OECD: Các nền kinh tế phát triển đang lấy lại động lực tăng trưởng
Theo tiêu chuẩn đánh giá chung do OECD đưa ra, chỉ số CLI trên 100 điểm cho thấy kinh tế đang tăng trưởng. Nếu chỉ số dưới 100 điểm và có xu hướng tăng dần, cho thấy kinh tế đang đi theo đà hồi phục.
"Chỉ số CLI cho thấy hầu hết các nền kinh tế lớn trong OECD có sự cải thiện tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ số CLI của các nền kinh tế mới nổi lại cho thấy những nước này có xu hướng ổn định hoặc đà tăng đang chậm lại", tổ chức có trụ sở tại thủ đô Paris, Pháp cho hay.
Trong số 33 quốc gia thuộc OECD, Nhật Bản dẫn đầu nhóm các nước phát triển với chỉ số CLI tăng từ 101,1 trong tháng 4 lên 101,3 trong tháng 5, chủ yếu nhờ các gói kích thích tiền tệ khổng lồ của chính phủ.
Trong khi đó, Mỹ hầu như không đổi khi chỉ số CLI vẫn duy trì ở mức 101 điểm trong tháng 5. Số điểm này được OECD đánh giá là tăng trưởng vững chắc, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc nới lỏng chương trình kích thích tiền tệ (QE3).
Tại châu Âu, khu vực đồng euro (eurozone) - dù tiếp tục phải vật lộn để thoát khỏi khủng hoảng nợi - cũng bắt đầu lấy lại động lực tăng trưởng kinh tế, OECD cho biết. Chỉ số CLI của khu vực này trong tháng 5 tăng từ 100,1 điểm lên 100,3 điểm. Đáng chú ý nhất là Italia, với chỉ số CLI đạt 100,3 điểm, dẫn đầu khu vực sau nhiều tháng suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Trái ngược với các nền kinh tế phát triển, một số nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil và Nga lại đang có dấu hiệu mất đà. Trong tháng 5, chỉ số CLI của Trung Quốc giảm từ 99,6 xuống 99,5, Brazil giảm từ 99,2 xuống 98,9 điểm còn Nga giảm từ 97,5 xuống 97,6 điểm.
Duy nhất có Ấn Độ có chỉ số CLI tăng từ 97,5 điểm lên 97,6 điểm trong tháng 5.
Nguồn Reuters/Dân Việt