Thứ Ba | 17/07/2012 19:10

Nước nào được lợi nhất khi euro mất giá?

Trong hoàn cảnh bình thường, đồng euro mất giá sẽ là một lợi ích cho khu vực đồng euro (eurozone), song hiện tại, điều đó lại không giúp được gì nhiều.
Những đối tượng được lợi nhiều nhất từ sự suy giảm của đồng euro là những quốc gia có hoạt động thương mại chủ yếu bên ngoài eurozone.

Điều đó có nghĩa là Đức, quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và chi phí đi vay thấp nhất khu vực, chính là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ sự đi xuống của đồng euro. Nhà kinh tế tại UniCredit, Andreas Rees ước tính xuất khẩu ngoài khu vực eurozone hiện chiếm tới 29% GDP của Đức, cao gấp đôi so với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.

Sự bùng nổ của Đức có thể giúp vực dậy khu vực eurozone theo nhiều cách. Đồng euro giảm có thể giúp Đức thúc đẩy nhu cầu trong nước về hàng hóa và dịch vụ do eurozone sản xuất, và xóa bỏ những mâu thuẫn trong cạnh tranh giữa các nền kinh tế eurozone - thứ góp phần tạo nên khủng hoảng khu vực. Tuy nhiên, những hiệu ứng này phải mất nhiều năm mới tỏ rõ tác dụng, trong khi khủng hoảng eurozone vào lúc này lại vô cùng cấp bách.

Đồng euro giảm xuống thấp nhất hai năm năm so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới trong bối cảnh khủng hoảng tiếp tục nhấn chìm Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư khu vực đồng euro (eurozone). Theo các chuyên gia, nếu trong hoàn cảnh bình thường, sự suy giảm của đồng euro sẽ là một lợi ích cho khu vực, song ở thời điểm hiện tại, điều đó lại không giúp được gì nhiều.

Nếu như vào thời điểm trước khủng hoảng, một loạt các động thái như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất cách đây hai tuần có thể mang lại hiệu quả gấp đôi trong việc phục hồi kinh tế: Các ngân hàng có thể thông qua lãi suất thấp hơn cho các khách hàng của họ, trong khi các nhà xuất khẩu có cơ hội tốt hơn để bán sản phẩm khi thị trường ngoại hối đi xuống.

Tuy nhiên, vào thời điểm eurozone phân cực mạnh mẽ như hiện tại, những động thái đó không mang lại nhiều hiệu quả. Trước hết, không có gì đảm bảo rằng các ngân hàng eurozone sẽ đồng ý hạ chi phí cho vay.

Trong cuộc họp báo diễn ra hai tuần trước, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết ông không hy vọng các ngân hàng sẽ thay đổi thái độ bất chấp tuyên bố hạ lãi suất của ECB. Thậm chí kể cả khi họ đồng ý hạ thì những vấn đề hiện tại của eurozone cũng khiến các doanh nghiệp không dám tới ngân hàng để vay tiền.

Tuy nhiên, nếu chi phí đi vay không giảm thì sự mất giá của đồng tiền chung châu Âu cần phải tạo được một một hiệu ứng kích cầu và phải mang lại một giá trị nào đó cho eurozone ngay cả khi nó khiến các đối tác thương mại khó chịu, một số chuyên gia kinh tế nhận định.

Kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Oliver Blanchard, nhận định rằng: "Ngay cả khi đồng euro giảm so với đồng USD, tôi vẫn cho rằng đó là một điều tốt đẹp. Châu Âu hiện tại cần điều đó hơn Mỹ và bản thân nước Mỹ cũng có thể tìm cách cân đối lại hai đồng tiền này."

IMF từng cảnh báo nhiều lần rằng khủng hoảng eurozone là mối đe dọa lớn nhất cho kinh tế toàn cầu, do đó việc để đồng euro mất giá và quay lại đúng vị trí của nó sẽ là một lợi ích cho toàn thế giới, ông Blanchard nói.

Hôm 14/7, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2013 của eurozone từ 0,9% còn 0,7%, đồng thời giữ nguyên dự báo eurozone sẽ tăng trưởng âm 0,3% trong năm nay.

Việc đồng euro giảm 10% trong tỷ giá hối đoái sẽ giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của eurozone tăng 1,4%, ông Blanchard cho biết.

Tuy nhiên, xuất khẩu chỉ có thể giúp kinh tế phục hồi nhanh hơn khi và chỉ khi nền kinh tế của các đối tác thương mại đang trong trạng thái ổn định. Nhưng ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng tại các thị trường mới nổi đang chậm lại trong những năm qua. Bằng chứng là xuất khẩu từ Ireland, một trong những nền kinh tế mở nhất của eurozone, tiếp tục giảm trong tháng 5 dù đồng euro đã giảm 10% trong năm nay và ở mức thấp nhất 4 năm so với đồng bảng Anh, đồng tiền của đối tác thương mại lớn nhất của Ireland.

Nguồn WSJ/DVT


Sự kiện