Ferretti, nhà sản xuất siêu du thuyền của Ý hiện đang được kiểm soát bởi Tập đoàn SHIG- Weichai của Trung Quốc, đã tạm hoãn kế hoạch niêm yết tại Milan vì thị trường không thuận lợi. Ảnh: Bloomberg
Nợ ngập đầu, các công ty Trung Quốc đẩy mạnh bán tháo tài sản ở nước ngoài
Chỉ trong vài tuần, các công ty từ các nhà sản xuất du thuyền đến các cửa hàng quần áo và pizza sang trọng - được các công ty Trung Quốc mua lại trong những năm gần đây - đã đồng loạt hủy kế hoạch IPO hoặc tìm kiếm các giải pháp thay thế để giảm nợ.
Ferretti, nhà sản xuất siêu du thuyền của Ý hiện đang được kiểm soát bởi Tập đoàn SHIG - Weichai của Trung Quốc, đã tạm hoãn kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Milan vào tuần trước. Lý do được đưa ra là do diễn biến thị trường bất lợi. Shandong Ruyu, tập đoàn đã chi hơn 4 tỷ USD để thâu tóm hàng loạt tài sản, trong đó có nhà sản xuất áo choàng Aquascutum của Anh, mới đây phải tuyên bố rằng công ty này có cổ đông lớn thứ 2 là 1 doanh nghiệp nhà nước, để xoa dịu nhà đầu tư khi áp lực trả nợ ngày càng tăng.
Các công ty Trung Quốc đã bắt đầu bán tháo tài sản từ hai năm trước khi chính phủ thắt chặt các quy định về dòng vốn chảy ra nước ngoài, cũng như các thương vụ M&A tại nước ngoài. Các yếu tố địa chính trị từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đến Brexit và các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và Chile đã khiến triển vọng M&A càng trở nên mờ mịt.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, ông Mark Webster, giám đốc điều hành tại công ty tư ngân hàng đầu tư BDA Partners tại Thượng Hải, cho biết: “Một số công ty Trung Quốc, vốn đã thực hiện các thương vụ mua lại ở nước ngoài vào đầu chu kỳ, đang phải trả giá vì đã mua những tài sản không đem lại nhiều ý nghĩa chiến lược. Hiện, những công ty này đang gặp khó trong việc thanh lý các mảng kinh doanh này”.
Bên cạnh mảng kinh doanh đồ xa xỉ, các lĩnh vực nhạy cảm với chu kỳ kinh tế cũng đang bộc lộ nhiều bất ổn. Nguồn tin thân cận cho biết, PizzaExpress đã thuê một cố vấn tài chính để chuẩn bị cho cuộc đàm phán với các chủ nợ. Chuỗi nhà hàng mang tính biểu tượng của Vương quốc Anh đã gặp phải nhiều khó khăn tại thị trường nội địa, trong thời điểm công ty cũng đang mở rộng hoạt động ở Trung Quốc sau khi bị quỹ PE Hony Capital của Trung Quốc thâu tóm năm 2014.
Bloomberg cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng giá trị các thương vụ thâu tóm mà các doanh nghiệp Trung Quốc đã thực hiện ở nước ngoài chỉ đạt 59 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2016 khi chỉ riêng thương vụ tập đoàn hóa chất quốc gia Trung Quốc (CNCC) thâu tóm nhà sản xuất hóa chất Syngenta đã có giá trị 43 tỷ USD.
HNA, một trong những tập đoàn Trung Quốc đi đầu trong làn sóng mua lại tài sản ở nước ngoài, đang gặp khó trong việc bán công ty cho thuê máy bay Avolon với giá 8,5 tỷ USD.
“Những rào cản tài chính và sự bất ổn địa chính trị toàn cầu khiến cho việc thực hiện các thương vụ giao dịch sẽ còn khó hơn trong hiện tại”, ông Webster cho biết.
►Thị trường trái phiếu Trung Quốc sẽ chứng kiến làn sóng vỡ nợ kỷ lục trong năm 2019
►Thấm đòn thương chiến, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong quý III
►Hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bơm thêm 35 tỉ USD vào thị trường
Nguồn Bloomberg