Nước là hàng hóa đặt cược quan trọng trong tương lai
Tới năm 2050, dân số toàn cầu sẽ cán mốc 10 tỷ người, và hơn 1 tỷ người sẽ không có cơ hội để tiếp cận nguồn nước sạch, Liên Hợp Quốc cho biết.
Các mô hình thời tiết và khí hậu đang làm thay đổi mô hình nước tự nhiên. Sự ô nhiễm từ các ngành công nghiệp đang khiến nước trở thành một loại hàng hóa khan hiếm. Do đó, muốn tồn tại, các doanh nghiệp trên thế giới bằng mọi giá phải tìm cách duy trì nguồn nước. Khi đó, sự tranh giành nguồn nước giữa các doanh nghiệp sẽ tạo nên một thị trường vô cùng nóng bỏng.
Theo bản tóm tắt về thị trường nước toàn cầu trong năm 2010 của tạp chí Fortune, tổng lợi nhuận do nước mang lại là 508 tỷ USD, trong đó thị trường nước đóng chai đem về 58 tỷ USD và sẽ còn tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.
Trong khi đó, các ngành công nghiệp cần 28 tỷ USD dành cho các loại thiết bị, dịch vụ liên quan tới nước. Khoảng 10 tỷ USD nước được sử dụng cho tưới tiêu nông nghiệp, 15 tỷ USD khác được dành cho các sản phẩm bán lẻ như các bộ lọc hay hệ thống làm mát.
Ngoài ra, khoảng 170 tỷ USD được chi cho các hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cũng như tái chế nước. Trong khi đó, các nhà máy xử lý nước và hệ thống phân phối cũng ngốn tới 226 tỷ USD.
Trong ngắn hạn, chi phí làm sạch nước sẽ vô cùng đắt đỏ và giá của loại "vàng mới" này sẽ còn cao hơn nữa. Đó cũng chính là lý do khiến nước sẽ trở thành một loại hàng hóa quan trọng được nhiều nhà đầu tư đặt cược trong tương lai.
Nhiều người cho rằng chính con người là đối tượng tiêu thụ nước nhiều nhất, song không phải vậy. Nông nghiệp hiện chiếm 71% lượng tiêu thụ nước, trong khi ngành công nghiệp chiếm 16%.
Do đó, việc con người ngày càng tiêu thụ nhiều nước đóng chai không phải nguyên nhân khiến nước cạn kiệt. Chính lối sống và thói quen tiêu dùng đã khiến lượng tiêu thụ nước tăng vọt, tạp chí Fortune nhận định.
Bên cạnh đó, sự gia tăng của dân số thế giới cũng góp phần khiến nước trở nên khan hiếm hơn. Hãy tự hỏi: Điều gì sẽ xảy đến trong 40 năm tới khi thế giới có thêm 3 tỷ người? Điều đó đồng nghĩa mỗi năm sẽ có thêm 75 triệu người, mỗi tháng có thêm 6 triệu và mỗi giây có thêm 200.000 người. Với dân số khổng lồ ấy, đòi hỏi phải có nhiều nước và thật nhiều nước hơn nữa để phục vụ cho ăn uống, tắm giặt, nấu ăn cùng những sinh hoạt khác. Tất cả biến nước thành một loại "vàng mới", vô cùng khan hiếm.
Dân số tăng đồng nghĩa những quốc gia có dân số đông như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những nước tiêu thụ nước nhiều nhất. Hiện tại, dân số Trung Quốc là 1,3 tỷ người. Ước tính Trung Quốc sẽ có thêm 100 triệu người ở thế hệ tiếp theo, trong khi ở Ấn Độ là 600 triệu người.
Mới đây, Bắc Kinh đã lập kế hoạch lập thêm 500 thành phố cho các cư dân mới của họ. Hãy tưởng tượng 500 thành phố mới, mỗi thành phố có khoảng 100.000 người hoặc hơn nữa, thì lượng nước tiêu thụ sẽ lớn tới mức nào. Trong khi đó, tại Ấn Độ, dự kiến nhu cầu nước cũng sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới.
Nguồn Marketwatch/Khampha