Reuters
Nỗ lực đàm phán TPP không có Mỹ trước APEC
11 quốc gia còn lại trong Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Hoa Kỳ sắp đi đến ký kết một hiệp định thương mại tự do toàn diện sau khi New Zealand đồng ý sửa các luật không chịu ảnh hưởng của TPP, cho phép nước này cấm người nước ngoài mua nhà.
Hiệp định nhằm mục tiêu loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp trong khối gồm 11 quốc gia mà tổng kim ngạch thương mại đạt 356,3 tỷ đôla năm ngoái.
Sự thỏa hiệp trong tuần này giúp các quốc gia thành viên khỏi phải đàm phán lại hiệp định thương mại đầy tham vọng để đáp ứng việc chính phủ New Zealand yêu cầu phải có biện pháp vững chắc nhằm kiềm chế giá nhà đất.
Điều đó cũng giúp các nước thành viên tiến gần hơn tới thắng lợi quan trọng về ủng hộ tự do thương mại, dự kiến hiệp định sẽ chốt lại chung cuộc tại hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tuần tới tại thành phố miền trung Đà Nẵng.
"Đà tiến tới một hiệp định tại hội nghị ở Đà Nẵng đã tăng lên đáng kể", ông Kazuyoshi Umemoto, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật cho biết.
"Tác động kinh tế chắc chắn không nhỏ, nhưng thông điệp thậm chí còn lớn hơn là hiệp định này có thể ảnh hưởng đến hệ thống kinh tế toàn cầu và mang lại hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương", ông nói.
Các nhà đàm phán đã tập trung trong ba ngày ở Urayasu, phía đông thủ đô của Nhật Bản, để giới hạn các điều khoản trong hiệp định gồm 12 nước ban đầu sẽ phải đình chỉ, nhằm cứu vãn hiệp định này tại hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam.
Nhật hy vọng hiệp định mới, liên kết 11 quốc gia với tổng GDP là 12,4 nghìn tỷ đôla, có thể cho các quốc gia khác thấy Nhật có khả năng vận động cho tự do thương mại dù không có sự ảnh hưởng của Washington.
Điều đó cũng có thể giúp Nhật chống lại áp lực của Hoa Kỳ về một hiệp định thương mại song phương, một vấn đề có thể được nêu ra khi Tổng thống Donald Trump thăm Nhật từ ngày 5 đến 7/11 để hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe.
Tokyo kỳ vọng sẽ đạt được kết quả để chứng tỏ với các nước khác trong vùng Thái Bình Dương là nước Nhật có thể hành động một cách hiệu quả với tư cách là một quốc gia đứng đầu về tự do mậu dịch. Đến nay, Chính phủ Nhật vẫn giữ vai trò điều phối các cuộc đàm phán TPP 11. Tokyo dự định sẽ tiếp tục nắm vai trò này trong cuộc đàm phán cấp bộ trưởng ở Việt Nam. Nhật sẽ sắp xếp các cuộc thảo luận song phương giữa các nước thành viên nhằm giải quyết bất đồng và bảo vệ các tiêu chuẩn cao của TPP.
Việt Nam hưởng lợi gì từ TPP-11?
Nhóm "TPP 11" sẵn sàng chào đón Mỹ trở lại
Trước đó, theo tờ Nikkei, 11 nền kinh tế còn lại trong TPP đã quyết định dừng một số điều khoản thỏa thuận mà Mỹ theo đuổi trước kia, dựa trên đánh giá cho rằng Washington sẽ quay trở lại trong tương lai.
“Chúng tôi hy vọng cuộc họp lần này sẽ là một bước đi lớn tiến tới đạt kết quả tốt tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11”, Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế của Nhật Bản, ông Toshimitsu Motegi, phát biểu.
Trong cuộc thảo luận “TPP 11” ở Úc vào cuối tháng 8, các nước thành viên đã đề xuất 50 điều khoản mà họ cho là cần được tạm gác. Mặc dù vậy, các nước chỉ đạt được sự đồng thuận về 2 điều khoản, gồm kéo dài thời gian bảo hộ dữ liệu thuốc sinh phẩm, và kéo dài thời gian bảo hộ bằng sáng chế.
Những đề xuất khác đòi hỏi phải có sự bàn bạc kỹ lưỡng hơn, bao gồm các điều khoản về doanh nghiệp quốc doanh và đàm phán định kỳ về TPP. Ngoài ra, có thể có thêm nhiều điều khoản được đề xuất tạm gác.
Cuộc họp ở Tokyo sẽ được coi là thành công nếu tất cả 11 nước thành viên đưa ra đề xuất của mình và nhất trí về các điều khoản cần “đóng băng”. Vượt qua được trở ngại này sẽ mở đường cho các nhà đàm phán quay trở lại với những vấn đề khó hơn trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 10, chẳng hạn rà soát quy định về loại bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng dệt may.
Tuy nhiên, Việt Nam - thành viên giữ lập trường đàm phán lại nội dung thỏa thuận TPP với sự tham gia của 11 nước thay vì 12 nước như ban đầu - vẫn chưa hoàn tất thủ tục cần thiết để trao quyền đàm phán cho Chính phủ.
Vì lý do này, Nhật muốn cuộc họp lần này ít nhất sẽ đưa ra được một bức tranh tổng thể về những điều khoản bị gác lại. Tokyo hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận rộng hơn vào tháng 11.