Nước Pháp trước thềm bầu cử: Châu Âu rồi sẽ đi về đâu?
Đã nhiều năm trôi qua kể từ lần cuối cùng nước Pháp có một cuộc cách mạng hay cải cách triệt để. Sự trì trệ đã trở thành một đặc điểm cố hữu của hệ thống chính trị Pháp, dù đảng nắm quyền là cánh tả hay cánh hữu.
Tuy nhiên đến năm nay thì cuộc bầu cử tổng thống Pháp hứa hẹn sẽ có rất nhiều bất ngờ. Hai đảng lớn là Xã hội và Cộng Hòa, vốn thay phiên nhau nắm quyền kể từ khi nền Cộng Hòa thứ 5 được thiết lập vào năm 1958, có thể bị loại ngay từ vòng bầu cử đầu tiên hôm 23/4. Khi đó, cử tri Pháp sẽ đứng trước hai lựa chọn: Marine Le Pen, lãnh tụ đảng cực hữu Mặt Trận Dân tộc (FN), và Emmanuel Macron, lãnh đạo phong trào tự do Tiến Lên (En Marche!) vừa được thành lập hồi năm ngoái.
Sự trỗi dậy của 2 nhân vật này là minh chứng rõ ràng nhất cho một xu hướng toàn cầu: sự phân chia cánh hữu và cánh tả không còn quan trọng bằng sự phân chia giữa các xu hướng toàn cầu hóa và đóng cửa bảo hộ. Dù Le Pen hay Macron chiến thắng sẽ tạo nên sức ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới nước Pháp: hoặc là củng cố Liên minh Châu Âu (EU), hoặc là làm nó tan vỡ.
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc FN. Ảnh: reddit.com |
Những người cùng khổ
Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới biến động chính trị Pháp năm nay là sự tức giận của cử tri với tầng lớp tinh hoa lãnh đạo. Tổng thống Francois Hollande, thuộc đảng Xã hội, thậm chí không ra tranh cử khi thấy cử tri hoàn toàn quay lưng với ông. Đảng Cộng Hòa đối lập với truyền thống trung hữu đã tự làm giảm cơ hội của mình, khi lãnh đạo đảng là ông Francois Fillon cho biết ông đang bị điều tra về việc lấy tiền thuế ra trả lương hơn 1 triệu Euro cho vợ và con cái mình mà không chứng mình được họ đã làm bất cứ việc gì. Ông Fillon không rút lui khỏi cuộc đua tranh cử dù đã hứa thực hiện việc này, nhưng chắc chắn cơ hội của ông đã giảm mạnh.
Một nguyên nhân khác làm cử tri thêm phần bất mãn là tình hình không mấy khả quan của nước Pháp hiện tại. Một cuộc điều tra năm ngoái cho thấy người Pháp là những người bi quan nhất thế giới, với 81% người dân phàn nàn rằng cuộc sống của họ ngày càng tệ đi, và chỉ 3% cho rằng cuộc sống của mình đang trở nên tốt hơn. Nền kinh tế Pháp đã đình đốn từ khá lâu, và có tới 1/4 thanh niên Pháp đang thất nghiệp. Trong số những người có việc làm thì rất ít người kiếm được các việc làm dài hạn như cha mẹ họ đã từng có. Nhiều doanh nghiệp Pháp đã tìm cách chuyển sang London (Anh) để tránh thuế cao và các quy định nhiều ràng buộc ở trong nước. Tình trạng các vụ khủng bố liên tiếp xảy ra gần đây cũng đã khiến người Pháp sợ hãi, gây nhiều rạn nứt xã hội và văn hóa tại quốc gia có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất Châu Âu.
Ông Emmanuel Macron, lãnh đạo đảng En Marché!. Ảnh: BBC |
Các vấn đề kể trên đã có mặt từ vài thập kỷ trở lại đây, nhưng cả phe cánh hữu và cánh tả đều không đưa ra được giải pháp. Nỗ lực cải cách gần đây nhất của nước Pháp là kế hoạch đầy tham vọng của cố tổng thống Jacques Chirac giữa thập niên 1990, với mục tiêu sửa đổi chế độ lương hưu và an sinh xã hội. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại do gặp phải hàng loạt cuộc đình công quy mô lớn. Từ đó, hầu như không ai đưa ra kế hoạch cải cách nào mới. Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy đã từng có ý định cải cách, nhưng kế hoạch của ông này thất bại do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới giai đoạn 2007-2008. Ông Hollande thì gần như thất bại ngay từ khi khởi đầu cải cách, khi đưa ra mức thuế thu nhập 75% đối với nhóm người giàu nhất. Sau đó, mức độ tín nhiệm quá thấp của Hollande đã khiến ông chẳng còn làm được điều gì đáng kể. Sau nhiều thập kỉ bế tắc, chẳng có gì ngạc nhiên khi các cử tri Pháp muốn tìm kiếm những lựa chọn mới trong cuộc bầu cử năm nay.
Cuộc chơi chưa hề có tiền lệ
Trong vài tháng qua, các chính trị gia nổi tiếng tại Pháp, trừ bà Le Pen, đều bị đẩy lui khỏi chính trường. Trong cuộc bầu cử chọn ứng viên của phe trung hữu vào tháng 11, cử tri đã cho cựu tổng thống Nicolas Sarkozy và cựu thủ tướng Alain Juppe “về vườn”. Trong cuộc bầu cử chọn ứng viên của đảng Xã hội, một cựu thủ tướng khác là ông Manuel Valls cũng thất bại. Cử tri cũng không ủng hộ ông Francois Hollande, khiến ông này quyết định không ra tranh cử, điều chưa bao giờ xảy ra với một Tổng thống Pháp đương nhiệm.
Cả Macron và Le Pen đều hiểu người dân Pháp đang rất tức giận, và biết rằng cần phải tận dụng điều đó để giành chiến thắng. Nhưng hai người này lại đưa ra các kế hoạch hoàn toàn khác nhau cho việc phục hưng nước Pháp. Le Pen đã thành công trong việc biến đảng FN từ một đảng có xu hướng phát xít thành một đảng phản đối toàn cầu hóa, thậm chí còn buộc cha mình phải rời khỏi đảng do chính ông sáng lập. Bà đổ lỗi cho các tác nhân từ bên ngoài, và hứa bảo vệ nước Pháp bằng việc ngăn chặn người nhập cư và tăng cường phúc lợi xã hội. Le Pen gọi EU là “một con quỷ phi dân chủ”, hứa giảm lượng người di cư xuống mức tối thiểu, từ bỏ việc sử dụng đồng Euro và tổ chức trưng cầu dân ý để rời EU.
Macron thì lại có quan điểm trái ngược hoàn toàn. Ông này cho rằng càng mở cửa thì nước Pháp càng mạnh hơn. Ông ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại, mở cửa cho người nhập cư, và việc tiếp tục ở lại trong EU. Macron cho rằng cách để tạo thêm việc làm cho người dân Pháp là xóa bỏ các rào cản trong luật lao động, chứ không phải là tạo thêm luật mới. Mặc dù chưa có những kế hoạch hành động chi tiết, ông Macron đã thể hiện mình là một nhà cách mạng ủng hộ toàn cầu hóa.
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp của khối Eurozone đang trên đà đi xuống, thì nước Pháp vẫn đứng yên. Ảnh: FT |
Tuy đều hô hào những kế hoạch mang tính cách mạng, nhưng sự thực là cả 2 nhân vật này đều xuất thân từ hệ thống chính trị cũ. Bà Le Pen theo nghiệp chính trị từ rất sớm, thành công chính của bà là khiến một đảng có nhiều tư tưởng cực đoan như FN được chấp nhận bởi xã hội. Ông Macron thì từng là bộ trưởng kinh tế trong chính quyền của tổng thống Hollande. Dù người chiến thắng là ai thì người đó cũng sẽ rất khó thực hiện những kế hoạch của mình: đảng FN của Le Pen rất khó giành được đa số trong Quốc hội Pháp, còn đảng của Macron thì gần như chưa có chỗ đứng nào cả.
Một chiến thắng dành cho ông Macron có thể là minh chứng cho sự trường tồn của chủ nghĩa tự do ở Châu Âu. Một chiến thắng cho bà Le Pen có thể khiến nước Pháp trở nên nghèo hơn và cô lập hơn. Nếu Le Pen đưa nước Pháp rời khỏi khu vực đồng Euro, điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính và làm sụp đổ EU, sau khi liên minh này đã đem lại hòa bình và ổn định cho châu Âu trong hơn 6 thập kỷ.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Pháp, và hiện tại bà Le Pen có vẻ như sẽ khó giành thắng lợi. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy bà có thể giành thắng lợi ở vòng bầu cử đầu tiên, nhưng thất bại ở vòng thứ hai. Nhưng sau những biến động vô tiền khoáng hậu ở Anh và Mỹ, đã đến lúc phải chuẩn bị tâm lý rằng bất kể điều gì cũng có thể xảy ra. Nước Pháp đã từng làm rúng động cả thế giới vài lần, và điều này vẫn có thể tiếp tục xảy ra lần nữa.
Khi nước Pháp bị chia đôi
Ở nhiều phương diện, sự nổi lên của bà Le Pen phù hợp với xu hướng dân túy đang trỗi dậy ở các nước phương Tây. Nỗi sợ mất việc làm do công nghệ tự động hóa và tiến trình phi công nghiệp hóa; sự nổi giận đối với người di cư; tình trạng mất niềm tin vào các chính trị gia ích kỷ; tốc độ lan truyền thông tin trên mạng xã hội là những yếu tố giúp các phong trào chính trị dân túy nổi lên khắp châu Âu và Mỹ.
Sự ủng hộ dành cho bà Le Pen giống với sự ủng hộ dành cho ông Donald Trump và Brexit ở chỗ có sự tương quan khá lớn với trình độ học vấn. Chỉ có 8% người Pháp có bằng đại học ủng hộ Đảng FN vào năm 2014; trong khi 41% người ủng hộ đảng này chưa hề tốt nghiệp cấp 3. Cũng như trường hợp của Trump, giới đàn ông có tỷ lệ ủng hộ FN cao hơn nhiều so với phụ nữ. Bà Le Pen giành được nhiều sự ủng hộ ở các thành phố công nghiệp cũ của nước Pháp, vốn đã mất đi khá nhiều việc làm do những biến đổi về cơ cấu kinh tế, khiến cử tri quay lưng với các đảng cánh tả truyền thống.
Biểu đồ tỷ lệ thất nghiệp của Pháp và biểu đồ tỷ lệ cử tri ủng hộ đảng FN: nơi nào tỷ lệ thất nghiệp càng cao thì FN càng nhận được nhiều sự ủng hộ. Ảnh: The Economist |
Có lẽ điều nổi bật nhất từ sự trỗi dậy của đảng FN là nó cho thấy lằn ranh phân cách ngày càng lớn giữa những thành phố và vùng nông thôn của nước Pháp. Trong giai đoạn 2006-2011, số việc làm tại 13 thành phố lớn của nước Pháp (Lyon, Marseille, Toulouse, Lille, Bordeaux, Nantes, Nice, Strasbourg, Rennes, Grenoble, Rouen, Montpellier và Toulon) đã tăng trung bình 5%, tuy nhiên trên toàn nước Pháp thì số việc làm lại giảm. Những thành phố kể trên là thành trì vững chắc của phe cánh tả (Lyon, Nantes, Rennes, Grenoble) hay là trung hữu (Bordeaux), và đảng FN rất khó tìm được chỗ đứng tại đây.
Xung quanh các thành phố là những nơi mà nhà địa lý Christophe Guilluy gọi là “nước Pháp ngoại biên”. Đây là thế giới của những nhà máy bị đóng cửa, và không biết Uber hay không gian làm việc chung là gì. Đó là nơi mà đảng FN bám rễ và trỗi dậy. Căn cứ địa đầu tiên của FN là ở miền Nam nước Pháp, nơi bà Le Pen nhận được sự ủng hộ mạnh từ những người Pháp trở về từ Algeria hồi những năm 1970. Tiếp theo đó là các thành phố công nghiệp cũ tại miền Bắc và miền Đông nước Pháp, nơi mà các cử tri thất vọng và quay lưng với các đảng cánh tả truyền thống.
Biểu đồ của nhà nhân chủng học Herve Le Bras cho thấy rằng có một căn cứ thứ 3 nữa của đảng FN là khu vực ngoại ô của các thành phố, nơi giáp ranh các vùng nông thôn. Tại các khu vực cách trung tâm Paris 40-50km, một ứng viên của đảng FN là Wallerand de Saint-Just giành được 32% phiếu bầu trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương năm 2015, nhưng ở những nơi cách xa 80km hay hơn nữa thì ông này giành được tới 41% số phiếu. Sự cô lập cũng giúp đảng FN nhận được nhiều ủng hộ. Le Bras nhận xét: “Nơi nào càng ở xa các ga xe lửa thì tỷ lệ ủng hộ đảng FN càng cao”.
Tỷ lệ ủng hộ các đảng phái tính theo khoảng cách từ trung tâm Paris: càng đi xa thi đảng FN càng nhận được nhiều sự ủng hộ. Ảnh: The Economist |
Bà Le Pen rất khôn ngoan trong việc khai thác cảm giác bị bỏ rơi và quên lãng ở các vùng nông thôn. Dù cũng xuất thân từ giới tinh hoa và lớn lên trong một biệt thự ở ngoại ô Paris, Le Pen biết cách đi vào tâm can của giới nông dân và công nhân. Một phần thành công của bà là do biết cách sử dụng ngôn ngữ đơn giản và các khẩu hiệu bài xích giới tinh hoa, phần khác là do tình trạng trì trệ kéo dài khiến cử tri quay lưng lại với các đảng chính trị truyền thống.
Từng một thời tự hào là trụ cột của châu Âu, nhiều người Pháp giờ đây cảm thấy đất nước mình đang mất phương hướng. Sau khi kết thúc 3 thập kỉ tăng trưởng liên tục sau thế chiến thứ 2, nền kinh tế Pháp ngày càng lệ thuộc vào vốn vay và chi tiêu công. Tỷ lệ chi tiêu công trên GDP của Pháp hiện còn cao hơn cả Thụy Điển và từ 1974 tới nay, không chính phủ nào của Pháp có thể cân bằng được ngân sách.
Trong suốt 15 năm qua, nền kinh tế Pháp và nước Đức láng giềng đã có sự phân hóa rõ rệt. Vào năm 2002, 2 nước này còn có GDP bình quân đầu người khá gần nhau. Nước Đức dưới thời ông Gerhard Schroder đã bắt đầu cải cách mạnh mẽ, trong khi nước Pháp dưới thời ông Jacques Chirac thì không làm được như vậy. Ngày nay, người Đức có sức mua bình quân đầu người cao hơn 17% so với người Pháp. Chi phí nhân công tại Pháp tăng nhanh hơn tại Đức, ngăn cản các chủ doanh nghiệp ký hợp đồng lâu dài, và giảm tính cạnh tranh. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Pháp sang các nước EU đã giảm từ chỗ chiếm 13,4% toàn khối xuống còn 10,5%.
Trong giai đoạn từ đầu 2014 đến hết 2015, nước Pháp có tỷ lệ tăng trưởng thuộc hàng chậm nhất châu Âu. Ảnh: FT |
Hệ quả tồi tệ nhất của sự trì trệ là tỷ lệ thất nghiệp. Vào năm 2002, tỷ lệ thất nghiệp của Pháp chỉ cao hơn Đức chút ít. Nhưng hiện nay, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Đức chỉ vào khoảng 4% thì tại Pháp con số này là 10%, và 1/4 số thanh niên dưới 25 tuổi ở Pháp không có việc làm. 80% việc làm mới tại Pháp là các hợp đồng ngắn hạn, nhiều khi chỉ kéo dài 1 tháng. Trong khi tại Mỹ và Anh, tỷ lệ ủng hộ của các thanh niên dưới 25 tuổi dành cho Trump và Brexit là thấp nhất, thì tại Pháp nhóm này lại ủng hộ đảng FN nhiệt tình nhất.
Bên cạnh sự bất mãn với kinh tế là nỗi sợ về an ninh. 3 cuộc tấn công khủng bố trong vòng 18 tháng từ năm 2015 tới 2016 đã làm giảm niềm tin của người dân Pháp. Họ phải học cách làm quen với việc binh lính tuần tra trên các con phố và nhà ga tàu điện. Vốn là nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất Châu Âu, người Pháp cũng rất lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Bà Le Pen đã tận dụng rất tốt điều này để thuyết phục các cử tri rằng cuộc sống của họ đang bị đe dọa.
Bằng cách kết hợp sự hoài nghi trước những thay đổi xã hội của các phần tử bảo thủ ở miền Nam nước Pháp, cũng như sự bất mãn về trào lưu toàn cầu hóa của các phần tử cánh tả truyền thống ở miền Bắc, bà Le Pen đã tạo ra một phong trào dân túy khá lợi hại. Qua việc xây dựng hình ảnh đối nghịch với giới tinh hoa, đảng FN cũng đánh trúng vào niềm tự hào của người Pháp rằng đất nước của họ là cái nôi của các cuộc cách mạng làm rung chuyển toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu tranh cử của Le Pen là “Nhân danh nhân dân”.
Ngoài ra, FN cũng tận dụng được sự hoài nghi về EU của nhiều người Pháp. Vốn bị nước Đức xâm lược 3 lần từ năm 1870, nước Pháp đã ứng phó với điều này bằng việc xây dựng EU để từ đó kiềm tỏa được nước Đức trong khi tăng cường được sức ảnh hưởng của mình lên toàn châu lục. Tuy nhiên, sự nhiệt tình với EU cũng đã sụt giảm theo thời gian. Vào năm 1992, người Pháp đã bỏ phiếu đồng ý việc sử dụng đồng euro với một tỉ lệ rất sít sao. Tới năm 2005, họ đã từ chối dự thảo về nghị viện Châu Âu. Theo số liệu từ Pew, tỷ lệ người dân Pháp ủng hộ EU đã giảm từ mức 69% trong năm 2004 xuống còn 38% trong năm 2016, thấp hơn cả nước Anh trước thềm Brexit. Đây chính là cơ hội cho đảng FN, và bà Le Pen đã nói về Brexit như là hình mẫu cho việc “giải thoát” nước Pháp khỏi EU.
Trong các cuộc bầu cử hơn 10 năm qua, người Pháp liên tục thể hiện sự bất mãn với đảng cầm quyền, dù đó là bên cánh tả hay cánh hữu. Trong một cuộc thăm dò gần đây, 89% người dân Pháp cho rằng nước Pháp đang đi lệch hướng. Xem ra, lịch sử nước Pháp hay có những giai đoạn đòi hỏi thay đổi toàn diện và bất ngờ để thoát khỏi sự bế tắc. Những thời khắc như thế có thể mang lại sức mạnh sáng tạo và đổi mới làm rung chuyển cả thế giới, nhưng cũng có thể là cú ngã trượt dài vào ngõ cụt. Vào tháng 5 tới đây, những lá phiếu của người dân Pháp sẽ quyết định xem đất nước của họ sẽ đi theo lối nào.
Bá Ước
Nguồn The Economist