Thứ Ba | 10/07/2012 20:51

OECD: Khủng hoảng việc làm ở các nền kinh tế phát triển vẫn chưa kết thúc

Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước phát triển vẫn ở mức cao ít nhất cho đến cuối năm 2013, trong đó tỷ lệ này của toàn khu vực OECD là 7,7%.
Báo cáo "Triển vọng việc làm 2012" của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hôm nay 10/7 cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở các nền kinh tế phát triển vẫn ở mức cao, trong đó những người lao động trẻ có tay nghề thấp đang là gánh nặng cho sự phục hồi của nền kinh tế suy yếu nhất trong 4 thập kỷ qua.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực OECD gồm 34 thành viên dự báo vẫn ở mức 7,7% vào cuối năm 2013, tỷ lệ này trong tháng 5 là 7,9% và 48 triệu người đã rơi vào tình trạng thất nghiệp, OECD cho biết.

Trình bày báo cáo tại Paris, nơi nhóm cố vấn đặt trụ sở chính, Tổng thư ký OECD Angel Gurria cho biết kinh tế suy giảm gần đây có tác động tiêu cực đến thị trường lao động, do đó chính phủ các nước đã phải "thực hiện mọi biện pháp để giúp đỡ người tìm việc, đặc biệt là giới trẻ, bằng cách loại bỏ rào cản đối với tạo việc làm và đầu tư vào đào tạo kỹ năng".

Những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt bao gồm: tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 chỉ giảm 0,6% so với mức 8,5% trong tháng 10/2009; tỷ lệ thanh niên có việc làm cũng giảm 7% kể từ cuộc khủng hoảng, trong khi số lượng lao động tay nghề thấp giảm gần 5%. Hơn nữa, thuê lao động tạm thời trở thành lựa chọn an toàn nhất bởi các công ty đều không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu.

OECD cũng lo ngại rằng hiện tượng sụt giảm lao động có tay nghề thấp vẫn xảy ra ngay cả khi kinh tế tăng trưởng trở lại.

Theo OECD, các nước cần giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm bằng cách đề ra chính sách kinh tế vĩ mô thích hợp, bao gồm biện pháp nhanh chóng ổn định hệ thống ngân hàng châu Âu. Ngoài ra, các biện pháp nới lỏng cũng có thể được áp dụng, nếu các chính phủ vẫn còn kiểm soát được ngân sách của mình.

Đồng thời, OECD kêu gọi thực hiện cải cách cấu trúc táo bạo thị trường sản phẩm và lao động. Ví dụ, các chính phủ có thể khai thác cơ hội tạo việc làm bằng cách mở các cửa hàng bán lẻ và dịch vụ chuyên nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh.

OECD ủng hộ đầu tư hơn nữa vào giáo dục và đào tạo để trang bị cho người lao động nhằm giành chiến thắng trong "cuộc chạy đua với máy tính" và tiếp tục hỗ trợ các biện pháp về thuế để làm dịu bớt bất bình đẳng thu nhập vốn là hậu quả của xu hướng thay đổi công nghệ và toàn cầu hóa.

Nguồn Reuters/DVT


Sự kiện