Nước Mỹ năm 2013: Một năm đầy nhọc nhằn của "ông lớn"
Nước Mỹ bắt đầu năm 2013 bằng ánh hào quang từ sự tái cử nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama, nhưng suốt 12 tháng trời, người dân Mỹ luôn phải chứng kiến những cuộc đấu đá quyền lực dẫn tới sự bế tắc trong hầu hết các quyết sách đối nội.
Họ phải chờ đến thời điểm "năm cùng tháng tận" mới có thể thở phào nhẹ nhõm khi lưỡng viện Quốc hội chấp nhận thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách, không phải cho một năm mà là hai tài khóa liên tiếp 2014 và 2015.
Chương trình cải cách chế độ bảo hiểm và chăm sóc y tế, thường gọi là ObamaCare, được đưa vào thực thi trong tranh cãi cộng thêm "cú sốc vỡ mạng" khiến nhiều người "mất cả chì lẫn chài" do bỏ chế độ bảo hiểm cũ nhưng không đăng ký được bảo hiểm mới.
Căng thẳng đảng phái kéo dài cũng dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là ngân sách tài khóa 2014 tự động bị cắt giảm 85 tỷ USD, gây khó khăn cho đà phục hồi kinh tế.
Hồi đầu tháng 10, một bộ phận công sở liên bang lần đầu tiên trong vòng 17 năm phải đóng cửa, buộc hàng trăm nghìn nhân viên phải nghỉ không lương, trong khi quốc gia bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ do Bộ Tài chính không còn quyền vay tiền chi tiêu.
Cuộc giành giật quyền lực kéo dài giữa đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện và đảng Cộng hòa nắm quyền đa số tại Hạ viện khiến cử tri thất vọng, quy trách nhiệm cho cả hai.
Thăm dò của Washington Post/ABC News ngày 18/12 cho biết chỉ có 43% số người được hỏi ý kiến bày tỏ ủng hộ Tổng thống Obama, trong khi tỷ lệ phản đối lên tới 55%.
Đây là sự ủng hộ thấp chưa từng có mà người dân Mỹ dành cho một tổng thống sau 5 năm cầm quyền.
Thăm dò của tổ chức Gullup cũng cho thấy có tới 54% cử tri trẻ, nền tảng chính trị góp phần giúp ông Obama đắc cử tổng thống hai nhiệm kỳ, nói rằng họ không hài lòng với cách thức xử lý của ông chủ Nhà trắng hiện nay trong hầu hết các vấn đề trong nhiệm kỳ thứ hai, từ chăm sóc y tế, giải quyết thâm hụt ngân sách liên bang tới cuộc nội chiến Syria và chương trình hạt nhân của Iran.Uy tín của các nghị sỹ Quốc hội thậm chí còn sụt giảm nghiêm trọng khi chỉ có 16% ủng hộ và hơn 70% phản đối, trong đó 59% không hài lòng với các nghị sỹ đảng Dân chủ và 75% bất bình với các nghị sỹ Cộng hòa.
Tuy thất vọng, song đến cuối năm 2013, người dân Mỹ đã phần nào bớt lo lắng khi đà phục hồi kinh tế có nhiều dấu hiệu khả quan hơn.
Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3/2013 đạt 3,6%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 3,1% của các chuyên gia. Đây là tốc độ tăng GDP mạnh nhất của Mỹ kể từ quý 1/2012.
Kinh tế tăng trưởng mạnh hơn đã góp phần hạ nhiệt thị trường lao động, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tháng 11/2013 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm xuống còn 7%.
Đà phục hồi mạnh khiến Ngân hàng dự trữ liên bang (Fed) quyết định bắt đầu cắt giảm gói cứu trợ thứ ba (QE3) từ 85 tỷ USD xuống còn 75 tỷ USD bắt đầu từ 1/2014.
Tuy nhiên, vẫn còn mối lo đối với người dân Mỹ khi bước vào kỳ nghỉ năm mới là khoản nợ quốc gia đã vượt ngưỡng 17.400 tỷ USD, tăng xấp xỉ 70% so với con số 10.627 tỷ USD khi ông Obama mới lên cầm quyền năm 2009. Nếu lấy con số này chia đều cho người dân Mỹ thì mỗi người phải "cõng" khoản nợ hơn 52.000 USD.
Bên cạnh đó, các yếu tố căng thẳng trong xã hội cũng là một vấn đề đau đầu của nước Mỹ trong năm 2013 khi liên tục xảy ra các vụ bắn giết nhau trong các trường học hay vụ một cựu binh Mỹ xả súng bừa bãi trong căn cứ hải quân Navy Yard chỉ cách trụ sở Quốc hội vài km, cướp đi mạng sống của 13 người.
Vấn đề "động trời" liên quan tới chính sách đối ngoại của Mỹ tới mức có thể được chọn làm một trong 10 sự kiện quan trọng nhất của thế giới năm 2013 là vụ cựu nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden chạy trốn ra nước ngoài và tiết lộ chương trình do thám bí mật trên diện rộng của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA).
Theo thông tin do Snowden cung cấp, trong nhiều năm liền, NSA đã chặn thư điện tử và nghe lén điện thoại di động của hơn 5 triệu người trên toàn thế giới, trong đó có 35 nguyên thủ quốc gia, bao gồm cả những đồng minh gần gũi nhất như Thủ tướng Đức Angela Merkel, khiến nhiều quốc gia và người dân Mỹ phẫn nộ.
Một trong những vấn đề đối ngoại khá làm hài lòng người dân Mỹ là việc chính quyền Barack Obama hủy bỏ phương án chiến tranh, chấp thuận đề xuất của Nga vào phút chót để tìm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Syria, giúp quốc gia Trung Đông này tránh được một cuộc chiến tranh.
Người dân Mỹ cũng khá hài lòng với việc Nhà Trắng tranh thủ đường lối hòa giải của tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani để tìm một giải pháp không "gươm đao" cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, cho dù hướng đi mới này còn nhiều chông gai và đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa Washington với một số đồng minh như Israel và Saudi Arabia.
Một trong những điểm sáng đối ngoại năm 2013 là việc chính quyền Obama tiếp tục triển khai các bước cụ thể về chính trị-ngoại giao, an ninh-quân sự và kinh tế-thương mại để chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi được xác định gắn liền với tương lai và sự thịnh vượng của nước Mỹ trong thế kỷ 21.
Trong sự chuyển dịch chiến lược này, Đông Nam Á được xác định như một trụ cột với hàng loạt chuyến thăm của các quan chức cấp cao, gồm Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew và Đại diện thương mại Michael Froman.
Trong khi đó, hai cuộc chiến mà Mỹ đã đổ vào hàng nghìn tỷ USD vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa khi Iraq vẫn chìm trong bạo lực, còn Afghanistan mất lòng tin với Washington tới mức không chịu ký Hiệp định an ninh song phương (BTA) cho dù thời hạn Mỹ rút toàn bộ binh lính ra khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014 đang đến gần.
Nhìn chung, quan hệ giữa Mỹ với các nước lớn trong năm 2013 xem ra ít thuận lợi. Tiến trình "cài đặt lại" quan hệ với Nga vẫn không mang lại hiệu quả, thậm chí còn căng thẳng liên quan tới kế hoạch phòng thủ tên lửa của Washington tại Đông Âu, vấn đề Ukraine và cả vụ Edward Snowden.
Quyết định của Nga triển khai tên lửa chiến thuật Iskander-M tại Kaliningrad và việc Tổng thống Obama hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin là hệ quả của mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước.
Mối quan hệ "cộng sinh" kinh tế Mỹ-Trung được đẩy lên với các cuộc gặp cấp cao liên tiếp, nhưng phía Mỹ cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về các hành động của Bắc Kinh ở các vùng biển tranh chấp, trong đó có việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông.
Vụ tàu chiến Mỹ và tàu chiến Trung Quốc suýt va chạm hôm 15/12 ở Biển Đông phản ánh "sự tăng nhiệt" của mối quan hệ được Trung Quốc mô tả là "nước lớn kiểu mới, hai bên cùng thắng."
Quan hệ của Mỹ với châu Âu cũng "sứt mẻ" do vụ bê bối Edward Snowden dẫn tới việc làm trì hoãn các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Quan hệ giữa Mỹ với Mỹ Latinh cũng bị rạn nứt do chương trình do thám bí mật của NSA, khiến Tổng thống Brazil Dilma Rousseff phải hủy chuyến thăm Washington, trong khi Bộ Ngoại giao Mexico khẳng định đó là hành động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật Mexico và luật pháp quốc tế.
Chính sách của Nhà Trắng với châu Phi năm 2013 được chú tâm hơn với chuyến thăm cuối tháng Sáu của Tổng thống Obama tới Senegal, Nam Phi và Tanzania để thúc đẩy các sáng kiến thương mại và y tế, kêu gọi đầu tư cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp.
Châu lục này năm 2013 cũng chứng kiến việc Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự trực tiếp hoặc hỗ trợ các chiến dịch quân sự của đồng minh tại Mali và Cộng hòa Trung Phi...
Có thể thấy nước Mỹ đã trải qua năm 2013 trong nhọc nhằn, khó khăn và chắc chắn năm 2014, nước Mỹ sẽ tiếp tục đứng trước nhiều thách thức mới cả về đối nội và đối ngoại. Vì thế, người dân Mỹ trông chờ năm 2014 sẽ có tương lai sáng sủa hơn, nhất là trong vấn đề kinh tế.
Tuy nhiên, chính trường Mỹ xem ra vẫn còn nhiều giông tố với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm mà đảng Cộng hòa đang tìm cách nắm trọn lưỡng viện Quốc hội để thao túng chính trường và tạo đà cho cuộc tổng tuyển cử năm 2016.
Nguồn TTXVN