, một khu vực của Tokyo cổ kính, nơi các đô vật sumo lang thang trên đường phố giữa các cuộc tập luyện.

Bà Tobe từng hy vọng du khách đến xem Thế vận hội sẽ giúp thu hồi vốn và kiếm lời. Nhưng giờ, quan điểm của bà ngược lại, tương tự đa số người Nhật. Theo cuộc thăm dò của tờ Mainichi công bố hôm 18.7, gần hai phần ba người được hỏi không muốn có Thế vận hội.

 

Tại Thế vận hội London 2012, Nhật được ca ngợi vì đã giành được 38 huy chương, thành tích tốt nhất từ trước đến nay. Thủ tướng Shinzo Abe lúc bấy giờ tin rằng việc đăng cai Thế vận hội sẽ vực dậy tinh thần của đất nước sau trận sóng thần năm 2011 khiến gần 20.000 người thiệt mạng.

Các nhà tổ chức địa phương dự báo một lượng lớn du khách sẽ đến tham dự Thế vận hội, những người sẽ chi gần 2 tỉ USD cho các bữa ăn, phương tiện đi lại, khách sạn và hàng hóa. Họ hình dung cảnh tượng kéo dài 17 ngày sẽ thúc đẩy những người khác đến thăm Nhật Bản, mang lại hàng tỉ USD.

Đến năm 2019, hầu hết địa điểm tổ chức Thế vận hội đã hoàn thành đúng hoặc trước thời hạn và nhu cầu vé rất cao. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) gọi Tokyo là thành phố đăng cai chuẩn bị tốt nhất trong lịch sử Olympic. Biểu ngữ Thế vận hội được treo khắp nơi và các nhà tài trợ vạch ra loạt kế hoạch tiếp thị để kiếm tiền.

Các vận động viên bóng bàn tập luyện tại Nhà thi đấu Thủ đô Tokyo. Ảnh: Zuma Press.
Các vận động viên bóng bàn tập luyện tại Nhà thi đấu Thủ đô Tokyo. Ảnh: Zuma Press.

Tháng 3.2020, Nhật Bản và IOC quyết định hoãn Thế vận hội một năm. Họ bước vào một cạnh bạc, cược rằng đại dịch sẽ được kiềm chế vào mùa hè năm 2021. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Trong những tuần trước Thế vận hội, biến thể Delta đã làm gia tăng ca nhiễm trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Tokyo, nơi hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19 mới được phát hiện trong những ngày gần đây.

Tính đến 19.7, chỉ 22% người Nhật đã tiêm chủng đầy đủ và tình trạng khẩn cấp của Tokyo phải duy trì đến ngày 22.8. Ca nhiễm được báo cáo ở hầu hết nhóm người tham gia Thế vận hội, từ vận động viên đến huấn luyện viên, cả các quan chức IOC, các nhà thầu và giới truyền thông. Tại Làng Olympic, nơi các vận động viên chỉ có thể vào sau một loạt các bài kiểm tra trước và sau khi đến Nhật, những ca nhiễm bệnh đầu tiên đã xuất hiện.

Số lượng người từ nước ngoài đến Thế vận hội đã giảm khoảng 2/3. Tuy nhiên, hơn 50.000 vận động viên, quan chức, phóng viên và những người khác đang hội tụ về Tokyo cho Thế vận hội, khiến đây trở thành cuộc tụ họp quốc tế lớn nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Các nhà tổ chức cho biết, hàng chục quy tắc hạn chế sự tương tác sẽ ngăn chặn sự bùng phát rộng hơn. Du khách phải tránh xa dân địa phương. Họ có nguy cơ bị trục xuất nếu vi phạm các quy tắc. "Từ quan điểm điều phối hoạt động, không nghi ngờ gì khi cho rằng đây có thể là lần điều phối phức tạp và thách thức nhất từng có", ông Michael Payne, Giám đốc tiếp thị và quyền phát sóng của IOC từ năm 1983 đến năm 2004, bình luận.

Một số người Nhật cảm thấy sự kiện này đang bị IOC hối thúc để nhất quyết tổ chức cho bằng được. Bởi lẽ, khoảng 73% ngân sách của IOC được tài trợ bằng cách bán bản quyền phát sóng cho Thế vận hội. Vào cuối tháng 5, thành viên IOC Dick Pound tuyên bố chỉ có “tận thế” mới có thể ngăn Thế vận hội diễn ra. Sau đó, ông Dick Pound còn nói thêm rằng Thế vận hội sẽ diễn ra ngay cả khi Thủ tướng Suga muốn hủy bỏ.

Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide (phải) và Chủ tịch IOC Thomas Bach trong một cuộc gặp tại Tokyo ngày 14.7.2021. Ảnh: Press Pool.
Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide (phải) và Chủ tịch IOC Thomas Bach trong một cuộc gặp tại Tokyo ngày 14.7.2021. Ảnh: Press Pool.

Nhưng với nhiều người Nhật Bản thì trước mắt, Thế vận hội có nguy cơ trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm, mang đến rủi ro sức khỏe và thiệt hại kinh tế to lớn. Vì khi ấy, đất nước sẽ cần một chặng đường dài hơn để phục hồi và tiêu tốn thêm tiền bạc cho những việc này.

Có thể bạn quan tâm:

Thế vận hội không khán giả: Nhật Bản sẽ thành công sau những cánh cửa đóng kín?