Thủ tướng Luxembourg, ông Xavier Bettel (trái) trò chuyện với Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban và Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron (phải) trước hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: Getty Images.

 
Gia Khánh Thứ Ba | 31/05/2022 21:02

Nội bộ EU lục đục về cấm vận dầu Nga

Sau hội nghị thượng đỉnh ngày 31/05 tại Bỉ, các nhà lãnh đạo EU đồng ý cấm vận một phần việc nhập khẩu dầu của Nga.

Các nhà ngoại giao cấp cao của EU đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào ngày 29/05, nhưng cuộc họp đã đi vào bế tắc vì một kế hoạch thỏa hiệp, trong đó, khối EU sẽ cấm vận các tàu chở dầu của Nga nhưng vẫn chấp nhận nhập khẩu bằng đường ống. Đề xuất này cho phép Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc tiếp tục nhận nguồn cung thông qua đường ống Druzhba, có từ thời Xô Viết, chạy qua Ukraine.

Hơn ba tuần sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đề xuất cấm nhập khẩu dầu Nga hoàn toàn vào cuối năm nay, EU lại đang trì hoãn kế hoạch này. Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, cho biết họ cần 5 năm và hàng tỉ euro để nâng cấp các nhà máy lọc dầu của mình.

Cuộc họp có nguy cơ tác động đến hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels, vào ngày 30 và 31 tháng 5, dành để thảo luận về hỗ trợ kinh tế, chính trị và nhân đạo cho Ukraine, cũng như cuộc khủng hoảng nguồn cung cấp lương thực toàn cầu.

Các đại sứ EU sẽ gặp nhau vào sáng 30/05, trong một nỗ lực thỏa hiệp đối với lệnh cấm vận dầu mỏ. Việc loại trừ các đường ống khỏi các lệnh trừng phạt của EU sẽ bảo toàn một phần ba lượng dầu của Nga đến khối này, mang lại lợi nhuận đáng kể cho Nga.

Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskiy, đã chỉ trích khối này vào tuần trước vì không đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ: “Hãy nhìn vào số tuần mà Liên minh châu Âu cần để đưa ra quyết định đồng ý về gói trừng phạt chống lại Nga”, đồng thời lưu ý rằng EU đang trả cho Nga gần 1 tỉ euro mỗi ngày cho năng lượng.

Ông Viktor Orbán cảnh báo việc ngừng cung cấp sẽ phá hủy nền kinh tế đất nước của ông. Ảnh: The Guardian.
Ông Viktor Orbán cảnh báo việc ngừng cung cấp sẽ phá hủy nền kinh tế đất nước của ông. Ảnh: The Guardian.

Khi ý tưởng loại trừ đường ống dẫn dầu được đưa ra cách đây vài tuần, một số quốc gia thành viên đã từ chối nó, với lý do nó mang lại lợi thế không công bằng cho các quốc gia có thể tiếp tục mua dầu thô giá rẻ của Nga. Các ước tính nội bộ cho thấy Hungary có thể mua dầu rẻ hơn 35% so với các nước láng giềng. Tuy nhiên, sau nhiều tuần, ngày càng nhiều quốc gia đang tìm cách phá vỡ thế bế tắc này.

Hungary đã được đề nghị trì hoãn hai năm trong việc áp dụng lệnh cấm vận dầu, để có thời gian trang bị lại các nhà máy lọc dầu và thiết lập các tuyến dầu mới từ nước láng giềng phía nam Croatia.

Sự phản đối của Hungary đồng nghĩa các biện pháp khác trong gói trừng phạt của EU sẽ không có hiệu lực, bao gồm thắt chặt các hạn chế đối với các ngân hàng Nga, áp đặt lệnh đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với hàng chục người Nga cấp cao.

Ngày 31/05, sau nhiều giờ đàm phán không đạt được thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, vào những phút cuối, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã đồng ý cấm vận một phần đối với dầu mỏ của Nga. 

Các quan chức cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ ngay lập tức tác động đến 75% lượng dầu nhập khẩu của Nga với mục đích cấm 90% lượng dầu Nga nhập khẩu vào châu Âu vào cuối năm nay. 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Charles Michel, ca ngợi thỏa thuận này là một thành tựu đáng kể, sẽ gây áp lực tối đa lên Nga trong việc chấm dứt chiến tranh. Thỏa hiệp loại trừ đường ống Druzhba khỏi lệnh cấm vận dầu mỏ và cho phép giao hàng đến châu Âu bằng đường ống, sau khi Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orbán cảnh báo việc ngừng cung cấp sẽ phá hủy nền kinh tế đất nước của ông.

Gói trừng phạt mới nhất cũng bao gồm việc loại bỏ quyền truy cập vào thanh toán Swift đối với ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank; cấm thêm ba đài truyền hình nhà nước của Nga; và các biện pháp trừng phạt khác đối với những cá nhân chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Charles Michel cũng đã giải quyết những đồn đoán về sự mất đoàn kết trong EU trong những ngày dẫn đến thỏa thuận. Ông nói với các phóng viên: “Trong những giờ gần đây và những ngày gần đây, có nhiều đồn đoán về sự thiếu thống nhất của châu Âu. Chúng tôi không đánh giá thấp tất cả những khó khăn. Chúng tôi biết rằng chúng tôi cần một vài tuần trước khi có thể đưa ra quyết định.”

Có thể bạn quan tâm:

 Rủi ro cổ phiếu sau những màn IPO rực rỡ

Nguồn The Guardian