Nước Anh sẽ ra sao nếu Hy Lạp ra đi?
Tác động ngắn hạn đầu tiên có thể xảy ra ngay là xuất khẩu sang Hy Lạp cũng như các nước châu Âu khác chậm lại, giá tài sản giảm, đồng bảng tăng giá tác động trực tiếp lên khu vực tài chính, căng thẳng tín dụng và sụt giảm niềm tin.
Capital Economics ước tính những sự kiện này sẽ khiến sản lượng của nước Anh giảm 3,5% trong 2 năm. Tuy nhiên, theo Vicky Redwood, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, tình hình ở eurozone có thể dễ dàng chuyển sang trạng thái tồi tệ hơn dự đoán.
Trong giai đoạn khủng hoảng 2008-09, sản lượng của nước Anh đã giảm 7% không chỉ bởi vì tín dụng khan hiếm mà còn bởi chi tiêu đột ngột sụt giảm mạnh trên toàn cầu.
Ngân hàng
Mặc dù, các khoản nợ tại Hy Lạp của Anh đã nhanh chóng được cắt giảm, đồng thời các ngân hàng Anh cũng tăng dự phòng rủi ro, nhưng do các ngân hàng Anh có liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng Pháp - những tổ chức rất dễ biến động trước tình hình Hy Lạp, ngành ngân hàng Anh nhiều khả năng không tránh khỏi các tác động gián tiếp.
Các chuyên gia phân tích tại Citigroup ước tính ECB sẽ phải mất 800 tỷ euro cải thiện thanh khoản mới có thể giảm bớt tác động của việc dòng vốn tháo chạy khỏi các ngân hàng.
Hơn nữa, nếu Hy Lạp rời đi, các nước như Tây Ban Nha và Italia - nơi kết nối rộng rãi với các định chế tài chính của Anh sẽ bị biến động mạnh.
Niềm tin vào ngành sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng. Thị trường dễ dàng hoảng sợ, doanh nghiệp ồ ạt rút vốn đầu tư và vay mượn dẫn đến khan hiếm tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và việc làm trong khu vực tài chính sụt giảm.
Kinh doanh
Hy Lạp ra đi sẽ khiến nhu cầu trên thị trường eurozone, vốn chiếm một nửa xuất khẩu của Anh sụt giảm. Nếu lượng sụt giảm này tương tự năm 2008, sẽ dẫn tới những phản ứng dây chuyền như: cắt giảm giờ làm, hạn chế trả lương
Ngoài ra, nguy cơ tín dụng đóng băng sẽ ảnh hưởng đến vốn lưu động của các doanh nghiệp nhỏ. Đầu tư hiện tại đang chững lại sẽ càng giảm sâu hơn.
Tài chính cá nhân
Các quỹ hưu trí sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các nhà đầu tư tìm kiếm các nơi an toàn hơn như vàng. Nhu cầu về vàng tăng lên khiến lợi suất vốn là thước đo để các công ty bảo hiểm tính toán lương hưu giảm xuống.
Người mua nhà cũng bị ảnh hưởng sau khi Ngân hàng trung ương Anh (BOE) công bố các ngân hàng nước này chuẩn bị thông qua nâng lãi suất.
Chính trị
Khủng hoảng sâu hơn cũng sẽ tăng áp lực từ Đảng lao động buộc chính phủ Anh thực hiện kế hoạch B – hoãn giảm thâm hụt ngân sách và mở đường cho chi tiêu công.
Bất chấp các nhà lãnh đạo đối mặt với sự ra đi của Hy Lạp như thế nào, quan hệ của Anh với phần còn lại của châu Âu cũng sẽ thay đổi cơ bản. Nếu eurozone vẫn tiếp tục đẩy mạnh thống nhất tài khóa và chính trị, Anh sẽ bị cô lập; ngược lại, nếu eurozone phân hóa, liệu người Anh có còn muốn ở lại hay không?
Nguồn CafeF