Nợ doanh nghiệp tăng mạnh đe dọa kinh tế Trung Quốc
Các đợt phát hành mới trái phiếu doanh nghiệp đang khiến giới đầu tư và nhà phân tích lo ngại hơn rằng nợ của Trung Quốc - vốn tăng nhanh gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP - đang "nuôi dưỡng" cuộc khủng hoảng tín dụng mới, gây trở ngại cho các nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình phụ thuộc vào tiêu dùng.
Nợ doanh nghiệp của Trung Quốc, kể cả trái phiếu và các khoản vay khác, hiện lên mức 160% GDP so với 98% trong năm 2008, theo số liệu của Standard & Poor's. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Mỹ chỉ là 70%.
Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chưa thanh toán (outstanding corporate bond) tại Trung Quốc năm 2015 tăng 25% lên 14,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,2 nghìn tỷ USD), theo số liệu của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC).
Chính sách của nhà nước Trung Quốc đang dẫn đến sự bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp - huy động qua kênh này rẻ hơn 15% so với vay nợ ngân hàng, đồng nghĩa rằng doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể sử dụng số tiền huy động được để tái cơ cấu các khoản nợ vay.
Chính phủ cho rằng việc thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu là một phần trong kế hoạch buộc doanh nghiệp phải gánh vác thêm rủi ro trực tiếp khi các ngân hàng đang vật lộn với nợ xấu ngày một tăng.
“Điều này phù hợp với chỉ đạo cải cách của Trung Quốc. Trước kia, chúng tôi chủ yếu dựa vào các khoản vay ngân hàng, còn bây giờ chúng tôi muốn từng bước tăng vay nợ trực tiếp từ thị trường (direct financing)", Wang Yiming, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện, cho biết.
Từ lâu, Trung Quốc đã tìm cách đa dạng hóa thị trường vốn bằng cách phát triển kênh huy động vốn bằng phát hành trái phiếu, cổ phiếu. Thông thường, các ngân hàng thường cung cấp khoảng 70% các khoản cho vay tại Trung Quốc. Hai năm trước, khi nợ xấu bắt đầu tăng, giới chức Trung Quốc phải cậy nhờ vào thị trường chứng khoán và trái phiếu để phân tán rủi ro trong hệ thống, hạ thấp chi phí huy động vốn và mở rộng kênh huy động tài chính cho các công ty.
Hy vọng sử dụng thị trường chứng khoán như một công cụ huy động vốn chủ lực đã thất bại khi giá cổ phiếu lao dốc vào mùa hè năm ngoái, nhưng giới chức vẫn xem thị trường trái phiếu là kênh khả thi để tái cơ cấu rủi ro.
“Năm 2016, chúng tôi muốn thực hiện đầy đủ chức năng huy động vốn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hơn nữa cải cách, tăng trưởng ổn định và vai trò quản lý rủi ro”, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết trong trong tuyên bố ra ngày 24/2.
Việc khuyến khích phát hành trái phiếu gây ra xung đột giữa quyết tâm duy trì tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh và nỗ lực cắt giảm nợ trong nền kinh tế.
Fang Xinghai, cố vấn kinh tế cao cấp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ không cho phép nền kinh tế giảm tốc quá nhanh, nhưng cũng không có đủ lực để mở rộng hơn nữa rủi ro tài chính.
Theo ông Fang, chính phủ Trung Quốc hiện không quá lo lắng về tốc độ gia tăng nhanh chóng nợ doanh nghiệp vì tin rằng doanh nghiệp phát hành có các chỉ số tài chính mạnh mẽ. Việc giảm đòn bẩy sẽ được thực hiện từ từ và cân bằng với tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, các quan chức PBOC cho rằng mô hình tăng trưởng cũ - sử dụng tín dụng giá rẻ để thúc đẩy tăng trưởng - đã đạt đến giới hạn của nó.
Giới phân tích lo ngại rằng đẩy mạnh phát hành trái phiếu sẽ giúp duy trì tình trạng lay lắt một số ngành công nghiệp đang què quặt vì dư thừa công suất và gây rủi ro vỡ nợ trên diện rộng.
“Chính phủ Trung Quốc đang đứng giữa ngã ba đường về chính sách: muốn tăng trưởng ít nhất 6,5%, cải cách để tái cân bằng nền kinh tế và muốn giảm đòn bẩy. Bạn không thể cùng lúc thực hiện 3 mục tiêu này", Ivan Chung, nhà phân tích tại Moody's Investors Service, cho biết.
Khoảng 70% lượng trái phiếu tại Trung Quốc phát hành năm 2015 được đổ vào lĩnh vực bất động sản và ngành liên quan đến xây dựng - đang ngập trong nợ nần và khoảng 10% đổ vào ngành công nghiệp nặng và cơ sở hạ tầng như nhà máy thép, xi-măng và cung cấp điện.
Các công ty này đang ngập trong nợ nần khi giá nhà tại các thành phố nhỏ của Trung Quốc giảm giảm trong khi ngành công nghiệp nặng đang vật lộn với tình trạng dư thừa công suất.
Khi chi phí nợ gia tăng, các công ty buộc phải sử dụng nguồn vốn để trả lãi thay vì để đầu tư. Hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics trụ sở tại Bắc Kinh ước tính, Trung Quốc hiện chi khoảng 20% GDP để thanh toán nợ doanh nghiệp và nợ hộ gia đình.
Nhật Trường
Nguồn WSJ