Nguồn ảnh: CNBC
Nợ nần bủa vây người dân Mỹ hậu COVID-19
Khủng hoảng nợ bị che giấu bởi các khoản vay thế chấp
Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã tạo ra những vết sẹo rất sâu trong lòng kinh tế Mỹ nhưng cũng đem đến tác động tích cực là làm giảm mạnh các khoản nợ thế chấp.
Năm 2008, nợ tiêu dùng của Mỹ tương đương 115% thu nhập sau thuế. Con số này giảm xuống còn 85% ở hiện tại. Lãi suất xuống thấp cũng giúp giảm phần lớn gánh nặng nợ nần. Hiện tại, người Mỹ chỉ chi chưa đến 10% tổng thu nhập cho việc trả nợ, tỉ lệ thấp nhất từ trước đến nay. Nhưng dù nợ nhỏ đến đâu thì vẫn là gánh nặng nếu như không có thu nhập.
Theo nhận xét của ông Michael Strain, Chuyên gia kinh tế tại Viện doanh nghiệp Mỹ, “Các hộ gia đình Mỹ bước vào cuộc khủng hoảng do COVID-19 với tình hình tài chính khỏe mạnh”. Và giờ đây rất nhiều người đang phải đối mặt với nỗi lo nợ nần lần đầu tiên trong đời.
Có ít nhất 20 triệu việc làm đột ngột biến mất gần như chỉ sau một đêm ở Mỹ. Theo báo cáo của Bộ Lao động, gần 1,5 triệu công nhân đã nộp đơn yêu cầu bảo hiểm thất nghiệp nhà nước vào tuần trước. Các nhà kinh tế dự báo tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên tới 20%, sau khi nó đạt 14,7% trong tháng 4, đây là mức cao nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu giữ số liệu thống kê chính thức sau Thế chiến thứ II.
Hơn một nửa số việc làm bị mất đi trong cuộc khủng hoảng COVID-19 là trong các ngành xây dựng, sản xuất, dịch vụ lữ hành, khách sạn - nhóm chủ yếu sử dụng lao động theo giờ, thường không có nhà ở và phụ thuộc vào thẻ tín dụng.
Sự bùng phát của đại dịch làm tê liệt nền kinh tế Mỹ và khiến hàng triệu người mất việc. Nhiều người làm việc trong các ngành dịch vụ, ít tiếp cận với trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, một chương trình khẩn cấp được liên bang tài trợ nhằm hỗ trợ cho các nhà thầu tự làm chủ và những người lao động khác, những người không đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp truyền thống. Theo đó, thêm 728.000 người nộp đơn xin trợ cấp từ Hỗ trợ Thất nghiệp Đại dịch.
Theo số liệu của Cục Dữ trữ Liên bang (FED), nợ thế chấp nhà ở hiện ở mức 9.700 tỉ USD, cao hơn một chút so với 10 năm trước. Cùng kỳ, các khoản nợ không liên quan đến nhà ở đã tăng hơn 30%, trong khi tỉ lệ tiết kiệm liên tục giảm. Ngoại trừ các khoản vay thế chấp thì chi phí đi vay vẫn tăng. Lãi thẻ tín dụng đang ở mức cao nhất trong vòng 20 năm.
Lần đầu tiên trong đời rất nhiều người Mỹ phải đối mặt với nỗi lo nợ nần. Nguồn ảnh: Bloomberg. |
Đại dịch càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Virus Corona đã khiến người Mỹ phải thận trọng hơn. Tính đến tuần đầu tháng 6, nợ thẻ tín dụng ở Mỹ giảm 11% so với thời điểm tháng 3. Người tiêu dùng không dám vay thêm những khoản vay mới. Sự thận trọng này tốt cho các ngân hàng, nhưng điều đó cho thấy cú sốc kinh tế thứ 2 của thiên niên kỷ có thể gây ra những hệ lụy sâu sắc hơn về phía lực cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán suy thoái toàn cầu sẽ càng sâu hơn ngay cả khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Nền kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp 8% trong năm nay trước khi mở rộng 4,5% vào năm tới.
Theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), đại dịch sẽ làm giảm sản lượng kinh tế tích lũy trong 10 năm tới, tương đương 3% GDP trong thập kỷ này. Không tính đến lạm phát, thiệt hại tổng cộng là 15.700 tỉ USD, tương đương 5,3% GDP.
Sống nhờ trợ cấp
COVID-19 có dẫn đến làn sóng vỡ nợ và phá sản hay không sẽ phụ thuộc vào việc liệu các biện pháp hỗ trợ của chính phủ có thể kéo dài đủ lâu để các hộ gia đình có thể phục hồi hay không.
Trước khi dịch COVID-19 ập đến, tổng nợ của các hộ gia đình Mỹ đã chạm mốc 14.300 tỉ USD.
Những biện pháp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ của chính phủ và chính sách giãn nợ của các ngân hàng đã giúp ngăn tỉ lệ vỡ nợ tăng vọt. Liệu chính sách giãn nợ cùng với số tiền mặt mà chính phủ đang bơm vào nền kinh tế có thể giúp người Mỹ sống sót cho đến khi kinh tế phục hồi hay không?
Tổng nợ của các hộ gia đình Mỹ đã chạm mốc 14.300 tỉ USD. Nguồn ảnh: NYFCCB. |
Các giải pháp gần đây, trong đó có gói kích thích kinh tế trị giá hơn 2.000 tỉ USD sẽ chỉ phần nào xoa dịu tình hình suy thoái bởi đại dịch trong điều kiện kinh tế hiện nay.
Bà Claudia Sahm, chuyên gia kinh tế tại Washington Center có cái nhìn bi quan, rủi ro lớn nhất là các biện pháp hỗ trợ của chính phủ kết thúc quá sớm. “Suốt kể từ Đại suy thoái, chúng ta chưa từng trải qua thời kỳ tỉ lệ thất nghiệp trên 10% kéo dài như vậy, do đó hậu quả là rất lớn”.
Điều gì sẽ xảy ra khi trợ cấp hết hạn và việc thỏa thuận giãn nợ với ngân hàng biến mất. Riêng đối với thẻ tín dụng, quy tắc từ trước đến nay vẫn là tỉ lệ nợ xấu sẽ tỉ lệ thuận với tỉ lệ thất nghiệp. Và sau thời kỳ suy thoái sâu, nhiều lao động sẽ bị loại khỏi thị trường lao động trong một thời gian dài vì nhiều doanh nghiệp phá sản.
Bức tranh u ám
Theo kinh nghiệm đã trải qua trong lịch sử Mỹ, có thể dự đoán rằng thị trường lao động và kinh tế hộ gia đình Mỹ sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa để phục hồi trở lại.
Ông Neil Shearing, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Capital Economics dự đoán: “Sự sụt giảm sản lượng do đại dịch gây ra dường như sẽ đến mức chạm đáy. Sau đó, sự phục hồi sẽ diễn ra chậm và không đồng đều. Hầu hết các nền kinh tế vẫn có khả năng vươn đến GDP dưới mức trước đại dịch theo như lần cuối dự báo trung tâm của chúng tôi về năm 2022”. Ông Neil Shearing đưa ra 3 lý do lớn lý giải sự phục hồi hiện nay chưa thể hiện rõ được toàn bộ bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế Mỹ như sau:
Thứ nhất, nền kinh tế phải vực dậy từ một cuộc khủng hoảng vô cùng nghiêm trọng. Thực tế là hoạt động phục hồi nền kinh tế cần phải được xem xét trong bối cảnh tổn thất sản lượng lớn trong quá trình thực hiện phong tỏa kéo dài. Sản lượng ở hầu hết các nền kinh tế lớn vẫn đang hoạt động giữa 15% và 25% so với mức trước đại dịch.
Thứ 2, dữ liệu hiện tại không cho chúng ta biết đầy đủ về những gì đang xảy ra với nhu cầu người tiêu dùng - một trong những yếu tố quan trọng nhất trong bất kỳ sự phục hồi nào. Thực tế, nhiều hoạt động đang diễn ra rất đáng khích lệ, nhưng mức độ cải thiện mà các hoạt động đó đem lại cho việc phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng là không rõ ràng.
Thứ 3, chính phủ và các ngân hàng trung ương cần tìm ra cách chuyển từ giai đoạn khủng hoảng sang giai đoạn phục hồi và mở cửa lại nền kinh tế theo cách hiệu quả nhất, hạn chế thiệt hại nhất. Do vậy, các chính sách cần phải chuyển từ chống khủng hoảng sang hỗ trợ phục hồi kinh tế. Sẽ không dễ dàng để thực hiện quá trình chuyển đổi này.
Có thể bạn quan tâm:
► Tổng thống Trump muốn doanh nghiệp Mỹ “hồi hương” nhưng nào có dễ dàng
► Châu Âu trở thành chiến trường mới trong thương chiến của chính quyền Trump
Nguồn Financial Times