Thứ Hai | 09/07/2012 15:23

OECD: Kinh tế toàn cầu đang rơi vào đợt suy thoái mới

Kinh tế toàn cầu đang giảm mạnh và chỉ trông chờ vào triển vọng kinh tế châu Âu và Mỹ trong khi triển vọng này rất mong manh.
Theo báo cáo tháng 5/2012 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD dự báo kinh tế toàn cầu đang rơi vào đợt suy thoái mới và tăng trưởng chậm hơn so với cuối năm 2011 do khủng hoảng nợ châu Âu tiếp tục leo thang đang đe dọa sự sống còn của khu vực đồng euro.

Kinh tế châu Âu suy giảm mạnh

OECD cảnh báo, kinh tế châu Âu tiếp tục suy giảm do các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách đã kìm hãm nhu cầu tiêu dùng và làm tăng tỉ lệ thất nghiệp. GDP tại khu vực euro giảm 0,1% trong năm nay so với dự báo trước đó là tăng 0,2%. Trong đó, kinh tế Tây Ban Nha và Italia giảm 1,5%, Bồ Đào Nha giảm 3,2% và Hy Lạp giảm 5,3%.

Việc Hy Lạp rời khu vực euro sẽ gây nhiều tai họa tiềm tàng, song xác suất Hy Lạp rời khu vực euro tăng cao so với sáu tháng trước đây, khi các nhà lãnh đạo EU và ECB lo ngại việc cho Athens thêm thời gian sẽ chỉ dẫn đến kết cục là phải đổ thêm tiền vào quốc gia này, trong khi Hy Lạp vẫn kỳ vọng thương lượng lại các điều kiện cứu trợ và trì hoãn cải cách.

d
Đồng euro giảm 3,9% so USD trong 2 tháng liên tiếp và chỉ phục hồi nhẹ sau Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 28-29/6/2012 tại Brusels, song lại giảm ngay từ ngày 03/7 so với 16 đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.

Chỉ số quản lý sức mua (PMI) tại khu vực euro giảm mạnh trong tháng 5 xuống 45,9 điểm từ 46,7 điểm trong tháng tư. Tại Đức và Pháp, các chỉ số này lần lượt là 49,6 điểm so với 50,5 điểm và 45,9 điểm so với 44,7 điểm. Tỉ lệ thất nghiệp tại khu vực euro ngày càng tăng, nhất là tại Tây Ban Nha với tỉ lệ 24,4% và cứ 2 lao động dưới 25 tuổi thì có it nhất 1 người thất nghiệp.

Suy thoái kinh tế tại châu Âu cũng tác động tiêu cực đến Nhật Bản do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản giảm, điều này có thể cản trở hoặc chặn đứng đà tăng trưởng công nghiệp và GDP của Nhật Bản vốn đã phục hồi mạnh sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011.

Có lẽ cả thế giới chỉ trông chờ vào nền kinh tế Mỹ với đà phục hồi tăng dần khi GDP tăng 1,9% trong quí I/2012 và sẽ tăng lần lượt 2% và 2,25% trong năm 2012 và 2013.

Tín hiệu lạc quan khi chính quyền của Tổng thống Obama đã đưa ra kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách từ 8,5% xuống 5,5% vào năm tài khóa 2013-2014. Kế hoạch này không cản trở các biện pháp phục hồi kinh tế ngắn hạn, nhất là về tỉ lệ việc làm, mặc dù phải trả giá đắt cho việc duy trì các chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng. Theo thống kê, tỉ lệ thất nghiệp trong năm 2012 vẫn ở mức cao 8,2% và 7,9% vào năm 2013, trong khi tỉ lệ thất nghiệp dưới 6% là thích hợp trong điều kiện kinh tế thuận lợi.

Các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại

Ngoài các nước phát triển, thế giới lo ngại về triển vọng kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi.

h

Theo báo cáo chính thức về tình hình kinh tế tháng 5, tăng trưởng GDP tại Trung Quốc đang giảm nhanh hơn dự kiến, từ 9,25% năm 2011 xuống 8,1% trong quí I/2012 và có thể giảm xuống dưới 7% trong quí II/2012.

PMI trong tháng 5 của Trung Quốc giảm xuống 48,7 điểm sau khi giảm xuống dưới 50 điểm 6 tháng trước đó, sản xuất điện chỉ tăng 2,7% sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong 3 năm vào tháng tư, xuất khẩu chỉ tăng 4,9% trong khi tăng 8,9% trong tháng 4.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ trong những năm gần đây chiếm 39% tổng giá trị xuất khẩu quốc gia và đóng góp gần 11% GDP của Trung Quốc, nếu châu Âu tiếp tục suy thoái thì sẽ ảnh hưởng đến GDP của Trung Quốc. Tình hình kinh tế Trung Quốc còn xấu hơn so với báo cáo thống kê chính thức do nhiều địa phương đã thổi phồng các dữ liệu về kinh tế - xã hội nhằm che đậy những yếu kém trên địa bàn.

Suy giảm kinh tế và nhập khẩu của Trung Quốc cũng tác động tiêu cực đến Brazil do quốc gia này là nguồn cung đáng kể về nguyên liệu thô cho Trung Quốc, kinh tế quí 1/2012 giảm 0,35% sau khi giảm liên tiếp trong 3 tháng đầu năm, thấp hơn mức kỳ vọng là tăng 0,5%. Kinh tế Nga tuy vẫn tăng 4,2% và lạm phát tiếp tục được kiềm chế ở mức dưới 6,1% trong năm 2012, nhưng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế còn là thách thức rất lớn.

Kinh tế Ấn Độ thậm chí giảm mạnh hơn với GDP trong năm tài khóa 2011-2012 kết thúc vào tháng 3/2012 chỉ tăng 5,3% do sản xuất công nghiệp bị thu hẹp và sản lượng nông nghiệp đạt thấp. Ấn Độ có thể tăng 6,9% trong năm tài khóa 2012-2013; 7,2% và 7,4% trong năm tài khóa 2013-2014 và trong năm tài khóa 2014-2015, song các vấn đề bất ổn chính sách, thâm hụt tài khóa và lạm phát vẫn đe dọa.

Trong 12 tháng qua, đồng rupee giảm 25% so USD, mức thấp nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, bất đồng giữa các phe phái chính trị và tôn giáo tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế và cải thiện tình hình xã hội tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Có thể nói, kinh tế toàn cầu đang giảm mạnh và chỉ trông chờ vào triển vọng kinh tế châu Âu và Mỹ, trong khi đà phục hồi kinh tế Mỹ còn mong manh và tình hình châu Âu mặc dù các nhà lãnh đạo EU đã có quan điểm thống nhất hơn về giải pháp thoát khỏi khủng hoảng, song EU phụ thuộc vào một yếu tố duy nhất là sự đồng thuận về lý tưởng giữa Đức và Pháp, đây là hai cường quốc chi phối các quyết sách chung của khu vực.

Nguồn SBV


Sự kiện