OECD: Canada, Mỹ dẫn đầu G7 về phục hồi kinh tế
Theo OECD, nền kinh tế của 7 quốc gia mạnh nhất thế giới có thể đạt mức tăng trưởng 1,9% trong 2 quý đầu của năm nay, một sự cải thiện đáng kể từ mức 1,1% trong quý IV/2011.
Pier Carlo Padoan, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của OECD, nói: "Chúng tôi cho rằng trong nửa đầu năm nay, Canada và Mỹ sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ở châu Âu còn khá yếu và triển vọng rất mong manh."
Mỹ được dự báo tăng trưởng 2,9% và 2,8% tương ứng trong hai quý đầu tiên với mức tăng ổn định trong thị trường việc làm và niềm tin tiêu dùng sẽ mạnh mẽ hơn, một sự phục hồi trên thị trường chứng khoán và tăng trưởng tín dụng, trong khi nền kinh tế của Canada sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 2,5% trong cả 2 quý.
OECD cũng dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP vào khoảng 3,4% trong quý đầu tiên, sản xuất công nghiệp vững chắc hơn và đồng yen có thể sẽ giảm giá. Tuy nhiên, OECD cho rằng tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản trong quý II tới sẽ giảm xuống 1,4%.
Đối với châu Âu, OECD cho rằng triển vọng kinh tế tại khu vực này vẫn còn khá yếu. Italy là trường hợp đặc biệt được dự báo sẽ bị sa lầy trong suy thoái, với mức suy giảm trong cả 2 quý đầu là 1,6% và 0,1%. Nền kinh tế Đức tăng trưởng tương ứng là 0,1% và 1,5%, trong khi nền kinh tế Pháp sẽ suy giảm 0,2% trước khi tăng trở lại 0,9% vào quý II.
Theo ông Padoan, có một số yếu tố sẽ đe dọa đến sự phục hồi của các nền kinh tế trên toàn cầu. Đó là giá dầu tăng cao, tăng trưởng chậm ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác, và nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ làm giảm đáng kể tăng trưởng thương mại.
Nguy cơ của cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone vẫn là một mối quan tâm lớn khi còn nhiều vấn đề bất ổn tại Tây Ban Nha và Hy Lạp.
Nguồn CafeF