Nợ công nhiều nữa cũng không đáng ngại
Nhưng nhiều người vẫn lo ngại khi nói tới chuyện nợ công trên GDP ở nhiều nước nay còn lớn hơn thời Thế chiến II. Hơn nữa, tỷ lệ này được dự báo sẽ còn tăng tiếp trong mấy năm tới.
Đó là lý do vì sao các nhà hoạch định chính sách ở các nước giàu đang cố hạn chế chi tiêu và tăng đánh thuế. Liệu bước đi này có hợp lý? Thị trường trái phiếu chính phủ ở Mỹ, Nhật, Anh và các nước chủ chốt của eurozone dường như không nghĩ vậy. Chính phủ các nước này có thể vay tiền với lãi suất thấp trong vài thập kỷ nữa.
Dù thị trường hoàn toàn có thể sai, nhưng chính giới cũng nên chú ý nhiều hơn tới thị trường thay vì những người thích “kể chuyện cảnh giác”, đặc biệt là giới kinh tế vốn chẳng biết nợ công thế nào là nhiều.
Thực tế, có lý do để cho rằng các nước có đồng tiền riêng có thể nợ nhiều nữa mà chẳng làm sao. Lý do là nhiều nhà đầu tư tư nhân vẫn chưa mua đủ trái phiếu chính phủ.
Chưa hẳn đã là nhiều
Cũng nên nhớ rằng vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh các nước có đồng tiền riêng đang nợ quá nhiều.
Người ta vẫn hay dẫn ra cuốn “Lần này sẽ khác” của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff. Bài báo “Tăng trưởng thời nợ nần” của họ cho thấy nợ công tạo ra gánh nặng cho phần còn lại của nền kinh tế.
Nhưng theo Robert Shiller và Paul Krugman, hai tác giả trên lại không giải thích nợ công hạn chế tăng trưởng thế nào. Có thể còn nhiều nguyên nhân nữa, đặc biệt là khi tỷ lệ nợ công vẫn thường đạt đỉnh sau chiến tranh và khủng hoảng tài chính.
Ở các nước có đồng tiền riêng, lãi suất đối với khu vực tư nhân nay thấp đến nỗi giới đầu tư đổ xô đi tìm lợi suất ở bất kỳ đâu. Đúng, nợ là vấn đề, nhưng tác động của nó thế nào thì không đơn giản như Reinhart và Rogoff nói.
Nhiều cũng chẳng thiếu người mua
Vì sao nhà đầu tư tư nhân muốn mua thêm trái phiếu chính phủ? Đầu tiên là do thiếu tài sản tài chính an toàn nên các quỹ lương hưu phải mua trái phiếu chính phủ để tránh tài sản và công nợ của họ “lệch pha”.
Khi mua trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ, công nợ của các quỹ lương hưu đã được tự bảo hiểm hoàn toàn. Trên lý thuyết, nhờ thế mà quản lý các quỹ này rất dễ. Tất cả những gì cần làm là xác định quy mô và thời hạn các nghĩ vụ nợ rồi mua một lượng trái phiếu chính phủ thích hợp là xong.
Nhưng quỹ lương hưu không bao giờ làm vậy. Thay vào đó, dòng tiền vào của họ luôn thiếu nên để bù đắp, họ phải mua các tài sản rủi ro như cổ phiếu. Sau khủng hoảng, cách làm này phải thay đổi nhưng các quỹ lương hưu trên toàn cầu vẫn để quá ít tiền ở trái phiếu chính phủ.
Theo công ty tư vấn Towers Watson, tổng tài sản các quỹ lương hưu hiện khoảng 27 nghìn tỷ USD. Số tiền này rất lớn nhưng chưa đủ lớn để bù đắp các nghĩa vụ nợ trong tương lai.
Ngay trước khủng hoảng, nhiều quỹ đã thiếu tiền, đến sau năm 2008, tình hình còn tồi tệ hơn. Muốn bù đắp thiếu hụt mà không phải chịu rủi ro quá đáng, người lao động sẽ phải đóng góp thêm rất nhiều tiền.
Hơn nữa, phần lớn các quỹ lương hưu khi phân bổ tài sản đều chấp nhận quá nhiều rủi ro. Như nói ở trên, cách quản lý quỹ lương hưu an toàn nhất là đầu tư 100% tài sản vào trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ.
Ngân hàng trung ương Anh điều hành quỹ lương hưu theo hướng bảo thủ nhất thế giới, họ dành hơn một nửa danh mục đầu tư vào trái phiếu bảo đảm lạm phát. Trừ các quỹ lương hưu ở Nhật Bản và Hà Lan, chưa đến 40% tài sản các quỹ lương hưu là trái phiếu.
Ví dụ như quỹ lương hưu ở Mỹ có tài sản trị giá 107% GDP nước này, nhưng chỉ phân bổ có 31% vào các sản phẩm có thu nhập cố định, trong đó có cả trái phiếu doanh nghiệp và các tài sản tương đối rủi ro vốn không phải tối ưu cho dạng quỹ này.
Tất cả những thực tế trên cho thấy nhiều nước có thể tăng tỷ lệ nợ công trên GDP lên cao nữa.
Nhà đầu tư cá nhân cũng muốn mua thêm
Ngay cả cá nhân cũng đang đầu tư quá ít vào trái phiếu chính phủ. Phần lớn mọi người đầu tư khoảng 60% tiền tiết kiệm để nghỉ hưu vào cổ phiếu, phần còn lại vào trái phiếu.
Nhưng cổ phiếu lại biến động nhiều gấp ba lần trái phiếu chính phủ, vì thế danh mục của họ thắng thua thế nào đều phụ thuộc cả vào thị trường cổ phiếu.
Thiếu đa dạng hóa danh mục như thế chỉ có lợi nếu cổ phiếu có tỷ lệ rủi ro trên lợi tức lớn hơn trái phiếu. Tuy vậy, tỷ số Sharpe của trái phiếu và cổ phiếu lại gần tương tự nhau trong dài hạn, tức đa phần mọi người đang ưu tiên cho cổ phiếu một cách vô lý.
Các nhà đầu tư “có con mắt” có thể đã mua các danh mục “có rủi ro ngang bằng”, tức phân bổ danh mục dựa trên rủi ro thay vì dựa trên vốn). Một lần nữa, chính phủ có thể dựa vào xu hướng ấy mà tăng cường phát hành trái phiếu.
Nợ công bao nhiều là nhiều? Tiếc là không thể có câu trả lời xác đáng. Tuy vậy, dường như nhiều nước vẫn đang thoải mái với việc tỷ lệ nợ trên GDP tăng cao.
Nguồn CafeF