Thứ Hai | 19/08/2013 09:47

Nước Đức chưa đủ mạnh

Đức chỉ thành công khi có thể đảm bảo đến cùng sức khỏe của khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Nếu Đức thu một euro cho mỗi lời khuyên về việc quốc gia này phải hành động như thế nào trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu, thặng dư tài khoản vãng lai của đất nước này sẽ lớn hơn rất nhiều so với con số hiện có. Nói chung, hầu như các kiến nghị đều hướng tới Berlin: cứu trái phiếu khu vực đồng euro, bỏ qua khoản nợ cho Hy Lạp, đưa ra một kế hoạch Marshall cho khu vực Địa Trung Hải, thành lập liên minh ngân hàng, tăng tiền lương trong nước, tung ra một gói kích thích tài chính thay vì cân bằng ngân sách.

Một số gợi ý là trên là đúng trong khi một số khác là sai. Tuy nhiên, có một điểm quan trọng: một trong những đóng góp hữu ích nhất của Đức cho khu vực EU là quốc gia này sẽ phải cải cách và hiện đại hóa nền kinh tế của chính mình.

Đức được xem là gã khổng lồ kinh tế của châu Âu và Berlin được xem như là nguồn vốn di động khiến cho người Mỹ và người châu Á thèm muốn trong công cuộc vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, những người châu Âu và không - châu Âu cũng xem Đức như một "người khổng lồ kín đáo". Đức luôn lưỡng lự không muốn dành lấy vai trò dẫn đầu, một phần là vì những tội ác trong lịch sử cũng như những đặc điểm văn hóa chính trị .

Trong báo cáo "Tầm nhìn đến 2060" về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, OECD dự báo rằng Đức sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 1,1% trong giai đoạn 2011-2060. Điều này đặt Đức, bên cạnh Luxembourg, ở dưới cùng trong bảng khảo sát 42 quốc gia của OECD.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Đức là 1,25%. Các quốc gia như Hy Lạp, nền kinh tế đã sụt giảm thảm hại xuống tận 25% trong cuộc khủng hoảng, hoặc Italia, sẽ rất hạnh phúc nếu được trao đổi sự sụt giảm kinh tế của nước này với sự tăng trưởng khiêm tốn của Đức.

Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, giả sử có thêm 50 năm tăng trưởng kinh tế cũng sẽ không cho Đức sức mạnh và sự tự tin để dẫn dắt châu Âu tiến về phía trước.

Vấn đề ảnh hưởng trực tiếp là suy giảm dân số (theo ngôn ngữ Đức là "Schrumpfnation Deutschland" - "Nước Đức co lại"). Với hơn 81 triệu người, Đức là quốc gia lớn nhất trong 28 nước thành viên của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, theo nhà nhân khẩu học của EU, dân số của Đức sẽ giảm vào năm 2060, xuống còn khoảng 71 triệu. Anh và Pháp sẽ là nước đông dân hơn.

Nguyên nhân của sự suy giảm bao gồm tỷ lệ sinh quá thấp và lượng người nhập cư ít ỏi. Với tỷ lệ sinh 1,36 ca sinh/1 phụ nữ, Đức là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất ở châu Âu. Quan trọng hơn, trong 30 năm qua, tỷ lệ sinh đã dưới mức 2,1 đứa trẻ/1 phụ nữ - tỷ lệ cần thiết để duy trì kích thước của một dân số.

Chính phủ đang tiến hành các bước để khuyến khích cha mẹ, chẳng hạn như một định luật mới đảm bảo một vị trí tại cơ sở chăm sóc ban ngày cho mọi trẻ em trên 12 tháng tuổi. Mặc dù được nhà nước tài trợ nhưng đây là một vấn đề tế nhị trong một đất nước với những kí ức khó phai về các chương trình thúc đẩy sinh sản của Đức Quốc xã.

Về vấn đề nhập cư, các tài liệu lưu trữ của chính phủ Anh vừa được công bố tháng này hé lộ rằng trong cuộc gặp mặt năm 1982, Helmut Kohl - cựu Thủ tướng Đức - đã nói với cựu Thủ tướng Margaret Thatcher rằng ông dự định giảm một nửa con số 1,5 triệu người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ vào Đức trong vòng 4 năm vì họ đã không thể thích ứng tốt. Kế hoạch này đã không thể trở thành hiện thực, và các cuộc tranh luận chính trị, luật công dân cùng với thái độ của xã hội đều đã đi được một chặng đường dài kể từ đó đến nay.

Số người nhập cư ròng đã lên đến 369.000 người trong năm ngoái. Nhưng hệ thống nhập cư của Đức vẫn còn quá hạn chế: người dân không thuộc EU có xu hướng bị loại ra trừ khi họ là ứng viên có tay nghề cao cho các công việc được trả lương cao. Trong khi đó, các công ty Đức đối mặt với tình trạng thiếu hụt kinh niên các kỹ sư, các chuyên gia công nghệ thông tin, dược sĩ, nhân viên xã hội và các chuyên gia khác.

Áp lực dân số là vấn đề lớn đối với Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel hoặc bất cứ ai là Thủ tướng sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng tới. Mặc dù nhu cầu trong nước đã tăng lên trong những năm gần đây (chủ yếu là do tỷ lệ thất nghiệp thấp), nền kinh tế Đức vẫn đang phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa sản xuất để tạo ra tăng trưởng. Thành công xuất khẩu cần phải được bổ sung bởi các thị trường sản phẩm mở hơn và lĩnh vực dịch vụ cạnh tranh hơn, các bộ phận trong số đó - chẳng hạn như ngành công nghiệp bán lẻ - rõ ràng không hiệu quả theo tiêu chuẩn của các nền kinh tế tiên tiến.

Ba khu vực khác cần được cải tạo ngay lập tức bao gồm cơ sở hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu và phát triển. Số tiền chi cho việc nâng cấp đường giao thông, đường sắt và đường thủy của Đức thấp hơn bất kỳ quốc gia lớn nào ở EU. Cơ sở hạ tầng cũ kỹ kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống. Đức cũng được biết đến là quốc gia dành ít ngân sách cho giáo dục, nghiên cứu và phát triển hơn Áo, Bỉ, Phần Lan, Pháp và Hà Lan.

Thúc đẩy tăng trưởng là rất cần thiết bởi vì sự thành công của kinh tế Đức là đảm bảo cuối cùng để khu vực đồng euro tồn tại và phát triển. Đức là nền kinh tế mạnh nhất châu Âu nhưng không đủ mạnh.

Nguồn CafeF


Sự kiện