Thứ Bảy | 13/07/2013 16:35

Nước Pháp khi những tượng đài sụp đổ

Eiffel quá già so với thiết kế chỉ để tồn tại trong 20 năm. Phải chăng, Pháp chỉ đang cố kéo dài thời gian sống của những biểu tượng đã luống tuổi?

Đoàn tàu hướng về Paris và trật bánh

Sáng nay, đưa tin về vụ tai nạn đường sắt thảm khốc vừa xảy ra tại Pháp hôm qua 12/7. Một chiếc tàu hỏa trật bánh và đâm trúng sân ga ở miền nam nước Pháp làm chết 7 người, đây là tai nạn đường sắt tồi tệ nhất tại Pháp trong vòng 25 năm qua.

Ngành đường sắt từng là niềm tự hào của người Pháp. Những tuyến đường sắt đầu tiên trong cuộc Cách mạng Công nghiệp không phải do người Anh xây dựng, mà chính là người Pháp. Hầu hết hệ thống đường ray xe lửa trên khắp châu Âu đều ghi dấu của nước Pháp, kể cả hệ thống đường sắt tại Việt Nam hiện nay cũng là di sản do người Pháp để lại.

Nhưng vụ tai nạn thảm khốc hôm qua chẳng khác nào một thần tượng đã sụp đổ.

Nước Pháp hứng chịu tại nạn đường sắt thảm khốc nhất trong vòng 25 năm qua. (Ảnh: Reuters).

Chuyến tàu gặp tai nạn hôm qua bắt đầu khởi hành từ thành phố Limoges và hướng về Paris, chở theo 385 hành khách. Đoàn tàu trật bánh khi vừa đi qua nhà ga Bretigny-sur-Orge, cách Paris khoảng 25 km về phía nam.

Dường như mọi ánh nhìn đều tập trung về thủ đô Paris và cung điện Élysée, nhưng chỉ nhìn thấy thất vọng. Một vị tổng thống đã mất đáng kể uy tín, một nội các có đến 8 vị bộ trưởng triệu phú trong khi nền kinh tế đang suy thoái, với dự báo tăng trưởng -0,3% trong năm nay.

Như khắp Nam Âu, nạn thất nghiệp cũng bắt đầu tràn đến trái tim của châu Âu. Trong quý I/2013, tỷ lệ thất nghiệp Pháp lần đầu tiên chạm ngưỡng cao kỷ lục sau gần 15 năm.

Cũng trong hôm qua, điện Élysée tiếp tục đón nhận thêm tin tức xấu, khi Fitch tuyên bố hạ xếp hạng tín nhiệm của Pháp từ AAA xuống AA+. Đánh mất xếp hạng tín nhiệm là điều khó tránh khỏi, bởi Pháp đang là nước có chi tiêu công chiếm tới 57% GDP và nợ công có thể lên 96% GDP vào năm 2014, trước khi có thể hạ xuống 92% vào năm 2017.

Siết chặt tiết kiệm, khó buộc người dân Pháp chi tiêu nhiều hơn

Như một chuyến tàu trật bánh, hôm qua nhà lãnh đạo Pháp tiếp tục đưa ra đề nghị gây phản ứng dữ dội trong lòng dân chúng.

Ngân hàng trung ương Pháp (BOF) chính thức trình kiến nghị hạ lãi suất tiết kiệm Livret A từ 1,75% xuống 1,25% bắt đầu áp dụng từ 1/8/2013.

Tuy mức lãi suất này vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát năm (tính đến tháng 6/2013 đang ở mức 1%), nhưng là đòn giáng mạnh vào nhu cầu tiết kiệm của người dân.

Đến cuối năm 2012, Pháp có khoảng 63,3 triệu tài khoản tiết kiệm Livret A, tương ứng số tiền gửi lên tới 262,1 tỷ euro (trong tháng 5/2013).

Mục tiêu của chính sách nhằm khuyến khích người dân tiêu dùng. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu đang trên đà suy thoái, thu nhập không tăng, chỉ số mua hàng tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp kỉ lục trong gần 30 năm vào cuối năm ngoái.

Jean-Paul Fitoussi, giáo sư tại Viện nghiên cứu chính trị Paris cho rằng: “Tiêu dùng đã luôn là chiếc mô-tơ kéo nền kinh tế Pháp tăng trưởng” nhưng niềm tin người tiêu dùng Pháp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này ra đời năm 1972. Và nếu nền kinh tế không hoạt động thì động lực tăng trưởng sẽ đến từ đâu?

Một người dân tại Paris chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ cho rằng, "Thu nhập của tôi không tăng, trong khi giá cả ngày càng đắt đỏ, cho nên dù lãi suất Livret A có giảm thì tôi vẫn sẽ lựa chọn gửi tiết kiệm”.

Rất có thể, chính sách mới sẽ chỉ hiệu quả ở mức độ nhất định, nhưng trong hoàn cảnh khủng hoảng, người dân Pháp đang có ít lựa chọn hơn. Thực tế, ánh hào quang xưa dường như đã tắt, chỉ còn những biểu tượng vật chất còn lại, đó là Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn hay Nhà thờ Đức Bà,…

Ít ai biết rằng, công trình Tháp Eiffel nổi tiếng vốn được thiết kế để tồn tại chỉ trong 20 năm, nhưng thực tế đã hơn 100 năm trôi qua và các chuyên gia tự tin khẳng định rằng, Tháp Eiffel sẽ còn tồn tại trong 2 tới 3 thế kỉ nữa.

Tuy nhiên đó là câu chuyện của một công trình kiến trúc, còn một nền kinh tế, chỉ cần "bò" dưới đáy trong 2-3 thập kỷ thì sẽ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Một chu kỳ kinh tế không cho phép thời gian khủng hoảng kéo dài lâu đến thế. Nước Pháp cần thay đổi, đủ nhanh và mạnh mẽ, tư tưởng bảo thủ đang ngày càng kéo cả đất nước thụt lùi so với phần còn lại.

Biểu tượng ngành đường sắt đã sụp đổ và ánh sáng trên điện Élysée cũng đang tắt dần, nếu không kịp thắp lại thì ngay cả Tháp Eiffel cũng sẽ chỉ đứng đó như một khối sắt khổng lồ, không hơn.

Nhờ cải tạo, tháp Eiffel có thể tồn tại thêm 2-3 thế kỷ nữa, nhưng nền kinh tế Pháp không thể đợi lâu đến thế để cải tổ.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện