Thứ Hai | 19/11/2012 15:30

OECD: Đông Nam Á đang phục hồi mạnh mẽ trở lại

Đông Nam Á đang phục hồi mạnh mẽ khỏi khủng hoảng toàn cầu, với đầu tư và tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, OECD cho biết.
Trong báo cáo hôm qua 18/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết sự tăng trưởng mạnh mẽ của một loạt các nước thành viên đang là dấu hiệu cho thấy quá trình phục hồi nhanh chóng của khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

OECD dự kiến tăng trưởng kinh tế Indonesia giai đoạn 2013-2017 trung bình là 6,4%, bằng với tốc độ tăng trưởng hai thập kỷ trước khi khủng hoảng tài chính châu Á 1997 nổ ra. Trong khi đó, kinh tế Philippines cũng được dự báo sẽ tăng trưởng 5,5% trong thời gian tới, so với tốc độ 5% trong thập kỷ này - tính đến hết năm 2012. OECD cũng dự báo kinh tế Malaysia và Thái Lan sẽ tăng trưởng khoảng 5,1%.

Sự tăng trưởng kinh tế của các nước như Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan chính là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của Đông Nam Á.
Sự tăng trưởng kinh tế của các nước như Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan chính là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của Đông Nam Á.

Theo OECD, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và sự chậm lại của các nền kinh tế phát triển đã có tác động "nhất định" tới các quốc gia Đông Nam Á, chủ yếu thông qua hoạt động thương mại. OECD dự báo, Đông Nam Á và Trung Quốc có thể phải đối mặt với những rủi ro xuất phát từ biến động của dòng vốn đầu tư trong trung hạn.

Tuy nhiên, nhìn chung, triển vọng tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển ở châu Á khá tương phản so với những thách thức tài chính và nhân khẩu học mà các nền kinh tế tiên tiến đang đối mặt hiện tại. Theo OECD, chi tiêu công cao cùng lực lượng dân số trẻ đã hỗ trợ rất nhiều cho nhu cầu nội địa và thu hút vốn đầu tư của các nước phát triển châu Á nói chung và ASEAN nói riêng, bất chấp sự suy yếu của kinh tế toàn cầu.

Báo cáo cũng cho rằng chi tiêu chính phủ dành cho hệ thống an sinh xã hội và y tế sẽ góp phần khuyến khích chi tiêu hộ gia đình và giảm nhu cầu tiết kiệm ở châu Á.

"Với sự kết hợp của một loạt các yếu tố mang tính chu kỳ, chính sách chính phủ cùng sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế dài hạn góp phần thúc đẩy tăng trưởng nội địa trong những năm qua, kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn", OECD dự báo.

Trong thời gian qua, chính phủ các nước khu vực Đông Nam Á đã thực hiện một loạt các biện pháp nới lỏng chính sách để thúc đẩy tăng trưởng. Điển hình là Philippines, tổng thống Benigno Aquino mới đây đã đẩy mạnh chi tiêu công, đồng thời tìm cách thu hút 16 tỷ USD đầu tư vào giao thông, sân bay. Trong đó, ở Malaysia, thủ tướng Najib Razak của nước này cũng kêu gọi tăng cường hơn nữa chi tiêu chính phủ.

Tại Indonesia, tổng thống Susilo Yudhoyono đã tìm cách thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thông qua gia tăng đầu tư vào đường giao thông, cảng biển và sân bay. Báo cáo trong tháng này cho thấy trong quý III/2012, tăng trưởng kinh tế Indonesia tiếp tục đạt trên 6% quý thứ 8 liên tiếp.

hi tiêu chính phủ dành cho hệ thống an sinh xã hội và y tế sẽ góp phần khuyến khích chi tiêu hộ gia đình và giảm nhu cầu tiết kiệm ở châu Á
Chi tiêu chính phủ dành cho hệ thống an sinh xã hội và y tế sẽ góp phần khuyến khích chi tiêu hộ gia đình và giảm nhu cầu tiết kiệm ở châu Á
Triển vọng tăng trưởng của Đông Nam Á cũng góp phần thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Theo số liệu từ Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, Đông Nam Á đã vượt qua Trung Quốc để trở thành khu vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất của Nhật Bản. Ước tính, đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN đã tăng gấp đôi lên 19,6 tỷ USD trong năm 2011, trong khi ở Trung Quốc là 12,6 tỷ USD.

Mặc dù một số nền kinh tế dẫn đầu của ASEAN có xu thế chậm lại như Thái Lan, Malaysia và Singapore, song OECD cho rằng trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu như hiện tại, việc duy trì tốc độ tăng trưởng như vậy vẫn có thể xem là một thành công. OECD dự báo kinh tế Singapore có thể tăng trưởng trung bình 3,1% mỗi năm trong vòng 5 năm tới.

Đối với các nền kinh tế kém phát triển hơn trong khu vực, điển hình như Myanmar, triển vọng tăng trưởng cũng được cải thiện rõ rệt, trong bối cảnh những cải cách chính trị và kinh tế đang tạo nên làn sóng đầu tư nước ngoài lớn, OECD cho biết. Bên cạnh đó, OECD cũng cảnh báo sự yếu kém trong quản lý kinh tế vĩ mô có thể khiến lạm phát tăng cao, gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam.

Triển vọng tăng trưởng của ASEAN đã nhận được sự chú ý của nhiều nhà kinh tế, đặc biệt khi tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ thương mại Mỹ với khu vực Đông Nam Á, khi tầng lớp trung lưu nơi đây tiếp tục mở rộng. Hiện tại, ông Obama đang bắt đầu thực hiện chuyến công du châu Á đầu tiên sau khi tái đắc cử, và điểm đến đầu tiên của ông là Myanmar, quốc gia với 55 triệu dân, đang tiến hành mở cửa kinh tế và trở thành điển đến đầy tiềm năng của nhiều doanh nghiệp Đông Nam Á.

Sau Myanmar, tổng thống Obama sẽ bay tới Campuchia và gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực để thảo luận về một loạt các vấn đề kinh tế lẫn an ninh. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng dự kiến sẽ tiến hành đàm phán thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - khu vực với dân số hơn 3 tỷ người và quy mô kinh tế chiếm 1/4 nền kinh tế toàn cầu.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện