Thứ Hai | 11/03/2013 12:53

OECD dự báo nhu cầu vay của các nước 2013 khoảng 20 nghìn tỷ USD

Tỷ lệ nợ chính phủ của OECD dự kiến tăng và duy trì ở mức cao những năm tới. Tổng nợ chính phủ so với GDP dự kiến ở 111,4% năm nay.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố báo cáo "Triển vọng vay mượn chính phủ của các nước OECD 2013", cho rằng nhu cầu vay mượn tổng thể của chính phủ các nước thành viên OECD dự kiến tăng nhẹ lên khoảng 19,9 nghìn tỷ USD năm 2013, so với mức 19,8 nghìn tỷ năm 2012.

Theo báo cáo của OECD, tổng thâm hụt ngân sách chính phủ của các nước OECD dự tính ở mức 5,5% GDP năm 2012, tương đương 2,6 nghìn tỷ USD, dự kiến sẽ giảm xuống 4,6% GDP năm 2013, tương đương 2,3 nghìn tỷ USD.

Tỷ lệ nợ chính phủ của toàn bộ OECD dự kiến tăng và duy trì ở mức cao trong những năm tới. Tổng nợ chính phủ so với GDP dự kiến ở 111,4% năm nay, trong khi đó tỷ lệ nợ tổng thể sẽ tăng rất chậm so với các năm trước, và giảm từ mức tăng 11,5% trong giai đoạn 2008 - 09 xuống mức dự kiến 1,1% trong 2013 - 14.

Ở những nước có nợ công và tỷ lệ nợ chưa bắt đầu giảm thì gánh nặng nợ công làm giảm niềm tin vào chính phủ, gây thêm phức tạp cho việc thực hiện các chương trình bảo hiểm của nhà nước. Vì vậy, việc huy động một lượng vốn lớn để trang trải các nghĩa vụ nợ với chi phí thấp nhất vẫn còn là mối thách thức to lớn đối với chính phủ nhiều nước.

Hầu hết các nhà quản lý nợ OECD sẽ phải tiếp tục cân bằng danh mục của nước mình bằng cách phát hành thêm các trái phiều dài hạn và giảm việc phát hành các tín phiếu ngắn hạn.

Nhiều nước dự tính phải trả các món nợ dài hạn với khối lượng tương đối lớn trong năm 2013. Đối với toàn bộ khối OECD, chính phủ các nước cần phải tái cấp vốn với số lượng 30% dư nợ dài hạn trong 3 năm tới. Lãi suất bình quân các khoản nợ dài hạn của OECD dự kiến tăng lên khoảng 4% trong năm 2013 so với 3,8% năm 2009.

Trong khi đó, Báo cáo “Thúc đẩy tăng trưởng” cũng do OECD công bố gần đây khẳng định các cải cách cơ cấu có tầm quan trọng hơn bao giờ hết vì chúng tạo ra cho chính phủ các nước một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và phục hồi kinh tế mạnh mẽ và cân bằng. Ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng, các cuộc cải cách này còn tăng niềm tin và giảm bớt áp lực đối với chính sách tiền tệ và tài khóa.

Nguồn SBV


Sự kiện