Nông dân Thái mang máy kéo, xe tải để "đòi nợ" chính phủ
Hiện tại, những người nông dân này đã tiến hành bao vây trụ sở Bộ Thương mại ở phía Bắc thủ đô, nơi trực tiếp thực hiện chương trình trợ giá gạo, để đòi lại tiền bán lúa của họ. Họ đã mang cả máy kéo, máy gặt và xe tải tới trụ sở này để "đòi nợ" chính phủ.
Phần lớn trong số này đều nói rằng họ đã mất lòng tin bởi chính phủ liên tục khất nợ nhiều lần. Chính phủ đã lừa dối họ, do vậy, họ phải về tận thủ đô để lấy lại tiền của mình.
Bà Vana Sangkiri, nông dân tỉnh Phetchaburi, cho biết: "Tôi đã đến đây được hai ngày. Chúng tôi không biểu tình chống chính phủ mà chỉ muốn đòi lại tiền bán lúa của chúng tôi. Chúng tôi cần có tiền vì bây giờ chúng tôi chẳng còn gì chi tiêu cả. Chúng tôi đã vay tiền ngân hàng để sản xuất và bây giờ không còn biết vay ở đâu ra nữa. Ngân hàng hiện đã có giấy đòi nợ chúng tôi, nếu không trả họ sẽ cắt điện, cắt nước. Chúng tôi cần đòi lại tiền của mình để trang trải và còn chuẩn bị cho mùa tới."
Chính phủ Thái Lan hiện đang nợ người nông dân khoảng 130 tỷ bạt theo chương trình trợ giá gạo. Nhưng điều khó khăn nhất là chính phủ tạm quyền không có đủ quyền lực để tự quyết các vấn đề tài chính để giải ngân.
Theo luật pháp, khi quyết các khoảng tài chính lớn, chính phủ tạm quyền đều phải xin ý kiến Ủy ban bầu cử để tránh gánh nặng nợ nần cho chính quyền mới. Hơn nữa, các ngân hàng đều đã từ chối cho vay, khiến sức ép đối với Thủ tướng Yingluck Shinawatra ngày càng lớn.
Theo báo chí Thái Lan, đằng sau việc cổ vũ cho người nông dân biểu tình ở Bộ Thương mại là một âm mưu muốn lật đổ chính phủ. Người nông dân dường như đang bị lợi dụng làm công cụ để gây sức ép đối với chính quyền. Người nông dân được giải thích rằng chính phủ hiện nay đã hết tiền chi trả cho họ nên cần phải lật đổ nó.
Hiệp hội nông dân Thái Lan còn được khuyến khích gửi đơn kiện lên văn phòng Ủy ban chống tham nhũng, nơi đang tiến hành điều tra bà Yingluck về chương trình trợ giá gạo.
Ông Seng Patprakitti-makul, nông dân tỉnh Kanchanaburi, nói: "Tôi vừa mới tới đây ngày hôm nay. Chúng tôi được biết có thể đòi lại được tiền của mình nên tới đây để lấy. Chúng tôi cần chính phủ trả tiền mua lúa gạo cho chúng tôi. Chương trình trợ giá gạo đợt này đã kéo dài gần ba tháng, số tiền của tôi bán lúa cho chính phủ phải được gần 350.000 bạt rồi. Hiện gia đình tôi chẳng còn tiền chi tiếu nữa. Chúng tôi không biết, chúng tôi cần lấy được tiền của mình. Cuộc sống của chúng tôi chỉ trông vào đồng ruộng thôi mà".
Trên thực tế, Phong trào biểu tình do ông Suthep Thaugsuban lãnh đạo không những đã phong tỏa cơ quan chính quyền mà còn ngăn cản các ngân hàng của chính phủ rải ngân cho người nông dân. Ông Suthep còn tuyên bố những người biểu tình sẽ tấn công và phá kho thóc của chính phủ để bán lấy tiền chi trả cho người nông dân.
Cho đến nay ông này đã bị cáo buộc rất nhiều tội danh như vi phạm luật tình trạng khẩn cấp, cản trở bầu cử... và ông ta nói rằng có thêm một tội danh phá kho thóc cũng chẳng là gì.
Thủ tướng Yingluck đã khẳng định chương trình trợ giá gạo là nhằm giúp cải thiện cuộc sống của người nông dân Thái Lan và giảm bất công bằng trong xã hội. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan đã khiến Quốc hội bị giải tán và chính phủ tạm quyền đang phải đối mặt với nhiều hạn chế, khiến công tác trả nợ cho người nông dân gặp khó khăn. Chính Phong trào biểu tình chống chính phủ đã ngăn cả người nông dân được nhận tiền của mình.
Mỗi người nông dân Thái Lan tham gia chương trình trợ giá gạo phải đăng ký sản xuất theo số lượng quy định. Sau đó họ sẽ đến ngân hàng để vay tiền thực hiện sản xuất và sau khi bán gạo vào kho, chính phủ sẽ thanh toán mọi khoản tiền để người nông dân ra ngân hàng trả cả gốc lẫn lãi. Hiện nay, gạo đã được chuyển vào kho, nhưng tiền thì người nông dân chưa nhận được và họ vẫn phải chịu lãi suất cho những khoản trả chậm này.
Chính phủ Thái Lan đã nâng mức thu mua theo chương trình trợ giá gạo lên 15.000 bạt/ 1 tấn để giúp người nông dân cải thiện cuộc sống của họ. Giá lúa gạo trên thị trường tự do ở Thái Lan vào khoảng từ 8.000-10.000 bạt./.
Nguồn Vietnamplus