Xe bồn chở xăng đỗ tại một trạm xăng Eneos ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 19/11/2021. Ảnh: CFP.

 
Mai Nam Thứ Năm | 25/11/2021 16:34

Nỗ lực hạ nhiệt giá nhiên liệu, Nhật mở kho dự trữ dầu

Thủ tướng Nhật Kishida Fumio cho biết chính phủ nước này sẽ mở một phần kho dự trữ dầu, theo đề xuất của Mỹ, mà không vi phạm các điều luật.

Theo CNN, một số quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng nhất thế giới đang tham gia nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm mở kho dầu dự trữ chiến lược để cố gắng hạ nhiệt giá cao và kiềm chế lạm phát.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida hôm 24/11 cho biết chính phủ nước này sẽ mở kho dự trữ dầu theo yêu cầu của Mỹ mà không vi phạm luật của Nhật về việc chỉ cho phép mở kho nếu có nguy cơ gián đoạn nguồn cung.

 

Thủ tướng Kishida cũng tiết lộ Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda sẽ thông báo khối lượng dầu cụ thể được xuất kho, đồng thời khẳng định Nhật sẽ tiếp tục vận động các nước sản xuất dầu đối phó với tình trạng biến động giá nghiêm trọng hiện nay. 

Nhật phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước sản xuất dầu ở Trung Đông, với việc nhập khẩu 90% nhu cầu trong nước, do đó nước này bắt đầu duy trì việc dự trữ dầu thô từ những năm 1970. Nhật Bản chưa từng xuất kho dầu dự trữ vì lý do giá dầu tăng.

Các bồn chứa dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tại Nhà máy lọc dầu Chiba của Công ty Idemitsu Kosan ở Ichihara, tỉnh Chiba. Ảnh: Kyodo.
Các bồn chứa dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tại Nhà máy lọc dầu Chiba của Công ty Idemitsu Kosan ở Ichihara, tỉnh Chiba. Ảnh: Kyodo.

Các quyết định sử dụng dầu dự trữ trước đây được đưa ra đều nhằm giải quyết những lo ngại về nguồn cung sau các thảm họa thiên nhiên và biến động chính trị ở bên ngoài. Tính đến cuối tháng 9/2021, Nhật có lượng dầu dự trữ đủ cho 145 ngày sử dụng. 

Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno hôm 18/11 cho biết Tokyo đang theo dõi chặt chẽ tác động của giá dầu tăng đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Ông Matsuno cho biết: “Trong khi thúc giục các quốc gia sản xuất dầu tăng sản lượng dầu, chúng tôi sẽ cố gắng ổn định thị trường năng lượng bằng cách phối hợp với các quốc gia tiêu thụ lớn và các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)”.

Vốn là nước nghèo tài nguyên, việc giá dầu tăng gần đây và đồng yen suy yếu đang làm tăng chi phí nhập khẩu, giáng một đòn kép vào kinh tế Nhật.

Một chi nhánh của trạm dịch vụ Cosmo Oil của Cosmo Energy Holdings ở Tokyo, Nhật ngày 17/12/2015. Ảnh: Reuters.
Một chi nhánh của trạm dịch vụ Cosmo Oil của Cosmo Energy Holdings ở Tokyo, Nhật ngày 17/12/2015. Ảnh: Reuters.

Chính quyền Kishida hôm 19/11 đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế kỷ lục trị giá 490 tỉ USD bao gồm các biện pháp nhằm chống lại giá dầu cao hơn. Theo đó, chính phủ sẽ trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu với hy vọng kìm hãm giá xăng và nhiên liệu bán buôn để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình và các công ty do chi phí dầu tăng.

Hôm 23/11, Mỹ và Ấn Độ cũng đã thông báo mở kho dầu dự trữ chiến lược. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã ra lệnh xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược. Dự kiến, việc xuất kho dầu sẽ được thực hiện từ giữa hoặc cuối tháng 12 tới. Đây là lần đầu tiên, Mỹ phối hợp mở kho dầu dự trữ với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Tương tự, chính phủ Ấn Độ cùng ngày thông báo sẽ xuất khoảng 5 triệu thùng dầu thô từ kho của mình. Ấn Độ vốn là nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới. 

Tổng thống Biden trước đó đã đề nghị Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật mở kho dự trữ dầu sau khi Chính phủ Mỹ không thể thuyết phục Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) tăng sản lượng khai thác để "hạ nhiệt" giá năng lượng. OPEC+ cho rằng thế giới không thiếu dầu thô và tổ chức này vẫn giữ nguyên chủ trương mỗi tháng tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày, để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung vào năm 2022.

Có thể bạn quan tâm:

Kinh tế Thái Lan dự kiến tăng 1,2% nhờ mở cửa lại du lịch