Nỗi sợ hãi đang trở lại với thị trường toàn cầu
Sự bình ổn của cổ phiếu toàn cầu đang nhường chỗ cho những nỗi lo âu. Ngân hàng Credit Suisse vừa đưa ra báo động đỏ cho rủi ro giảm điểm của các thị trườn,g khi một loạt trở ngại chính trị và kinh tế đang có chiều hướng gia tăng.
Chỉ báo đo lường sự sợ hãi (Fear Barometer) của Credit Suisse đã gần chạm mức cao nhất từ trước đến giờ trong tuần này. Chỉ số được tính theo chi phí mua quyền bảo đảm trước sự đi xuống của chỉ số S&P 500, ví dụ bạn mua một cổ phiếu với giá 5 USD/cổ phiếu, sau 3 tháng giá cổ phiếu này giảm xuống 2 USD, việc mua bảo đảm sẽ giúp bạn nhận lại 2 USD tiền chênh lệch. Khi chỉ số này càng cao, đồng nghĩa với việc chi phí mua quyền bảo đảm này càng đắt, theo Mandy Xu, một chiến lượng gia về phái sinh tại Credit Suisse.
Bà Xu viết trong một báo cáo ngày thứ 4 rằng: “Trong khi nhu cầu bán đã tăng mạnh trong tuần qua, yếu tố quan trong nhất lại đến từ bên mua. Số hành động mua bảo đảm tăng lên cho thấy khả năng thị trường tiếp tục đi lên đã thấp hơn, có lẽ do những bất ổn chính trị và vĩ mô”.
Chỉ số sợ hãi (màu trắng) của Credit Suisse đi lên cùng với chỉ số biến động VIX (màu xanh). Ảnh: Bloomberg |
Chỉ số sợ hãi của Credit Suisse đã tăng 46% trong tháng qua khi lên mức 45,74, cao hơn 1/3 so với mức đỉnh vào tháng 6/2016, trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Chỉ số đo lường độ biến động CBOE, được gọi là VIX, cũng tăng gần 30% trong tháng này.
Thế giới hiện có nhiều bất ổn tiềm tàng. Căng thẳng về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã leo thang trong những ngày gần đây, sau khi Mỹ không kích một căn cứ quân sự tại Syria. Cuộc bầu cử tại Pháp cũng rất khó lường, và ngày càng có thêm những nỗi nghi ngại về việc liệu kinh tế Anh có thể đương đầu với những cú sốc mà quá trình đàm phán Brexit có thể mang lại.
Các dấu hiệu khác cho thấy nhà đầu tư đang lo ngại
Đà tăng của chứng khoán toàn cầu đã chững lại trong những tuần gần đây, giữa những hoài nghi về việc ông Donald Trump có thể thực thi các cam kết về chi tiêu hạ tầng và cải cách thuế sau khi ông thất bại trong việc bãi bỏ và thay thế đạo luật Obamacare. Chỉ số S&P đã giảm 2,1% từ mức kỉ lục vào ngày 1/3, cũng như giảm xuống dưới đường trung bình di động 50 ngày lần đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
S&P 500 (màu trắng) đang trên đà giảm. Ảnh: Bloomberg |
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm bắt đầu biến động giống như trước thời điểm xảy ra trưng cầu Brexit, khi lợi suất giảm và độ biến động hợp đồng quyền chọn 1 tháng tăng lên, theo chỉ số biến động (Move Index) của Merrill Lynch.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm (màu xanh) đã giảm xuống cùng lúc với chỉ số biến động của Merrill Lynch (màu trắng) đi lên. Ảnh: Bloomberg |
Các thị trường chủ chốt khác cũng có hiện tượng tương tự. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật lại trở lại mức 0 sau đà tăng nhẹ trong quý 1 năm 2017. Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Đức và các nước trong cùng khu vực Eurozone đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Lợi suất trái phiếu Nhật (màu trắng) và chênh lệch lợi suất trái phiếu Đức - Pháp (màu xanh) đều cùng đi xuống. Ảnh: Bloomberg |
Các kênh đầu tư an toàn như vàng và yen Nhật đang trở lại là mốt. Vàng sắp tiếp cận mức 1.300USD/ounce lần đầu tiên từ khi ông Trump chiến thắng. 4 ngày tăng liên tiếp đã giúp giá vàng vượt xa mức trung bình động 200 ngày trong tuần này. Đồng yen cũng giảm xuống dưới mức 110 yen = 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 11. Đồng USD tiếp tục giảm nhẹ sau khi Trump trả lời báo chí rằng USD đã lên giá quá cao và từ bỏ việc quy kết Trung Quốc có hành vi thao túng tiền tệ.
Giá vàng (màu trắng) và giá yen Nhật (màu xanh) đang trên đà phục hồi mạnh để quay về mức trước khi Trump thắng cử. Ảnh: Bloomberg |
Bá Ước
Nguồn Bloomberg