Ngành sò điệp địa phương đã trở nên giàu có nhờ bán sang Trung Quốc nhưng giờ đây họ cảm thấy bị mắc kẹt bởi chính sách chính trị của ông Tập Cận Bình. Ảnh: Nobuo Watanabe.

 
Bảo Hân Thứ Sáu | 13/10/2023 11:06

Nỗi ám ảnh của ngư dân vùng biển Hokkaido

Hải sâm và sò điệp sản xuất tại Hokkaido là những mặt hàng quốc tế, chiếm thị phần lớn trên thị trường toàn cầu.

Đối với ngư dân trên Rishiri, một hòn đảo xa xôi ngoài khơi bờ biển phía Bắc Hokkaido của Nhật, theo dõi tin tức về Trung Quốc đã trở thành thói quen hằng ngày. Và họ đặc biệt quan tâm đến việc Trung Quốc đang làm gì.

Những ngư dân này kiếm sống nhờ hải sâm, một món ngon mặc dù có vẻ ngoài kỳ dị, mang về hơn 2.000 USD/kg nhờ nhu cầu rất lớn của người tiêu dùng Trung Quốc. Nhưng giờ đây, Bắc Kinh đã cấm các sản phẩm thủy sản của Nhật, một phản ứng đối với việc xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Các ngư dân tin chắc chắn rằng Chủ tịch Tập đứng đằng sau quyết định này và chỉ có ông mới có thể hủy bỏ nó. Do đó, quan điểm chính trị của ông là chủ đề của hầu hết các cuộc trò chuyện khi ngư dân ở các vùng của Hokkaido tụ tập lại.

Xa nhất nhưng quan tâm nhiều nhất

Hokkaido, 1 trong 4 hòn đảo chính của Nhật, thực chất là quận của Nhật cách xa miền Trung Trung Quốc nhất. Nó được bao quanh bởi 3 vùng biển - Thái Bình Dương, Biển Nhật và Biển Okhotsk. Ngoài hải sâm, khu vực phía Bắc Hokkaido còn nổi tiếng với sò điệp chất lượng, một món ăn yêu thích khác của thực khách Trung Quốc.

Không giống như nhiều sản phẩm thủy sản khác của Nhật, hải sâm và sò điệp sản xuất tại Hokkaido là những mặt hàng quốc tế, chiếm thị phần lớn trên thị trường toàn cầu. Phần lớn các mặt hàng này được xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Rất hiếm khi một mặt hàng quốc tế phụ thuộc vào số lượng thị trường xuất khẩu hạn chế như vậy, đó là lý do chính sách của ông Tập dễ dàng ảnh hưởng đến giá cả.

Được ví như kim cương đen của biển, giá thị trường của hải sâm dao động từ 300.000-350.000 yen/kg (2.000-2.350 USD) hoặc thậm chí cao hơn. Cũng vì thế, ngư dân trên đảo Rishiri và những người dân dọc theo bờ biển Okhotsk của Hokkaido luôn tự hào có thu nhập trung bình cao nhất Nhật.

Thu nhập trung bình của ngư dân ở một số địa điểm xa xôi nhất của Nhật Bản thuộc hàng cao nhất cả nước nhờ nhu cầu hải sâm khô của người Trung Quốc. Ảnh: Kyodo
Thu nhập trung bình của ngư dân ở một số địa điểm xa xôi nhất của Nhật thuộc hàng cao nhất cả nước nhờ nhu cầu hải sâm khô của người Trung Quốc. Ảnh: Kyodo.

Thu nhập khủng

Hải sâm khô, hay còn gọi là Hokkai kinko trong tiếng Nhật, lần đầu tiên được giao thương vào thế kỷ XIX tại Motodomari, cảng đầu tiên phát triển mạnh mẽ trên Đảo Rishiri, và đã trở thành một mặt hàng quốc tế quan trọng. Từ đó, chúng đến Nagasaki, phía Tây nước Nhật và được xuất khẩu dưới dạng đặc sản cùng với bào ngư khô và vây cá mập sang Trung Quốc đại lục dưới thời nhà Thanh.

Ông Satoshi Yoshida, một ngư dân 79 tuổi, là một nhân vật huyền thoại được mọi người ở Rishiri biết đến. Ông đóng vai trò quan trọng trong những năm 1980 trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp hải sâm của hòn đảo, bằng cách khôi phục quy trình làm khô hải sâm. 

“Hồi đó”, ông Yoshida nhớ lại, “thu nhập của gia đình tôi chỉ từ hải sâm khô đã là 3-4 triệu yen một mùa".

Kể từ khi ông Yoshida khôi phục hoạt động thương mại, giá hải sâm khô đã tăng hàng năm cùng với nhu cầu mạnh của Trung Quốc. Mùa xuân vừa qua, giá giao dịch hải sâm trên Rishiri đạt mức cao kỷ lục.

Đó là trước khi việc xả nước Fukushima ra Thái Bình Dương bắt đầu. Giá hải sâm khô và sống đang giảm. Sò điệp cũng có giá cao trong những năm gần đây do nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc.

Một ngư dân địa phương tại làng Sarufutsu, đặc biệt nổi tiếng với món sò điệp, cho biết ông không nuôi sò nhưng khoảng 70% doanh thu của hợp tác xã đánh cá, mà ông là thành viên, đến từ sò điệp. Ông đã đầu tư khoảng 3 triệu yen vào hợp tác xã đánh cá với tư cách cá nhân và hàng năm đều nhận được tiền lãi.

Ông cho biết số tiền lãi hàng năm gần đây nhất là khoảng 20 triệu yen, số tiền cao nhất mà ông từng nhận được.

Đây là lý do tại sao thu nhập trung bình của người dân ở các thị trấn và làng dọc theo một đoạn bờ biển cụ thể của Hokkaido nhanh chóng trở thành mức cao nhất ở Nhật.

 

Suy thoái kinh tế của Trung Quốc một phần là kết quả của các chính sách được áp dụng theo sáng kiến ​​của Chủ tịch Tập Cận Bình. Các ngư dân tin rằng mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thời gian lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm thủy sản của Nhật có hiệu lực.

Giá giao dịch sò điệp dọc bờ biển Okhotsk của Hokkaido đã tăng lên mức cao kỷ lục vào năm ngoái nhưng trong một số trường hợp, giá đã giảm khoảng 30% kể từ lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ nay, nền kinh tế phía Bắc Hokkaido có mối liên hệ chặt chẽ với chính trị Trung Quốc, nhưng nếu ngành đánh bắt cá của tỉnh này muốn phát triển theo hướng bền vững hơn thì tỉnh này sẽ phải giảm sự phụ thuộc vào người Trung Quốc giàu có, phát triển các thị trường xuất khẩu khác và tìm cách làm hài lòng những người yêu thích hải sản Nhật.

Có thể bạn quan tâm:

 Nền kinh tế toàn cầu đang rất "khập khiễng"

Nguồn Nikkei Asia