Đô thị hoá vẫn là ưu tiên kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024. Ảnh: SCMP.
Nỗi lo hộ khẩu của lao động nhập cư Trung Quốc
Thống kê cho thấy, số lượng lao động nhập cư từ các vùng nông thôn đến các thành phố lớn của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng. Nếu so sánh, số lượng người có thể nhiều gấp đôi dân số Nhật Bản. Đây có thể xem như là nguồn tăng trưởng mới cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đồng thời bù đắp cho sự thiếu hụt mà những biến động trên thị trường bất động sản gây ra.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc cân nhắc việc cải cách hộ khẩu. Trước đây, việc này đã được Trung Quốc thực hiện nhằm thúc đẩy năng suất công nghiệp và tăng cường doanh số nhà ở tại các thành phố lớn trong những năm 2010.
Từ nhiều thập niên trước, chính sách hộ khẩu đã góp phần nhiều vào việc kiểm soát dòng người di cư từ nông thôn đến các thành phố lớn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách của thời đại trước đã không còn phù hợp, thậm chí có thể dẫn đến tác động mất cân bằng cho nền tảng kinh tế cơ bản của Trung Quốc.
Việc cải cách hộ khẩu có thể giúp giải phóng hơn 2.000 tỉ nhân dân tệ (281,1 tỉ USD) chi tiêu tiêu dùng. Hơn nữa, chính sách này cũng giúp tăng chi tiêu của người lao động nhập cư lên 30%, nhờ vào mạng lưới an sinh xã hội được cải thiện.
“Trung Quốc chiếm 17,8% dân số toàn cầu nhưng chỉ đóng góp khoảng 12,8% lượng tiêu thụ toàn cầu. Nếu người lao động nhập cư được công nhận là công dân của các thành phố lớn, khoảng trống này sẽ được lấp đầy”, ông Cai Fang, Chuyên gia hàng đầu về kinh tế lao động tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc kiêm cố vấn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nhận định.
Ở Trung Quốc, hộ khẩu quyết định những quyền lợi và dịch vụ công mà một người được hưởng. Theo đó, những người có hộ khẩu nông thôn được hưởng ít quyền lợi hơn so với những người có hộ khẩu thành thị nếu sống ở các thành phố lớn. Ngoài ra, việc chuyển khẩu lên thành phố còn có thể được quyết định bằng việc học đại học, kết hôn với người có hộ khẩu hoặc mua nhà ở thành phố.
Ông Lou Jiwei, Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, cho biết ông ủng hộ những thay đổi với các quy định cải cách hộ khẩu. Ông cho rằng, khi người dân nông thôn có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ công ở thành phố, họ có thể mua nhà ở đó mà không đắn đo. Điều này có thể kích thích nhu cầu của người tiêu dùng lên gần 30% cũng như đẩy mạnh sự phát triển của các đô thị nhỏ.
Hơn nữa, cải cách sẽ giúp người dân mạnh dạn hơn trong việc di cư từ nông thôn lên thành phố.
Dân số Trung Quốc ở thành thị và nông thôn qua các năm. |
Năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bước ngoặt góp phần đưa quốc gia này trở thành công xưởng thế giới. Bên cạnh đó, làn sóng di cư của người dân ở các vùng nông thôn đến các thành phố lớn để làm việc cũng thúc đẩy năng suất lao động tăng nhanh. Trong khi đó, ở những năm 2010, việc thúc đẩy đô thị hoá cùng với làn sóng đổ xô mua bất động sản đã góp phần lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Vào thời điểm đó, việc sở hữu một ngôi nhà là điều kiện tiên quyết để có hộ khẩu.
Mặc dù đô thị hoá vẫn là ưu tiên kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024, nhưng có thể các nhà hoạch định đang muốn hướng trọng tâm đến sự bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ công và phát triển các đô thị nhỏ.
Trong chuyến thăm Tứ Xuyên và Trùng Khánh, hai khu vực chiếm 1/10 dân số cả nước, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh việc đô thị hoá lấy con người làm trung tâm, chú trọng vào chất lượng cuộc sống của người dân thay vì chỉ quan tâm đến các thước đo thành tích mang tính định lượng.
“Chúng ta nên ưu tiên chuyển đổi dân số từ nông thôn thành công dân thành thị, đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, song song với đó là tăng cường phát triển phối hợp giữa các thành phố lớn, vừa và nhỏ. Tiếp đến là cải thiện khả năng vận hành nền kinh tế và nhân khẩu học”, Thủ tướng nói.
Việc cải cách hộ khẩu có thể giúp Trung Quốc khai thác tốt nhất tiềm năng tiêu dùng của lao động nhập cư, qua đó đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Có thể bạn quan tâm:
Doanh nghiệp Mỹ mất quyền định giá
Nguồn SCMP