Thứ Năm | 26/07/2012 16:19

Nomura: Chứng khoán toàn cầu sẽ giảm khoảng 25% trong 4 tháng tới

Nhà kinh tế tại Nomura cảnh báo chứng khoán toàn cầu sẽ giảm mạnh trong quý III dù Fed và ECB có thực hiện các biện pháp nhằm kích thích kinh tế.
Trong bối cảnh hầu hết các thị trường lớn tăng trưởng chậm lại, thị trường cổ phiếu giá xuống được dự báo sẽ khiến các cổ phiếu tổn thất nặng nề trong quý III năm nay, bất chấp khả năng các ngân hàng trung ương có thể thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường niềm tin cho các nhà đầu tư.

Lãnh đạo cấp cao chương trình nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Nomura, ông Bob Janjuah cho biết: "Trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 11 năm nay, dự kiến S&P 500 sẽ giảm từ 1.400 điểm xuống còn 1.000 đến 1.100 điểm. Nói cách khác, trong vòng 4 tháng tới, các thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ giảm từ 20% đến 25% so với hiện tại, và lượng giao dịch sẽ bằng hoặc thấp hơn năm 2011".

Ông Janjuah còn cảnh báo khoảng 10% cổ phiếu sẽ bị bán tháo trong quý II năm nay. Kết thúc 3 tháng trong quý II năm nay, hầu hết những chỉ số quan trọng của các nền kinh tế phát triển đều không giảm quá nhiều như ông đã dự đoán.

Với những dữ liệu kinh tế yếu kém từ các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, ông Janjuah tin rằng phần lớn các nhà phân tích quá lạc quan vào triển vọng tăng trưởng.

Sau các báo cáo của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), thị trường toàn cầu đang rất kỳ vọng hai tổ chức tài chính lớn này sẽ tung ra một đợt nới lỏng tiền tệ nữa. Tuy nhiên, ông Janjuah lập luận rằng những kỳ vọng đó là quá lạc quan, xét cả về khả năng ECB và Fed sẽ can thiệp vào thị trường lẫn tác động của đợt nới lỏng tiền tệ mới.

Ông Janjuah viết: "Khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 là thời điểm xuất hiện nhiều khoảng trống chính trị trên thế giới. Tại châu Âu, những bế tắc và hạn chế chính sách sẽ là vấn đề trọng tâm và đáng chú ý nhất. Trong khi đó, tại Mỹ, đây là thời điểm diễn ra vòng bầu cử tổng thống, điều đó có nghĩa Washington hay Fed sẽ không công bố bất cứ chính sách lớn nào cho đến khi tháng 11 kết thúc".

"Trong khi đó tại Trung Quốc, đây cũng là thời điểm chuyển giao vị trí lãnh đạo, do đó cũng khó có chính sách nào được đưa ra, nếu có thì cũng rất nhỏ hoặc chỉ mang tính hỗ trợ. Nhiều khả năng phải đến hết năm 2012 hoặc đến tháng 3/2013, Trung Quốc mới đưa ra các chính sách mới", ông Janjuah nói.

Hiện khủng hoảng khu vực đồng euro (eurozone) vẫn là mối quan tâm lớn của thị trường và chắc chắn sẽ chưa thể có một giải pháp trong tương lai gần, ông Janjuah nhận định.

Ông cũng cho rằng việc thành lập lập một liên minh tài chính và chính trị chặt chẽ không hẳn là một câu trả lời đáng tin cậy cho những vấn đề của eurozone, song để đạt được đều đó chắc chắn cũng phải là điều dễ dàng.

Ông Janjuah nhận định gói nới lỏng tiền tệ mới của ECB là sự kiện duy nhất gần như chắc chắn sẽ diễn ra. Tuy nhiên, nó sẽ không diễn ra chứng nào tình hình lạm phát và giảm phát của eurozone vẫn còn tồi tệ như hiện tại.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện