Ảnh: Quý Hoà
Nóng cuộc chiến bản quyền vaccine
Khi guồng máy thế giới đứng lại do các lệnh phong tỏa vào tháng 4.2020, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford đã đóng gói các tế bào nuôi cấy cần để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 thử nghiệm và âm thầm chuyển chúng đến Viện Serum của Ấn Độ. Các nhà khoa học lo lắng đối tác sắp tới của Oxford là AstraZeneca sẽ muốn kiểm soát bản quyền sở hữu trí tuệ đằng sau nghiên cứu này, từ đó ngăn chặn nỗ lực của họ và khiến cho vaccine chẳng bao giờ có thể tiếp cận các quốc gia nghèo hơn mà cần đến chúng nhất, theo 3 người thân cận với vụ việc.
Trong trường hợp của AstraZeneca, nỗi lo sợ của các nhà nghiên cứu Oxford hóa ra là vô cớ. Bởi Oxford và AstraZeneca sau đó đã ký một hợp đồng cấp phép với Serum và đã sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine giá rẻ cho các quốc gia thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Sandy Douglas, một trong những nhà nghiên cứu phát triển vaccine Oxford/AstraZeneca, nhận xét AstraZeneca xứng đáng được tín nhiệm và “họ đã thực sự xúc tiến chuyển giao công nghệ cho các nước nghèo hơn”.
Nhưng nỗi quan ngại của nhóm nhà nghiên cứu Oxford không phải không có lý do. Bởi có vẻ như các hãng dược khác không có cùng ý nghĩ như AstraZeneca. Kết quả là thế giới đang rơi vào cuộc chiến giành quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ngày càng căng thẳng.
Tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ và Nam Phi đã kiến nghị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) miễn trừ tạm thời đối với việc cấp quyền sở hữu trí tuệ cho các loại dược phẩm và công nghệ liên quan đến COVID-19. Theo lập luận của Ấn Độ và Nam Phi, điều này sẽ giúp các nước nghèo hơn nhanh chóng sản xuất vaccine và các phương pháp trị liệu COVID-19 hiệu quả với chi phí rẻ hơn, một điều rất cần thiết để chấm dứt đại dịch cũng như giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine.
Ngành dược phẩm đã phản bác lại rằng cấp quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết để bảo vệ công sức và tiền bạc đã bỏ ra để đưa dược phẩm ra thị trường và việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ sẽ không thể giúp tăng được số lượng vaccine bởi nguyên vật liệu sản xuất vaccine rất khan hiếm và có thể mất nhiều năm mới có thể đạt được công suất từ con số 0. Và một trong những nỗi lo chính của họ là việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ có thể cho các đối thủ của họ một lối tắt để thâu tóm những công nghệ đắt đỏ.
Các nhà điều hành ngành dược cũng cho biết họ đang làm mọi cách để tăng tốc mở rộng quy mô sản xuất và những nhà sản xuất bên thứ 3 lại thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn cần để sản xuất các loại vaccine phức tạp nếu không có sự giúp đỡ.
Hầu hết chính phủ các nước phương Tây đều ủng hộ lập trường của các hãng dược mãi cho đến đầu tháng 5.2021, khi Mỹ bất ngờ ủng hộ miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19.
Tuy nhiên, đến nay các cuộc đàm phán WTO đối với việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ vaccine ngừa COVID-19 không có gì tiến triển. Dù Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã kêu gọi các thành viên rút ngắn thời gian “nghỉ giữa giờ” vì tính cấp bách của đại dịch nhưng các bên liên quan vẫn không có kế hoạch ngồi lại đàm phán cho đến tháng 9 này.
Giới quan sát cho biết động thái của Mỹ cho đến nay vẫn chưa giúp giải quyết những vấn đề chuyên môn cần được thông qua và cáo buộc EU, Anh và các nước thu nhập cao khác vẫn tiếp tục gây trở ngại cho nỗ lực đưa vaccine đến người dân trên toàn thế giới. Theo Asia Russell, Giám đốc Điều hành tại Health GAP, chính quyền Mỹ cho đến nay đã thất bại “ở cuộc thử thách lớn nhất về vai trò lãnh đạo trong việc trực tiếp đối mặt với các hãng dược mà đã ngăn cản thế giới tiếp cận loại vaccine cứu người”.
“Sự lẩn tránh trách nhiệm này đã dẫn đến ác mộng của chúng ta ngày nay. Chỉ 1,3% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm vaccine trong khi Nhà Trắng chưa có một chiến lược thực sự để phân phối 14 tỉ liều vaccine mà thế giới cần để chấm dứt cuộc khủng hoảng COVID-19”, Russell nói.
Các nhà sản xuất thuốc generic cho biết những trì hoãn như vậy đang khiến thế giới trả giá đắt. “Cách các doanh nghiệp này hạn chế sản xuất chỉ vì sự hoang tưởng của mình đã gây ra tình trạng thiếu hụt vaccine. Pfizer và Moderna khư khư giữ mình khi quyết định chỉ hợp tác với một số nhà sản xuất”, Kiran Mazumdar-Shaw, đứng đầu Biocon của Ấn Độ, nhận xét. Theo Kiran, Ấn Độ là một trong những nhà cung cấp vaccine lớn nhất thế giới nên không lý do gì không thể đưa Ấn Độ trở thành một phần rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các hãng dược. “Họ bị loại ra bởi vấn đề sở hữu trí tuệ và giờ thế giới đang phải gánh chịu. Đó là lối suy nghĩ thiển cận”, bà nói.
Pfizer và đối tác BioNTech lên kế hoạch sản xuất vaccine tại một trung tâm sản xuất ở Nam Phi từ năm 2022. Hai công ty này đã cam kết sản xuất 500 triệu liều cung cấp cho 100 nước thu nhập thấp nhưng hầu như các công ty khác không cam kết cung cấp đủ số liều vaccine. Các quan chức y tế hàng đầu thế giới đã không hài lòng với việc ngành dược không đủ năng lực cung cấp vaccine và từng đụng độ với các nhà điều hành dược phẩm tại cuộc họp WTO vào tháng 7.2021, theo 2 người thân cận với vụ việc.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên ngành dược và các bên liên quan đụng độ về vấn đề bản quyền. Cuộc tranh cãi về thuốc HIV vào những năm 1990 đã lên đến cao trào vào năm 2001 khi Cipla, một nhà sản xuất dược Ấn Độ, quyết định cung cấp thuốc generic với giá 350 USD/bệnh nhân mỗi năm thay vì 10.000-15.000 USD được tính bởi các tập đoàn dược lớn, dẫn đến làn sóng phản kháng trong ngành.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã khuyến cáo căn bệnh HIV, vốn gây ra cái chết cho hàng triệu người trong khoảng thời gian 10 năm để thuốc đến được với người nghèo, đã cho thế giới thấy điều gì không nên làm.
Trong khi đó, Suerie Moon, đồng Giám đốc Trung tâm Y tế Toàn cầu tại Graduate Institute (Geneva), cho rằng khung pháp lý hiện hành đối với ngành dược thế giới vẫn còn khiếm khuyết. “Nếu chúng ta không tìm ra giải pháp, không chứng minh được rằng các quy định có đủ tính linh loạt, rằng chúng có thể được áp dụng trong trường hợp khẩn cấp thì các quy định đó sẽ trở nên dễ vỡ, mất đi tính hợp pháp và ít được chấp nhận”.