Thứ Sáu | 02/11/2012 10:05

Nợ xấu bất động sản Tây Ban Nha không có khả năng giải quyết triệt để

Mức chiết khấu trung bình 46%, thậm chí cao nhất lên tới gần 80% cũng khó thu hút nhà đầu tư vào khối nợ xấu bất động sản của Tây Ban Nha.
Hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha dù chắc chắn sẽ nhận được cứu trợ từ khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) nhưng sẽ còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là những ngân hàng có nhiều nợ liên quan tới bất động sản.

Có tới 60% đến 65% tài sản phát mại và nợ xấu chia ra cho các ngân hàng liên quan tới những mảnh đất chưa phát triển hoặc dự án chưa xây xong, theo khảo sát dự báo của Reuters đối với các chuyên gia tại Jones Lang LaSalle (JLL) và CBRE.

Cùng với Ireland, Tây Ban Nha trải qua vụ vỡ bong bóng bất động sản lớn nhất với 184 tỷ euro (238 tỷ USD) nợ xấu liên quan đến lĩnh vực này và phát triển hạ tầng.

Những đơn vị tư vấn bất động sản ước tính khoảng 2/3 số tài sản mà chính phủ dự định lấy lại từ các ngân hàng thương mại để tái cấu trúc sẽ không thu hút được các nhà đầu tư, ít nhất là trong ngắn hạn.

Tây Ban Nha được eurozone đảm bảo cho vay 100 tỷ để giải cứu hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, số nợ xấu còn lại chỉ được giải quyết nếu (1) Tây Ban Nha chấp nhận gói giải cứu toàn diện từ eurozone hoặc (2) tìm được nhà đầu tư tư nhân để mua cổ phần tại những ngân hàng yếu kém nhận lại nợ (SAREB).

Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha cho biết những khoản vay bất động sản sẽ được chiết khấu trung bình gần 46% với mục đích thu hút các nhà đầu tư. Với tài sản phát mại, mức chiết khấu cao hơn 63% còn khoản nợ thế chấp bằng đất trống sẽ có mức chiết khấu lên tới xấp xỉ 80%.

Chính quyền Tây Ban Nha hi vọng các nhà đầu tư tư nhân sẽ mua khoảng 55% số cổ phần tại SAREB. Đây là điều kiện mà eurozone yêu cầu Tây Ban Nha phải đạt được trước tháng 12/2012 để nhận được cứu trợ cho khối ngân hàng.

Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân không phải là điều dễ dàng. Nếu mua lại các dự án bất động sản chưa xây hoặc dang dở, nhà đầu tư cần thêm kinh phí để tổ chức xây dựng hoặc thậm chí dỡ bỏ dự án cũ mà lại chịu rủi ro dự án không bán được trong tương lai nền kinh tế chưa có gì sáng sủa.

Chỉ 10% trong số tổng tài sản liên quan tới bất động sản của khối nợ xấu liên quan tới bất động sản thương mại, phần còn lại là dự án nhà ở. Thế nhưng chất lượng của những dự án nhà ở này đều ở "tầm trung hoặc kém" và không nhà đầu tư nào muốn đổ tiền vào, CBRE và JLL cho biết.

Có ý kiến cho rằng 40% số nợ xấu bất động sản sẽ không bán được và người ta sẽ phải bán với giá chỉ bằng 1/10 hiện tại để làm nông trại.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện