Thứ Hai | 13/02/2017 17:07

Nợ công nhấn chìm quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Đứng trước tình trạng nợ công ngập đầu, người dân Mông Cổ rất lo lắng và đã quyên góp những con ngựa của họ để giúp chính phủ trả nợ.

Cách đây không lâu, Mông Cổ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhưng giờ đây, gần như tất cả số liệu kinh tế của nước này đều rơi xuống mức tồi tệ. Nợ công tăng nhanh, đồng tiền mất giá, và thâm hụt ngân sách lên mức đáng báo động. Đầu tư nước ngoài thì cạn kiệt, trong khi tăng trưởng kinh tế gần như chững lại. Ngay đến cả những bầy linh dương còm cõi của nước này cũng khốn khổ với bệnh dịch.

Tồi tệ hơn, một số khoản nợ lớn sắp đến kỳ đáo hạn. Chính phủ Mông Cổ, cùng với một ngân hàng phát triển do nhà nước hậu thuẫn, đang gánh 1 tỷ USD trái phiếu sắp đáo hạn trong vòng 1 năm tới, mà khởi đầu là một khoản 580 triệu USD phải thanh toán vào tháng Ba này. Theo một nguồn tin báo cáo lại, người dân địa phương đang rất lo lắng và đã quyên góp những con ngựa của họ để giúp chính phủ trả nợ.

May thay, Mông Cổ vẫn có một lối thoát tốt hơn. Trong tuần này, chính phủ sẽ đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho một gói cứu trợ. Đây sẽ là gói cứu trợ thứ sáu của nước này trong vòng ba thập kỷ qua. Trung Quốc có thể cũng sẽ sẵn sàng giúp một tay, nhưng chắc chắn là sẽ có một cái giá nào đó đi kèm. Nhưng ngay cả khi Mông Cổ tránh được vỡ nợ, câu chuyện của nước này vẫn là một bài học cảnh tỉnh cho mọi người.

Với một trữ lượng khoáng sản khổng lồ, và có biên giới kéo dài với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Mông Cổ là một nơi khá hấp dẫn để đầu tư. Nền kinh tế Mông Cổ từng tăng trưởng 17% trong năm 2011, khi các mỏ quặng của nước này cung cấp một lượng lớn than và đồng để đáp ứng nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc.

Đáng ngại thay, cũng trong năm đó chi tiêu của chính phủ tăng đến 56%. Mông Cổ từng là một trong những nước không đáng tin để cho vay, nhưng trong tình trạng lãi suất toàn cầu thấp bất thường khi đó, nước này vẫn tìm được khá nhiều chủ nợ. Năm 2012, nước này phát hành 1,5 tỷ USD "trái phiếu Chinggis" để rồi lãng phí chúng vào các công trình công cộng. Mông Cổ cũng tăng lương hàng loạt cho cán bộ công chức và trợ cấp cho các khoản thế chấp vay mua nhà của  dân chúng. Giới chính trị gia vung tiền ra để tìm kiếm phiếu bầu. Các cửa hiệu thời trang cao cấp, khách sạn sang trọng và những bức tượng lớn kệch cỡm mọc lên khắp xứ sở thảo nguyên nước này.

Sau đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, giá hàng hóa sụt giảm, và Mông Cổ nhận ra họ đã rơi vào thế kẹt. Tăng trưởng chậm lại, còn nợ thì tăng lên nhanh chóng. Với khối dự trữ ngoại hối sụt giảm, một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán đã được ngăn chặn vào phút cuối nhờ vào sự giúp sức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Vị cứu tinh IMF mới xuất hiện có thể sẽ ngăn chặn được một cuộc vỡ nợ, nhưng Mông Cổ cần nhiều hơn thế. Quan trọng nhất, nước này phải tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế vốn dĩ đã quá lệ thuộc vào khai thác khoáng sản, vốn đã chiếm gần 1/4 GDP và 90% kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội để cải cách giáo dục và có chính sách tốt hơn cho nhà đầu tư nước ngoài, vốn đã khá bất mãn với chính phủ trong những năm gần đây. Kiềm chế tham nhũng cũng là một việc phải làm. Ngân sách Mông Cổ sẽ phải được thắt chặt hơn nữa để có đủ nguồn lực xây dựng quỹ đầu tư quốc gia, nhằm ứng phó với chu kỳ tăng trưởng và sụt giảm giá cả hàng hóa.

Dù sao, tương lai của Mông Cổ vẫn có vẻ khá sáng sủa. Nước này có dân số trẻ, một nền dân chủ gần như ổn định, và trào lưu khởi nghiệp đang ở giai đoạn bắt đầu. IMF tính toán rằng, các mỏ khoáng sản của nước này có trữ lượng tổng cộng 3.000 tỷ USD trong suốt vòng đời khai thác. Việc mở rộng khu mỏ khổng lồ Oyu Tolgoi cũng sẽ sớm mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Việc chịu chấp nhận đau đớn bây giờ có thể giúp đảm bảo các nguồn lợi này được đầu tư chỗ về lâu dài, từ đó đưa nền kinh tế "thảo nguyên" của Mông Cổ đi lên một bước phát triển mới.

An Phong

Nguồn Bloomberg