Nỗi sợ hãi cải cách ngân hàng
Nhiều luật lệ đã được hứa hẹn nhưng rất ít trong số đó được thực thi. Hiện nay vẫn chưa có cái gọi là “Đạo luật Volcker” (về giới hạn giao dịch nội gián của các ngân hàng), các luật lệ về chứng khoán phái sinh vẫn đang trong quá trình soạn thảo, các quỹ thị trường tiền tệ vẫn chưa được cải tổ. Tồi tệ hơn, các ngân hàng lớn nhất ngày càng phình to hơn và không hề có dấu hiệu nào cho thấy các ngân hàng này đã chấm dứt cấu trúc khuyến khích các hoạt động rủi ro. Các biến tướng của hình thức “quá lớn để sụp đổ” đang dần dần hiện ra trước mắt các nền kinh tế.
Có 3 lời giải thích cho các hiện tượng này.
Một là các cải cách tài chính vốn dĩ là phức tạp. Tuy nhiên, mặc dù các chi tiết kỹ thuật vẫn cần phải được bổ sung, nhiều trong số những nhân vật thông minh xuất chúng nhất thế giới đang làm việc trong các cơ quan giám sát, điều hành có liên quan. Tất nhiên, năng lực của họ trong việc soạn thảo và áp dụng các luật lệ là có thừa.
Lý lẽ thứ 2 là việc giữa các cơ quan có sự xung đột giữa các cơ quan có quyền lực chồng chéo nhau trong phạm vi 1 quốc gia và giữa các quốc gia. Điều này đúng 1 phần. Tuy nhiên chúng ta cũng đã chứng kiến sự hợp tác và phối hợp cực lớn về nhiều vấn đề phức tạp như: các ngân hàng lớn phải có bao nhiêu vốn chủ sở hữu hoặc sự sụp đổ của 1 tổ chức (nếu có) phải xử lý như thế nào.
Cuối cùng, chúng ta chỉ có thể nghĩ rằng các cơ quan có trách nhiệm không thực sự muốn đạt được các tiến bộ nhanh chóng. Các nhà lãnh đạo Mỹ và EU đang bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi quá lớn: kinh tế nước họ sẽ quay trở lại thời kỳ suy thoái – thậm chí là tồi tệ hơn. Các ngân hàng lớn đã lợi dụng tâm lý sợ hãi này của nhà cầm quyền, lập luận rằng các cải cách tài chính sẽ khiến các ngân hàng làm ăn không có lãi và không thể cho vay, dẫn đến nhiều hậu quả tai hại nghiêm trọng khác. Các ngân hàng đã rất tích cực vận động hành lang dựa trên luận điểm này. Điều này đã dẫn đến hậu quả là các quan chức cấp cao rất chần chừ trong hành động do lo sợ sẽ tổn hại đến nền kinh tế.
Tuy nhiên việc chúng ta không hiểu các ngân hàng lớn có thể phá hoại nền kinh tế thế nào thì đó sẽ là sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Các yêu cầu cao hơn về vốn sẽ yêu cầu các ngân hàng sử dụng vốn tự có nhiều hơn là sử dụng nợ, làm cho chúng an toàn hơn vì có thể chịu đựng tốt hơn các khoản lỗ và không trở thành các ngân hàng “thây ma” (không cho vay các khoản vay khả thi).
Các ngân hàng vẫn phàn nàn rằng yêu cầu cao hơn về vốn cũng như các luật lệ khác sẽ làm tăng chi phí tín dụng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy quan điểm này là chính xác. Theo một báo cáo mới nhất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đang ở trong tình trạng làm ăn hết sức thuận lợi với lợi nhuận lành mạnh.
Tuy nhiên, điều không may là phần lớn các lợi nhuận này có từ các giao dịch chứng khoán – chính xác hơn là các hoạt động rủi ro góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các ngân hàng này sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao – với tỷ lệ vốn chủ sở hữu không qua 5% tổng tài sản (nghĩa là vay nợ hơn 95%).
Để hiểu được vấn đề, thử hình dung bạn mua nhà và chỉ trả trước có 5% giá trị căn nhà (thậm chí là ít hơn với 3%). Nếu giá nhà tăng cao thì bạn có lợi nhuận (và thậm chí là lợi nhuận cao hơn nếu bạn trả trước 20%). Tuy nhiên nếu giá nhà giảm thì vốn của bạn sẽ bị bốc hơi.
Các yêu cầu khắt khe hơn về vốn của ngân hàng đều có tác dụng tích cực hơn cho nền kinh tế. Chúng làm giảm tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng tài chính. Các ngân hàng Mỹ hiện nay có tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao hơn trước khủng hoảng tài chính và các ngân hàng này vẫn đang làm rất tốt.
Tuy nhiên chúng ta vẫn phải lo lắng và cảnh giác về khả năng các ngân hàng này sử dụng các cách thức mới hơn để trở thành các tổ chức to hơn, quan trọng hơn – càng làm cho nhu cầu ban hành và thực thi Đạo Luật Volcker, các cải cách về chứng khoán phái sinh và các luật lệ mới về quỹ thị trường tiền tệ trở nên cấp thiết hơn.
Nhìn chung, các yêu cầu khắt khe hơn về vốn đối với các tổ chức tài chính lớn và có tầm quan trọng hệ thống hiện vẫn quá thấp.
Các dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách Mỹ cuối cùng cũng bắt đầu tập trung vào luận điểm này. Tuy nhiên, rất nhiều ngân hàng trong khu vực EU có tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp hơn các đối tác tại Mỹ rất nhiều – điều này tạo ra nguồn bất ổn tiềm tàng. Nếu khu vực EU muốn có sự phục hồi toàn diện trên các lĩnh vực thì các ngân hàng trong khu vực này phải tăng vốn chủ sở hữu, từ đó tăng cường khả năng chống lại và chịu đựng các khoản lỗ tiềm tàng.
Tuy nhiên, điều không may là chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu hiểu được luận điểm này. Thay vào đó, các quan chức cấp cao của EU suy nghĩ và bàn luận giống như các nhà hoạch định chính sách của Mỹ làm cách đây 3 năm. Họ lo sợ sẽ làm chao đảo con thuyền tài chính và do đó trở nên dễ dãi hơn với các cải cách tài chính và từ chối việc yêu cầu các ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu. Đây là sai lầm mà họ - và có thể là tất cả chúng ta – sẽ phải hối tiếc trong tương lai.