Nợ xấu của châu Âu tăng cao bất chấp kinh tế phục hồi
Quỹ Justitia đã khảo sát hơn 10.000 doanh nghiệp tại 33 nước thuộc khu vực châu Âu, bao gồm cả Nga để lấy số liệu tính toán chỉ số thanh châu Âu hàng năm (European Payment Index).
Gần 3/4 số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát của Justitia cho biết, vấn đề về thanh toán nợ muộn vẫn không có tiến triển trong 3 tháng qua mặc dù hoạt động kinh tế đã phục hồi. Trong khi đó, 46% doanh nghiệp tin rằng, rủi ro thanh toán muộn và không thanh toán nợ thực tế đang ngày càng tăng cao.
Graeme Fisher, trưởng bộ phận chính sách tại Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ của Anh, cho biết, ngay cả khi khối doanh nghiệp công đẩy mạnh tốc độ trả nợ thì tiền cũng không chảy về hệ thống đúng hạn vì "văn hóa" thanh toán muộn. Đối với doanh nghiệp tư nhân thì vấn đề thanh toán nợ nghiêm trọng hơn.
40% số doanh nghiệp tham gia nghiên cứu của EPI cho biết, việc thanh toán nợ chậm sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, ngăn cản hoạt động tuyển dụng nhân viên của các doanh nghiệp. Theo Eurostat, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng euro chiếm gần 12% lực lượng lao động trong tháng 3.
Các nhà cung cấp thường không muốn công khai vấn đề thanh toán nợ chậm vì lo ngại, mối quan hệ với các khách hàng quan trọng sẽ bị đổ vỡ, ảnh hưởng đến dòng vốn chảy vào.
Năm 2011, Liên minh châu Âu (EU) thiết lập một quy định và được 27/28 nước thành viên đồng ý. Quy định này đưa ra giới hạn về khoảng thời gian trả nợ của các doanh nghiệp công và tư nhân. Trong đó, các doanh nghiệp công sẽ có 30 ngày để trả nợ và doanh nghiệp tư nhân sẽ có 60 ngày.
Tuy nhiên, ông Fisher cho biết, các doanh nghiệp đang cố tình không áp dụng quy định trên như là một phương pháp để quản lý dòng tiền. Đây là lý do tại sao nợ xấu của khu vực châu Âu cứ tiếp tục tăng lên.
Tại Anh, chính phủ đã thông qua quy định trên nhưng không có nghĩa là các công ty lớn sẽ "ngoan ngoãn" tuân theo. Ví dụ, tháng 9/2013, hãng bán lẻ Marks and Spencer của Anh đã thay đổi điều khoản của nhà cung cấp, mở rộng hạn thanh toán từ 60 ngày lên 75 ngày.
Nguồn Theo DVO/ FT