Nữ tổng thống Hàn Quốc và làn sóng nữ quyền ở châu Á
Bà Park, sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc vào tháng 2 sau chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử hôm 19/12, là con gái của nhà độc tài quân sự quá cố Park Chung Hee. Dù đã có sự nghiệp chính trị độc lập kể từ khi thắng cử vào quốc hội năm 1998, bà Park, với nhiều người Hàn Quốc, vẫn được nhìn nhận qua mối quan hệ của bà với cha bà trong giai đoạn cầm quyền của ông, 1961-1979.
Điều tương tự cũng đúng với hàng loạt nữ lãnh đạo châu Á trong quá khứ và hiện tại, những người lên nắm quyền nhờ sự liên hệ với những người thân nam giới, dù nhiều người đã vượt ra khỏi cái bóng cũ và để lại những di sản chính trị đồ sộ của riêng mình.
Danh sách bao gồm biểu tượng dân chủ của Myanmar Aung San Suu Kyi, Indira Gandhi của Ấn Độ, Benazir Bhutto của Pakistan, Corazon Aquino của Philippines và thủ tướng đương nhiệm Thái Lan, Yingluck Shinawatra.
Cũng như bà Park, con đường chính trị của họ được coi là một dấu hiệu cho thấy sự vươn lên của phụ nữ trong các nền chính trị chủ yếu do nam giới chi phối tại châu Á, nhưng thực tế “phức tạp hơn nhiều”, theo cựu chủ tịch Viện châu Á Vishakha N. Desai.
“Có thể cho rằng trong nhiều xã hội châu Á với tôn ti thứ bậc rõ ràng, một mối liên hệ gia đình mạnh mẽ sẽ chiến thắng sự phân biệt về giới tính”, ông Densai viết trong một bài báo đăng trên trang web của viện.
Bà Yingluck, 45 tuổi, thắng cử năm 2011 và là nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan và là người trẻ nhất trong hơn sáu thập kỷ, bị những người chỉ trích coi là con rối trong tay người anh của bà, thủ tướng bị lật đổ và đang lưu vong Thaksin Shinawatra.
Bà Aquino, vốn tự nhận “chỉ là một bà nội trợ”, nổi lên là một gương mặt chính trị sau khi chồng bà, nghị sĩ Benigno Aquino Jr bị ám sát vào năm 1983. Bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Philippines 3 năm sau đó.
Theo lời ông Densai, trường hợp của bà Park có sự khác biệt. Sự chia rẽ trong quan điểm của người Hàn Quốc về hình ảnh ông Park Chung Hee, vừa là một nhà lãnh đạo kinh tế tài ba, vừa là một nhà độc tài không khoan nhượng, khiến mối liên hệ vừa có lợi, vừa là một gánh nặng đối với Park.
Jung Mi Ae, giáo sư tại Đại học Kookmin, bình luận thêm là sau khi ông Park Chung Hee bị ám sát năm 1979, bà Park đã phải tự xây dựng hình ảnh chính trị gia cho mình. Mẹ bà bị sát hại năm năm trước đó, bà không lấy chồng và không có con.
“Vẫn còn câu hỏi về việc bà Park sẽ là một lãnh đạo như thế nào, nhưng bà ấy không phải là một nhân vật lên nắm quyền chỉ nhờ vào cha mình”, Jung nói với AFP. Bà Park nhận được sự ủng hộ vững chắc từ những người lớn tuổi bảo thủ ở Hàn Quốc vốn rất hâm mộ cha bà, nhưng kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy bà cũng được hơn 30% cử tri ở độ tuổi 20 và 30 lựa chọn.
“Việc bà Park nhận được sự ủng hộ đáng kể từ những cử tri trẻ không có nhiều hiểu biết về quá khứ cho thấy bà đã phần nào tự xây dựng được thương hiệu chính trị cho riêng mình”, Jung nói. Việc bà Park thắng cử đánh dấu đột phá lịch sử ở một đất nước có truyền thống Nho giáo mà các lĩnh vực kinh tế và chính trị cũng như các lĩnh vực công và tư thường do nam giới chi phối.
Tại Hàn Quốc, phụ nữ chỉ chiếm 15% số ghế ở quốc hội và 12% vị trí quản lý ở 1.500 công ty lớn. Họ cũng có thu nhập ít hơn gần 40% so với nam giới, khoảng cách lớn nhất trong số các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế.
Nguồn Vietnam+