Nỗi lo rào cản thương mại
Những tuyên bố của ông Donald Trump về việc không ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hoặc trừng phạt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có được thực hiện hay không thì cũng phải chờ đến khi ông chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1 tới. Thế nhưng, thậm chí khi không có Trump, chủ nghĩa bảo hộ vẫn đang lên ngôi và giao thương toàn cầu đang lao dốc.
Trước những lời ta thán của các nhà sản xuất thép trong nước, Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay đã áp lệnh trừng phạt lên các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc vì cho rằng họ đã bán thép dưới giá thành. EU đã tuyên bố các mức thuế chống bán phá giá cao tới 81,1% đối với thép từ nước này. “Thương mại tự do phải công bằng và chỉ thương mại công bằng mới có thể tự do”, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen cho biết vào đầu tháng 11 vừa qua và cũng nói thêm rằng khoảng 30 triệu việc làm ở châu Âu phụ thuộc vào thương mại tự do.
Trên khắp thế giới, nhiều công ty “lỡ” lao đầu vào nguồn tín dụng giá rẻ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nay phải đối mặt với tình trạng công suất dư thừa và đang chật vật tìm kiếm người mua. Điều này càng cam go, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở Mỹ, châu Âu và Nhật đều yếu ớt, trong khi nền kinh tế Trung Quốc cũng đang tăng trưởng chậm lại.
“Miếng bánh thị trường đang tăng trưởng chậm hơn và điều đó khiến cho các nhà sản xuất trong nước càng bám lấy thị phần mà họ đang nắm giữ và sẵn sàng nghênh chiến khi cảm thấy bị đe dọa”, Tim Condon, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á tại Singapore, thuộc ING, nhận xét.
Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á tại Bloomberg Intelligence, cũng cho rằng trong 20 năm qua, người tiêu dùng và doanh nghiệp đã chi tiêu quá hào phóng vào những chiếc máy tính laptop, máy tính bảng và điện thoại thông minh, nhưng mặc cho những nỗ lực của Apple và những công ty khác trong việc đưa đồng hồ thông minh trở nên phổ biến với người dùng hơn thì vẫn không có một thiết bị nào đủ sức vực dậy giao thương toàn cầu. Mức tăng lương ì ạch ở các nước phương Tây cũng đã buộc các nhà chính trị phải cho thấy rằng họ hiểu được mối lo ngại của những người dân đi bỏ phiếu. “Áp lực gia tăng đối với chính phủ các nước trong việc xoa dịu những tiếng nói đó bằng cách cho cử tri điều mà họ muốn. Và thứ mà cử tri muốn lại là việc dựng lên rào cản thương mại (để bảo vệ việc làm trong nước)”, Tim Orlik nhận xét.
Chính quyền Obama vào tháng 6 đã nâng hàng rào thuế quan đối với thép từ Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Hàn Quốc và Đài Loan. Vào tháng 7, Trung Quốc cáo buộc Nhật, Hàn Quốc và châu Âu đã bán phá giá thép điện được sử dụng trong các máy phát điện và tuyên bố các biện pháp trừng phạt của riêng mình. Ấn Độ vào đầu tháng 11 vừa qua cũng đã áp thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các quốc gia nhỏ hơn cũng nhảy vào các cuộc chiến thương mại. Malaysia vào tháng 5 đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với thép Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Peru cũng áp thuế chống bán phá giá đối với nhiên liệu sinh học nhập khẩu từ Argentina vào tháng 10.
Tính ra, trong vòng 5 tháng đến giữa tháng 10, nhóm G20 (20 nền kinh tế lớn trên thế giới) đã triển khai trung bình 17 biện pháp hạn chế thương mại mỗi tháng, theo báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào ngày 10.11.2016. “Việc tiếp tục đưa ra các biện pháp hạn chế thương mại là một mối quan ngại thực sự và dai dẳng”, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevêdo nhận xét.
Các rào cản dựng lên trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang ì ạch. Theo báo cáo vào tháng 10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khối lượng giao thương toàn cầu đã tăng trưởng chỉ hơn 3% mỗi năm kể từ năm 2012, chưa bằng phân nửa tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 thập niên trước đó. IMF cho rằng: “Từ năm 1985-2007, tăng trưởng giao thương toàn cầu thực tế đã tăng nhanh gấp 2 lần GDP toàn cầu, trong khi trong 4 năm qua, lại gần như không bắt kịp nổi. Khối lượng giao thương tăng trưởng ì ạch kéo dài so với tăng trưởng GDP là chuyện hầu như chưa có tiền lệ trong suốt 5 thập niên qua”.
Tại Singapore, một quốc gia sống dựa vào giao thương, GDP đã tăng trưởng âm 4,1% trong quý III/2016, trong khi quý trước đó tăng nhẹ 0,3%. Đảo quốc sư tử sở hữu một trong những cảng biển lớn nhất thế giới, nhưng lượng container đã giảm 8,7% trong năm 2015 và 1,7% trong năm 2016 (tính đến cuối tháng 10 năm nay).
Sự kiện Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 đã mở ra một thời kỳ tăng mạnh trong các hoạt động đầu tư khi các công ty chuyển cơ sở sản xuất sang đại lục. Điều đó đã thúc đẩy tăng trưởng giao thương toàn cầu khi các nhà máy Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn linh kiện, phụ tùng và sau đó xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh sang thị trường Mỹ và các nước khác. Việc Trung Quốc gia nhập WTO “về cơ bản đã tái định hình chuỗi sản xuất toàn cầu”, Harrison Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Royal Bank of Scotland ở Singapore, nhận xét. Hiện tại, ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có thể tự sản xuất các linh kiện, phụ tùng thay vì nhập khẩu. Bằng chứng là linh kiện và nguyên vật liệu đã chiếm tới 52% nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2007, nhưng con số này giờ chỉ là 42%, theo Hu.
Dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực lèo lái nền kinh tế khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, chuyển sang tập trung vào sức cầu nội địa. Hướng đi này sẽ giúp Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng bền vững hơn, nhưng hiện tại nó đã và đang tạo đà phanh gấp đối với giao thương. Xuất khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2016 đã đạt 1.700 tỉ USD, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Con số này đã giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, nhập khẩu giảm 7,5%. “Trung Quốc đã có tốc độ tăng trưởng tuyệt vời nhưng thời kỳ ấy nay đã qua rồi”, Condon, thuộc ING, nhận xét. Nói cách khác, giao thương toàn cầu không còn có thể dựa vào lực đỡ từ Trung Quốc.
Mới đây, IMF khuyến cáo các xu hướng cản trở giao thương như thuế quan tăng lên có thể gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế thế giới. Một số còn lo ngại, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng vì những diễn biến này.
Nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới, từ các hãng tàu cho đến các nhà sản xuất, đều dẫn chứng giao thương chậm lại và chủ nghĩa bảo hộ tăng lên như một nguyên nhân khiến lợi nhuận của họ sa sút. Các hãng tàu lớn nhất của Nhật như Nippon Yusen, Mitsui OSK Lines và Kawasaki Kisen dự kiến báo cáo khoản lỗ hoạt động tổng cộng lên tới 85 tỉ yen (tương đương 789 triệu USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2017. Ngành này đang chứng kiến tình trạng bỏ tàu cao nhất từ trước đến nay”, Nicolás Burr, Giám đốc Tài chính của hãng tàu container Hapag-Lloyd, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hamburg vào ngày 10.11.2016.
Deere & Co. (trụ sở đặt tại Mỹ), nhà kinh doanh lớn nhất các loại máy kéo và máy gặt đập liên hợp, cũng cho biết chủ nghĩa bảo hộ và các biện pháp dựng rào cản thương mại có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty.
Trong khi đó, tại công ty quản lý đầu tư Barings, các nhà quản lý cho rằng giao thương toàn cầu chậm lại là một lý do khiến họ “né” những cổ phiếu hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình toàn cầu hóa, chuyển sang rót vốn vào những chứng khoán thu nhập cố định như trái phiếu, vốn ít chịu áp lực hơn khi các căng thẳng địa chính trị gia tăng. Các nhà đầu tư khác thì quay lưng với cổ phiếu của các tập đoàn đa quốc gia, chuyển sang ưa chuộng các ngôi sao sáng “cấp quốc gia” như các hãng hàng không Mỹ Latinh, hay các công ty internet Trung Quốc.
Tổ chức MSCI ước tính, nếu các chính sách như bảo hộ thương mại và thâm hụt chi tiêu chính phủ gia tăng đáng kể ở các nước phát triển trong 2 năm tới, cổ phiếu Mỹ sẽ mất hơn 17% giá trị trong khi các thị trường cổ phiếu châu Âu sẽ giảm xấp xỉ 20%. Trong một cuộc kiểm tra sức khỏe do MSCI thực hiện, tổ chức này đánh giá các chính sách như vậy sẽ dẫn đến tình trạng đình lạm, tức sự kết hợp giữa lạm phát cao hơn và tăng trưởng thấp hơn.
Đàm Hoa
Nguồn WSJ/Bloomberg