Thứ Tư | 28/05/2014 11:30

Nợ xấu của Trung Quốc năm nay sẽ cao kỷ lục

Tỷ lệ nợ xấu có thể tăng 1,5%, cao nhất từ 12/2009 nếu tăng trưởng kinh tế chậm lại hoặc giá tài sản giảm, ảnh hưởng đến lĩnh vực bất động sản.
Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc dự báo tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009 sau khi việc chậm thanh toán các khoản nợ lên mức cao nhất trong vòng 5 năm, cho thấy khách hàng vay tiền đang phải vật lộn trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Tính đến cuối năm 2013, nợ quá hạn của 10 tổ chức tín dụng lớn nhất Trung Quốc đang ở 588 tỷ nhân dân tệ (94 tỷ USD), tăng 21% so với năm trước đó, lên mức cao nhất kể từ năm 2009. Sự gia tăng các khoản chậm trả cho thấy các các khoản lỗ do nợ xấu của ngân hàng sẽ lớn hơn trong những tháng tới khi kinh tế yếu hơn khiến doanh thu của các công ty giảm, trong khi việc chính phủ mạnh tay kiềm chế các quỹ phi ngân hàng càng gây khó khăn hơn cho người đi vay trong việc tiếp cận các khoản tín dụng mới hoặc thanh toán các khoản nợ cũ.

Liao Qiang, giám đốc Standard & Poor’s trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết “Các khoản nợ quá hạn là chỉ số chính cho thấy sự sụt giảm chất lượng tài sản và những khó khăn về thanh khoản của người vay”.

Tính đến 31/12/2013, nợ quá hạn cao hơn 31% so với nợ xấu – các khoản nợ không có hy vọng thu hồi toàn bộ. Đây là khoảng cách lớn nhất trong ít nhất 5 năm qua, cho thấy các tổ chức tín dụng có thể đang cố gắng không thừa nhận tình trạng giảm giá trị nhằm né tránh việc phải trích dự phòng rủi ro.

Nợ quá hạn của ICBC cao hơn nợ xấu 40 tỷ nhân dân tệ, khoảng cách lớn nhất trong số 10 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc.
Dư nợ quá hạn của ICBC cao hơn dư nợ xấu 40 tỷ nhân dân tệ, khoảng cách lớn nhất trong số 10 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc.


Nợ xấu

Tuy các khoản nợ xấu mà các ngân hàng Trung Quốc công bố tăng trong 10 quý liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2008, song chúng chỉ chiếm 1,04% tổng dự nợ tính đến cuối tháng 3, so với 4,83% mức trung bình của thập niên trước, theo dữ liệu của Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC).

Tỷ lệ nợ xấu có thể tăng 1,5%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2009 nếu tăng trưởng kinh tế chậm lại hoặc giá tài sản giảm gây ảnh hưởng đến các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, theo dự báo của Ngân hàng Viễn thông (Bank of Communication).

Các nhà đầu tư lo ngại rằng tỷ lệ nợ xấu có thể lớn hơn số liệu do các tổ chức tín dụng công bố, gây áp lực lên cổ phiếu họ đang nắm giữ. Cổ phiếu của 16 ngân hàng Trung Quốc trung bình được định giá bằng 0,77 lần tài sản ròng trong năm nay, phản ánh tỷ lệ nợ xấu là 5,8%, theo báo cáo của Guotai Junan Securities Co.

Cổ phiếu của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, giảm 5% trong năm nay tại Hong Kong, cổ phiếu của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank), ngân hàng số 2 Trung Quốc tính theo tài sản, giảm khoảng 4%, trong khi cổ phiếu của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (Agricultural Bank of China) giảm 11%, cổ phiếu của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) tăng 1%. Đây là 4 ngân hàng chịu sự kiểm soát của nhà nước và đều có trụ sở tại Bắc Kinh.

Nợ chậm trả tăng lên

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc, được dự báo sẽ tăng trưởng 7,3% trong năm nay, tốc độ chậm nhất kể từ 1990.

Theo số liệu của CBRC, điều này sẽ làm gia tăng số nợ chậm trả tại các ngân hàng nước này, vốn đã tăng thêm 89 nghìn tỷ nhân tệ trong 5 năm qua.

Liao Qiang tại S&P’s dự đoán rằng tỷ lệ tài sản/nợ xấu sẽ tăng lên 3% vào cuối năm 2014 từ mức 2% hiện tại.

Các ngân hàng Trung Quốc đang phân loại nợ thành 5 nhóm – thông thường, lưu ý đặc biệt, không đạt chuẩn, đáng nghi ngờ và tổn thất – tùy thuộc vào số ngày quá hạn, khả năng trả nợ và tổn thất tiềm ẩn. Nợ từ nhóm 3 được coi là nợ xấu.

Thanh toán nợ quá hạn

Quy định hiện hành nêu rõ khi việc thanh toán khoản nợ bị quá hạn từ 91 đến 180 ngày và người vay không thể thanh toán đầy đủ số tiền, khoản nợ này sẽ bị xếp vào nhóm không đạt chuẩn. Các khoản nợ đáng nghi ngờ là khi việc thanh toán bị chậm 180 ngày hoặc hơn. Nhóm nợ không đòi được là khi tổ chức tín dụng xác định không thể thu lại được, thậm chí bằng các biện pháp pháp lý.

Victor Wang, nhà phân tích tại Credit Suisse Group AG trụ sở tại Hong Kong, cho biết, mặc dù việc phân loại nợ xấu là việc đánh giá chủ quan và các ngân hàng có tiêu chuẩn nội bộ khác nhau, nhưng có ít sự khác biệt trong phân loại các khoản nợ quá hạn. Một khoản thanh toán chậm có thể khiến toàn bộ bảng quyết toán bị ghi là quá hạn.

Khoảng cách lớn hơn

5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, bao gồm cả Ngân hàng Viễn thông trụ sở tại Thượng Hải và kiểm soát 43% tài sản ngân hàng của Trung Quốc, hiện nắm giữ 455 tỷ nhân dân tệ nợ quá hạn tính đến cuối năm 2013, cao hơn nợ xấu 22%. Nợ quá hạn của ICBC cao hơn nợ xấu 40 tỷ nhân dân tệ, khoảng cách lớn nhất trong số 10 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc.

Người phát ngôn tại ICBC, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Viễn thông từ chối bình luận, trong khi Ngân hàng Nông nghiệp không trả lời yêu cầu.

Khoảng cách giữa nợ xấu và nợ quá hạn của các ngân hàng nhỏ hơn tại Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn khi họ kém nghiêm khắc hơn so với các ngân hàng lớn trong việc phân loại nợ. Ngân hàng Thương mại Trung Quốc (China Merchants Bank), Ngân hàng Phát triển Thượng Hải Pudong (Shanghai Pudong Development Bank), Ngân hàng China Citic, Ngân hàng Xây dựng (Industrial Bank) và Ngân hàng Minsheng (China Minsheng Banking) hiện có tổng nợ quá hạn đạt 133 tỷ nhân dân tệ tính đến 31/12/2013, cao hơn nợ xấu 77%.

Giải cứu ngân hàng

Trung Quốc đã chi hơn 650 tỷ USD để giải cứu các ngân hàng bằng cách cắt giảm nợ xấu và bơm thêm vốn từ cuối những năm 1990, sau nhiều năm cho vay theo chỉ đạo của chính phủ gây ra mối nguy vỡ nợ. Tháng 3/2005, tỷ lệ nợ xấu/dự nợ tại các ngân hàng quốc doanh ở mức 15%.

Mặc dù nợ chậm trả không phải luôn luôn trở thành nợ xấu, nhưng chúng “rõ ràng” cho thấy mối nguy vỡ nợ đang tăng, theo E Yongjian, nhà phân tích tại Ngân hàng Viễn thông tại Thượng Hải cho biết.

Năm 2010, khi kinh tế tăng trưởng 10,4%, nhanh nhất trong vòng 3 năm, mối quan hệ giữa nợ quá hạn và nợ xấu đã đảo ngược. Khi đó, nợ xấu cao hơn nợ quá hạn 14 tỷ nhân dân tệ.

Trung Quốc đã chi hơn 650 tỷ USD để giải cứu các ngân hàng bằng cách cắt giảm nợ xấu và bơm thêm vốn từ cuối những năm 1990
Trung Quốc đã chi hơn 650 tỷ USD để giải cứu các ngân hàng bằng cách cắt giảm nợ xấu và bơm thêm vốn từ cuối những năm 1990

“Độ trễ thời gian”

Tang Yayun, nhà phân tích tại Northeast Securities Co. trụ sở tại Thượng Hải, cho biết, phòng giao dịch của các chi nhánh ngân hàng thường có “động lực” để báo cáo tỷ lệ nợ xấu thấp hơn vì hiệu quả hoạt động của họ và mức lương liên quan chặt chẽ đến thông số này. Họ có thể làm như vậy bằng cách khoanh nợ hoặc đẩy các khoản vay vào nhóm lưu ý đặc biệt.

ICBC, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Trung Quốc cho biết họ đang nỗ lực để giữ nợ xấu trong tầm kiểm soát.

Năm 2013, nhóm 10 ngân hàng lớn nhất đã xóa trên sổ sách hoặc bán đi 92 tỷ nhân dân tệ nợ xấu, cao gấp 3 lần năm 2012, hạ thấp tỷ lệ nợ xấu xuống 0,99%, nếu không có các hoạt động này, tỷ lệ nợ xấu sẽ ở mức 1,2%, theo PricewaterhouseCoopers LLP.

Bước nhảy lớn nhất

Theo số liệu của CBRC công bố ngày 15/5, nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc tăng thêm 54 tỷ nhân dân tệ trong quý I năm nay, mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ năm 2005, lên 646,1 tỷ nhân dân tệ.

Tổng lợi nhuận của các ngân hàng quý I năm nay tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái lên 427,6 tỷ nhân dân tệ, và các tổ chức tín dụng đã trích dự phòng rủi ro 1,8 nghìn tỷ nhân dân tệ, chiếm 274% tổng nợ xấu.

Nợ xấu của Trung Quốc

Các ngân hàng đang đối mặt với áp lực về chất lượng tài sản, thanh khoản và lợi nhuận từ hoạt động cho vay, chủ tịch China Huarong Asset Management Co Lai Xiaomin cho biết. China Huarong Asset Management Co hiện là công ty nhà nước quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc.

Lai Xiaomin cho biết thêm môi trường kinh doanh năm nay rất “khắc nghiệt và phức tạp”. Các công ty Trung Quốc ở mọi lĩnh vực, nhất là bất động sản, đang phải vật lộn để thanh toán các khoản vay.

Rainy Yuan, nhà phân tích tại Masterlink Securities Corp trụ sở tại Thượng Hải, cho biết “Chất lượng tài sản của các ngân hàng Trung Quốc đang giảm với tốc độ nhanh hơn dự đoán. Không nghi ngờ gì rằng sẽ có nhiều hơn các vụ vỡ nợ”.

Nguồn Theo DVO/Bloomberg


Sự kiện