Nợ nần, chính phủ Tây Ban Nha đánh thuế mặt trời
Trong vòng mười năm qua, chính phủ nước này đã có những tiến bộ đáng kể trong việc chủ trương sử dụng năng lượng mặt trời, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về dung tích năng lượng quang điện (PV).
Tuy nhiên cái gì nhiều quá cũng chưa hẳn là tốt. Hiện Tây Ban Nha đang tạo ra quá nhiều năng lượng mặt trời. Theo thông tin của chính phủ, lượng điện tạo ra vượt quá 60% so với nhu cầu, gây mất cân đối khiến chính phủ trở thành "con nợ" cho các nhà sản xuất điện lực. Khoản nợ không hề nhỏ, hiện đã tăng lên gần 26 tỉ euro (34,73 tỉ USD).
Vậy phải làm thế nào để giải quyết các khối nợ? Dĩ nhiên là đề xuất thuế và tiền phạt cắt cổ. Tây Ban Nha đang cố gắng thu hẹp quy mô sử dụng pin mặt trời - trong khi chính phủ từng khuyến khích và trợ cấp suốt thập kỷ qua - bằng cách áp thuế cho những ai sử dụng.
Nhờ các tấm pin mặt trời, người dân không chỉ tự sản xuất ra được nguồn năng lượng rẻ hơn so với việc mua từ công ty điện lực mà còn thừa mứa đến mức bán lại cho cả nhà sản xuất. Vấn đề nảy sinh từ đây, chính phủ đang cố gắng đặt dấu chấm hết cho nó: Sẽ có một lệnh cấm bán năng lượng thừa ra đời.
Nhưng chưa hết, để đánh thuế thì phải xác định ai là người sản xuất và sản xuất ở mức độ nào. Như vậy các tấm pin mặt trời phải được hòa vào mạng điện chung. Những người chịu thuế không kết nối mạng lưới sẽ phải chịu phạt 30 triệu Euro (40 triệu USD) - khoản tiền lên tới hàng triệu! Đây là một con số gây khó hiểu cho những người dân mức sống trung bình.
Rõ ràng con số trên chỉ mang ý nghĩa "hù dọa" người dân nhằm ép họ kết nối vào mạng lưới điện để... đánh thuế. Tuy nhiên khoản thuế này sẽ khiến người dân cảm thấy việc tự sản xuất điện không còn "kinh tế" như xưa và mua điện từ các nhà cung cấp hiện hành sẽ rẻ hơn nhiều.
Vấn đề tương tự đang âm ỉ tại tiểu bang Arizona, Mỹ. Các công ty điện lực nơi đây đang mong chờ pháp chế yêu cầu người dân rút tiền mua lấy cho họ lượng điện đang thừa mứa.
Dĩ nhiên dân chúng chẳng ai thích thuế nên chính quyền đã gọi nó bằng cái tên "phí tiện nghi" (convenience fee) nhưng về bản chất thì như nhau cả. Khi các cuộc tranh luận tại Arizona nóng lên, các bang khác sẽ được chứng kiến khoản tiền khổng lồ: 590 triệu USD được đầu tư cho doanh nghiệp và hộ gia đình chỉ riêng trong năm 2012.
Tương tự, những quốc gia khác như Đức, Mỹ... cũng sẽ theo dõi điều gì sắp xảy ra tại Tây Ban Nha. Biện pháp này vốn đã không được ủng hộ và nhiều người sẽ lo ngại rằng người dân Tây Ban Nha sẽ phản kháng theo quy mô lớn, đơn giản là họ sẽ không chịu chấp hành luật. Teresa Ribera, cố vấn cấp cao của Viện Phát Triển Bền Vững và Quan Hệ Quốc Tế (IDDRI) đánh giá bộ luật này "thiếu logic" khi "nhà nước đang nghiêm túc mời gọi nhân dân chống lại mình".
Nguồn CafeF