Nới lỏng định lượng kiểu...Trung Quốc
Với áp lực giảm phát ngày càng tăng, ngân hàng trung ương Trung Quốc dường như có nhiều lý do để theo đuổi chính sách nới lỏng định lượng như Nhật Bản, Mỹ hay Châu Âu đã từng làm. Tuy nhiên, Thống đốc Chu Tiểu Xuyên lo ngại 2 vấn đề chính khi thực hiện QE. Đầu tiên, một số công ty có tỷ lệ nợ quốc tế cao có thể vỡ nợ do đồng Nhân dân tệ giảm giá sau QE. Thứ hai là động thái này đi ngược lại tham vọng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ.
Vì vậy, thay vì can thiệp trực tiếp vào thị trường nợ như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) hay Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), chính quyền Bắc Kinh lại nhắm trực tiếp vào thị trường chứng khoán. Mục tiêu của Trung Quốc cũng tương tự như trưng dụng nguồn vốn trên thị trường nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế và niềm tin của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi của nhà đầu tư hiện đang tràn ngập trên thị trường. Riêng trong phiên 26/7, chứng khoán Trung Quốc đã mất 8,5%. Bất chấp những lời tuyên bố hỗ trợ của chính phủ trước đó, các nhà đầu tư vẫn nghi ngờ hiệu quả của những cam kết này.
Trong khi đó, những vấn đề kinh tế cốt lõi như hoạt động không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước hay tình hình tín dụng bất ổn lại không được giải quyết triệt để. Nguyên nhân rất đơn giản, chính quyền Bắc Kinh còn đang bận giải cứu chứng khoán.
Nợ xấu của Ngân hàng Thương mại Trung Quốc (CMB), một trong 4 ngân hàng hàng đầu nước này, trong quý I đã tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu giảm đã làm tăng áp lực lên chất lượng tài sản. Những bất ổn trong chứng khoán Trung Quốc, khiến vốn hóa thị trường bay mất 4 nghìn tỷ USD, rồi sẽ lan sang 3 ngân hàng lớn còn lại là Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) , Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC).
Cũng như các quốc gia thực hiện QE khác, cuối cùng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc thoát khỏi chương trình nới lỏng này. Năm 2013, FED là một minh chứng cho tác động tiêu cực từ các ngân hàng trung ương lớn đến thị trường mới nổi khi dừng QE. Trung Quốc cuối cùng rồi sẽ phải dừng chương trình QE của mình và sẽ tạo ra một cú sốc cho các thị trường mới nổi trên thế giới. Thậm chí, nguy cơ này có thể xảy ra sớm hơn so với kế hoạch của chính quyền Bắc Kinh khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thúc giục chính phủ Trung Quốc từ bỏ can thiệp trực tiếp vào chứng khoán.
Nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc rồi sẽ mắc lại sai lầm như Nhật Bản khi tăng cường tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước cũng như nợ công tại chính quyền địa phương. Rủi ro tín dụng của nước này sẽ ngày càng gia tăng, và khi bóng bóng tại tất cả các thị trường như bất động sản, chứng khoán và tín dụng đồng loạt đổ vỡ, nhà đầu tư sẽ thấy viễn cảnh một Nhật Bản suy thoái thứ 2.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc quý II đã giảm xuống 3,69 nghìn tỷ USD, mức thấp nhất từ năm 2013 do chính phủ muốn giải cứu chứng khoán. Với xu thế này, chi phí vay nợ bằng ngoại tệ tại Trung Quốc chắc chắn sẽ gia tăng.
Trong những năm gần đây, FED đã phải rất vất vả để thúc đẩy kinh tế Mỹ sau QE và cũng vô cùng thận trọng để không làm ảnh hưởng đến tình hình ổn định của thị trường tài chính quốc tế. Giờ đây, có lẽ ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bắt đầu cảm nhận được áp lực mà FED đã trải qua.
Nguồn NDH