Thứ Năm | 18/06/2015 16:03

Nỗi sợ hãi bí mật của châu Âu về Grexit

Nỗi sợ bí mật này là nếu ra khỏi eurozone (Grexit), Hy Lạp sẽ trở lại thời kỳ thịnh vượng và khi đó các nước khác sẽ làm theo.

Hãy xem xét biểu đồ dưới đây.

Noi so hai bi mat cua chau Au ve Grexit
 

Như ta thấy, Hy Lạp khi còn sử dụng đồng nội tệ drachma có tốc độ tăng trưởng gấp đôi so với một Hy Lạp dưới thời đồng tiền chung. Gấp đôi. Và đây không phải là trường hợp duy nhất.

Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng có cảnh ngộ tương tự. Tăng trưởng kinh tế của những nước này những năm 1980 và 1990, khi phải “vật lộn” với đồng lira, peseta, và escudo, lại đang “chế giễu” tốc độ tăng trưởng trong thời đồng tiền chung - dưới sự thống trị của người Đức.

Rõ ràng, việc được kiểm soát đồng tiền và chính sách tiền tệ riêng biệt sẽ kết hợp và hoạt động hiệu quả với chính phủ riêng và chủ quyền quốc gia.

Ai mà biết được?

Số liệu từ biểu đồ trên được lấy từ cơ sở dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chúng cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế thực của 4 quốc gia Nam Âu trong thời kỳ trước khi gia nhập và sử dụng đồng tiền chung euro từ 1980 đến 1998 và thời kỳ kể từ đồng tiền chung được đưa ra năm 1999.

Tất nhiên còn nhiều yếu tố liên quan. Đây không chỉ nói về đồng euro. Mặt khác, đồng tiền chung được bán cho người dân tại các nước này - khi họ được trao một lá phiếu - trong một dự án kỳ diệu sẽ làm thay đổi hoàn toàn sự thịnh vượng kinh tế.

Họ được khuyên từ bỏ chủ quyền quốc gia và nền độc lập đổi lại những lợi ích kinh tế khổng lồ. Thay vào đó, đồng euro “cấp vốn” cho nền kinh tế của họ, làm tràn ngập thị trường nguồn tiền giá rẻ và dễ dàng.

Người dân châu Âu được nói rằng đồng euro sẽ mang lại sự ổn định. Nhưng không phải như vậy.

Họ được tuyên truyền đồng euro mang đến sự thịnh vượng. Điều này cũng không.

Đồng euro sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này không xảy ra.

Trước khi sử dụng đồng euro, kinh tế Hy Lạp tăng trưởng 4%/năm và tỷ lệ thất nghiệp bình quân là 7,7%.

Kể từ khi chấp nhận dùng đồng tiền chung, kinh tế của Hy Lạp chỉ tăng trưởng 2%/năm và tỷ lệ thất nghiệp bình quân tăng lên 14%.

Nói cách khác, Hy Lạp dưới thời euro có tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm một nửa và tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi.

Iceland cũng trải qua khủng hoảng tài chính năm 2007-2009 như Hy Lạp hiện nay. Nhưng Iceland là một quốc gia với đồng tiền riêng. Đồng krona Iceland giảm 2 lần so với euro và đồng nội tệ rẻ đã giúp Iceland hồi phục.

Đó là điều bạn có thể làm khi có đồng tiền riêng.

Các nước gia nhập khu vực eurozone bị mất quyền tự chủ và tăng trưởng kinh tế. Tại sao Thủ tướng Hy Lạp lại phải xin phép Thủ tướng Đức trước khi thay đổi chính sách tiền lương ? Tại sao Thủ tướng Hy Lạp phải chấp nhận những lời quát tháo của các nhà tài phiệt quốc tế - những người đang nói rằng Hy Lạp có quá nhiều người tốt nghiệp đại học?

Giờ đây, Hy Lạp đang được cảnh báo về tình cảnh khổ sở, suy tàn và thảm họa nếu họ cố sống sót với đồng tiền riêng một lần nữa.

Phan Nguyễn

Nguồn M.W