Thứ Năm | 06/03/2014 20:58

Nước Nga đang cứng rắn bảo vệ lợi ích của mình?

Khủng hoảng Ukraine đã làm lộ rõ các thất bại của các chính sách hậu Chiến tranh Lạnh.

Financial Times mới đây đăng tải bài viết của tác giả Sergey Karaganov, trưởng khoa kinh tế quốc tế và ngoại giao của Đại học Nghiên cứu Quốc gia ở Moscow, về diễn biến mới ở Ukraine. Dưới đây là phần lược dịch:

Quân đội Nga (Ảnh: rusmilitary)


“Người Nga không xem sự tan rã của Liên Xô như một thất bại nhưng phương Tây coi Nga như một quốc gia bị đánh bại.

Tổng thống Vladimir Putin đã và đang cố gắng đưa hầu hết các nước trong Liên Xô cũ vào một liên minh kinh tế. Điều này lẽ ra sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của khu vực và giúp loại bỏ sự bất ổn từng hủy hoại nền Cộng hòa Weimar sau khi Đế chức Đức tan rã. Tuy nhiên, phương Tây làm gần như mọi thứ để ngăn cản quá trình thiết lập quan hệ hữu nghị nói trên.

Giới chóp bu của Ukraine đã không thể đưa đất nước mình tới một tương lai thịnh vượng hơn. Năm 1990, tổng sản phẩm quốc dân bình quân của Ukraine tương tự mức của Belarus. Ngày nay, con số đó chỉ còn một nưa.

Cuộc bầu cử 2004, mà trong đó phương Tây can thiệp công khai, đã đem đến chế độ của Tổng thống Viktor Yushchenko – ông này mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, thiếu năng lực nhưng ủng hộ nhiệt thành cho phương Tây.

Ukraine cố gắng “lượn lờ giữa cả Nga và phương Tây”. Lần gần đây nhất, sau nhiều lần bị bác bỏ, EU đã đề xuất một thỏa thuận liên kết giúp họ ngăn cản Ukraine tham gia vào liên minh hải quan do Nga lãnh đạo. Ông Yanukovych, hy vọng hoặc là kiếm được khoản vay từ phương Tây hoặc là ép được Nga hào phóng cho vay, đã giả vờ gần gũi với châu Âu. Đợi đúng lúc Nga hứa cho vay, ông Yanukovych đã đổi gió sang Nga.

Những người biểu tình không hài lòng với động thái trên của vị Tổng thống và họ đã xuống đường ở Kiev. Cũng rất nhanh, họ được nhiều nhóm cánh hữu mờ ám gia nhập – những kẻ này đã dùng bom xăng tấn công cảnh sát dai dẳng trong nhiều tuần. Chính phủ Nga tin rằng phương Tây công khai ủng hộ những phần tử biểu tình này. Đến khi xảy ra nổ súng chết người thì Ukraine lún sâu vào khủng hoảng.

Những sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh có cả một chiến dịch tuyên truyền chống Nga và những lời vu khống kéo dài trong hơn một năm trời.

Ở Nga giới học giả thấy rõ mục đích trong chiến dịch này: Đặt cơ sở cho một chiến dịch kiềm chế mới. Người ta nhớ đến nỗ lực Đông tiến của NATO. Nếu Ukraine được kết nạp vào khối quân sự này, thì vị trí chiến lược của Nga sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Sau khi thất bại trong việc kêu gọi NATO ngừng mở rộng, Nga đã dùng đến nắm đấm sắt. Năm 2008, Nga đã phản ứng lại mạnh mẽ cuộc tấn công của quân Gruzia khiến nhiều thành viên gìn giữ hòa bình của Nga và thường dân Ossetia thiệt mạng. Kể từ đó, Ukraine đã tự xác định mình là quốc gia “không liên kết”, mặc dù các quan chức NATO vẫn tiếp tục nài nỉ Ukraine gia nhập khối này.

Hành động của Nga trong tuần qua phải được xem xét trong bối cảnh này. Tất nhiên về phía chính quyền Nga cũng có những người muốn tăng cường vị thế của nước Nga thông qua việc đối đầu với phương Tây.

Để ngăn ngừa tình hình xấu hơn, tất cả các bên cần… bình tĩnh. Một cuộc hội thoại 3 bên về tương lai của Ukraine cần diễn ra giữa nước này, Nga và EU, như Moscow liên tục đề xuất.

Đường nét của một thỏa thuận đã rõ. Cấu trúc liên bang cho các thể thế Ukraine và việc quay trở về hệ thống nghị viện thay cho chế độ Tổng thống sẽ giúp người dân mỗi vùng ở Ukraine đưa ra sự lựa chọn của riêng mình về các vấn đề ngôn ngữ và văn hóa. Việc sở hữu và kiểm soát hệ thống vận chuyển khí gas cần được chia sẻ giữa Ukraine và các nước láng giềng. Ukraine nên được tham gia đồng thời vào cả liên minh hải quan của Nga và thỏa thuận liên kết với EU.

Tác giả Karaganov cho rằng cần bắt đầu xúc tiến công việc xây dựng một Liên minh mới của châu Âu trải dài từ Lisbon tới Vladivostok trong đó dòng người và dòng thương mại sẽ được di chuyển tự do. Theo ông nên kết hợp sức mạnh mềm của châu Âu với sức mạnh cứng và các tài nguyên của nước Nga, như ông Putin và các nhân vật nổi bật của châu Âu hay đề xuất.

Nước Nga rốt cục đang hướng nền kinh tế của mình sang phía đông. Nếu sự chuyển đổi này đi kèm với sự chia rẽ về chính trị, xã hội và văn hóa thì đó sẽ là một tổn thất lớn cho cả người Nga và người châu Âu.”/.

Trung Hiếu(lược dịch từ FT.com)

Nguồn VOV online


Sự kiện