Chủ Nhật | 20/04/2014 09:37

Nợ công Hy Lạp: Cho người say uống rượu Ouzo

Cần cảnh giác với sự quay trở lại vội vã trên thị trường nợ của Hy Lạp vì thành công trên thị trường vốn có thể xa rời những cải cách.
Ở Hy Lạp, Ouzo được xem là quốc tửu và khi uống ngụm rượu Ouzo đầu tiên người ta thường nâng ly và nói "Yiassas" - nghĩa là chúc sức khỏe. Nhưng đối với một người nghiện rượu, thì những lần nâng cốc chúc mừng như vậy lại chẳng khác nào Yiassas theo nghĩa ngược lại.

Và cái kẻ nghiện rượu trên chính là Chính phủ Hy Lạp. Ai cũng biết, một người biết uống rượu có thể trở thành kẻ nghiện rượu khi hơi men được nuôi dưỡng sau rất nhiều lần chúc tụng.

Sự kiện Chính phủ Hy Lạp quay trở lại thị trường vay nợ quốc tế cần được nhìn nhận thận trọng - giống như đặt chai rượu Ouzo vào tay một người say Hy Lạp - Ảnh: Gafin.
Sự kiện Chính phủ Hy Lạp quay trở lại thị trường vay nợ quốc tế cần được nhìn nhận thận trọng - giống như đặt chai rượu Ouzo vào tay một người say - Ảnh: Gafin.
Nợ công Hy Lạp: Những chai rượu được uống cạn

Lần đầu tiên người Hy Lạp nâng ly rượu mừng đã diễn ra cách nay 13 năm, với vị thế thành viên vừa gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Hy Lạp đã tiếp cận được một thị trường vốn lớn với giá rẻ.

Dĩ nhiên, người được hưởng lợi là Chính phủ Hy Lạp. Khi đó vẫn chỉ như những người mới tập uống rượu, Chính phủ Hy Lạp bắt đầu tận hưởng khoảng thời gian dễ chịu khi lãi suất trái phiếu Chính phủ được huy động ở mức tương đối thấp, khu vực công có nguồn tiền rẻ để thỏa sức chi tiêu. Cho đến năm 2009, bội chi ngân sách và nợ công vọt lên mức kỷ lục lần lượt là 15,4% và 126,8%, trong khi mức trung bình của EU là 6,3% và 79,2% (Nguyễn Đức Thành, 2011). Với con số nợ công như vậy, Chính phủ Hy lạp chẳng khác gì một kẻ say mắc chứng bệnh nghiện vay nợ giữa lòng Eurozone.

Đứng ở hiện tại nhìn và về quá khứ để thấy, hai lý do quan trọng khiến cho một Hy Lạp tràn trề hy vọng sau khi gia nhập Eurozone biến thành một Hy Lạp gần như vỡ vụn vào năm 2012 là do tỷ lệ nợ công cao và thâm hụt ngân sách trầm trọng. Không riêng gì Hy Lạp, đó là hai hố sâu lớn mà khối PIIGS (Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha) nói chung cùng gặp phải và đều trở thành những "nguyên tử" làm lan truyền của khủng hoảng nợ công.

Tuy nhiên, điều đáng nói là ở chỗ bản chất câu chuyện không dễ dàng được nhận ra như vậy, bởi những người say thường không biết là mình đang say còn khi nghiện một thứ gì đó thì người ta lại rất giỏi giấu diếm.

Mức bội chi ngân sách thực tế năm 2009 lên cao kỷ lục 15,4% nhưng Chính phủ Hy Lạp lúc bấy giờ lại đưa ra con số ước tính thấp hơn 2,5 lần - chỉ khoảng 6% - nhằm đánh lừa thị trường rằng dù uống nhiều rượu nhưng nền kinh tế vẫn "khỏe" để tiếp tục vay nợ với chi phí thấp.

Đến khi mọi sự vỡ lở thì những người quan sát là Fitch và S&P bắt đầu đánh tụt xếp hạng trái phiếu Chính phủ Hy Lạp và lãi suất bắt đầu tăng chóng mặt. Hy Lạp đứng trước nguy cơ vỡ nợ (default) và lúc này những kẻ say bắt đầu tuyên bố sẽ cai rượu.

Từ gói cứu trợ năm 2010 đến sự trở lại thị trường nợ quốc tế năm 2014

Từ lời nói đến hành động luôn tồn tại một khoảng cách lớn. Đối với Hy Lạp, khoảng thời gian đó đã kéo dài 4 năm.

Vào đỉnh điểm cuộc khủng hoảng năm 4 về trước, Chính phủ Hy Lạp liên tiếp đưa ra những mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách và đảm bảo chắc chắn điều đó sẽ được thực hiện bằng sự đánh cược bằng chính sự tồn tại của nội các. Nhưng một mình Hy Lạp là không đủ, cần có những bàn tay khác kéo đất nước ra khỏi vũng bùn. Trong khi Hiệp ước Maastricht cấm các nước Eurozone trực tiếp cứu trợ (bail-out) và sự phản đối chính trị của người dân trong nước không cho phép các nước lớn thực hiện điều đó thì các tổ chức quốc tế thường được biết đến với cái tên Troika (bộ tam bao gồm Ủy ban châu Âu - EC, NHTW châu Âu - ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF).

"Mọi người sẽ trông chừng xem cách thức Chính phủ Hy Lạp sử dụng nguồn ngân sách mới như thế nào: nợ mới để trả nợ cũ hay sẽ có một cuộc cải cách thực sự. Đó là điều không ai dám đảm bảo, nhưng chắc chắn chai rượu Outo lần này sẽ không thể uống cạn!"

Mùa xuân năm 2010 đánh dấu mốc thời gian mà từ đó trở về sau Troika - cứu trợ - và thắt lưng buộc bụng là những cụm từ luôn phủ bóng lên những tờ báo châu Âu. Kèm theo đó là giám sát chặt chẽ từ những người quan sát như Fitch và S&P. Nhưng trên tất cả, gói cứu trợ năm 2010 của Troika là một bước ngoặt thực sự trong cuộc khủng hoảng nợ công với nguồn ngân sách 750 tỷ euro dành riêng cho Hy Lạp.

Sau 5 năm ngụp lặn trong khủng hoảng và 4 năm vắng bóng, ngày 10/4/2014 lần đầu tiên Hy Lạp quay trở lại thị trường nợ quốc tế và huy động thành công 3 tỷ euro trái phiếu Chính phủ với lãi suất 4,95% - vay được nhiều hơn với giá rẻ hơn dự kiến của Bộ Tài chính (lần lượt là 2,5 tỷ euro và 5%).

Chưa hết, đúng một tuần sau đó, theo chân Chính phủ ngân hàng lớn thứ hai nước này là Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp (NBG) cũng tuyên bố quay trở lại thị trường vốn quốc tế. Alpha Bank và Piraeus cũng là các ngân hàng đã quay trở lại thị trường nợ quốc tế, còn Eurobank - ngân hàng lớn thứ ba Hy Lạp đang dự kiến huy động 2,86 tỷ euro trên thị trường quốc tế vào cuối tháng này.

Do vậy, bất kỳ ai - dù là người dân, nhà kinh doanh hay nhà quản lý nợ chính phủ - đều có quyền tự hào về sự kiện mang tính bước ngoặt này của Hy Lạp bởi ít nhất đây là một mốc son đánh dấu quyết tâm gượng dậy của một nền kinh tế gần như đã sụp đổ hoàn toàn và bên bờ vực vỡ nợ vào năm 2010.

Sáng tối đan xen trong nền kinh tế
Nhưng những thành công trên thị trường vốn không thể che giấu những yếu kém trong nội tại nền kinh tế.

Nợ công là một trong hai cột trụ đã từng đổ vỡ 4 năm trước thì giờ đây, ngay cả khi đã tiến hành tái cơ cấu, tỷ lệ nợ công của Hy Lạp vẫn ở khoảng 175% GDP vào năm 2013 và dự báo còn tăng thêm 2% trong năm 2014. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ nợ công trung bình của các nền kinh tế phát triển là 107,1% trong năm nay (IMF, 2014).

Nếu ai không cho rằng Hy Lạp là một nền kinh tế phát triển thì trên nhiều phương diện, đất nước này cũng có thể được xem là một nền kinh tế mới nổi với những công việc còn bộn bề trong nhiệm vụ cải cách Chính phủ hay ổn định nền tài chính. Ở vị thế đó, có thể so sánh với các quốc gia mới nổi khác như Brazil và Nam Phi - những nền kinh tế đã gặp khủng hoảng trong thời gian vừa qua - nhưng nợ công cũng thấp hơn nhiều với tỷ lệ lần lượt là 67% và 47% GDP.

Bên cạnh nợ công, tình trạng thất nghiệp và sức mua của người tiêu dùng Hy Lạp cũng là những mảng tối trong nền kinh tế. Năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp vẫn ở mức 27,3%, cao nhất từ khủng hoảng tài chính 2008 và nền kinh tế đã chìm sâu trong giảm phát từ hơn một năm nay.

Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Hy Lạp được dự báo dương trong năm nay.
Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Hy Lạp được dự báo dương trong năm nay.
Còn lại, điều lạc quan hiếm hoi có thể tìm thấy là tăng trưởng GDP được dự báo sẽ dương trở lại (tăng 0,6% trong năm nay) và tỷ lệ thặng dư ngân sách chính (không bao gồm số tiền lãi phải trả) đã vượt mục tiêu 878 triệu euro của Chính phủ, lên 1,57 tỷ euro (2,18 tỷ USD), so với 520 triệu euro trong cùng kỳ năm ngoái.

Không phủ nhận, những tín hiệu lạc quan đã xuất hiện trong nền kinh tế Hy Lạp nhưng chừng đó vẫn còn quá ít so với những mảng tối bao trùm lên nền kinh tế, mà một yếu tố quan trọng là niềm tin của người dân đã bị sứt mẻ nghiêm trọng. Ngay trước ngày quay trở lại thị trường nợ, những cuộc biểu tình vẫn không ngớt trên đường phố Athens. Trong đám đông 20.000 người ngày 9/4, có Panayiotis - giáo sư trường công nghệ tại Athens - ông cho biết: "Người ta ca ngợi sự trở lại thị trường (vay nợ) lần này như một phép màu kinh tế của năm nhưng khoản tiền (vay mượn) đó sẽ được sử dụng làm gì? Để trả cho những khoản nợ tiếp tục tăng lên mức cao lịch sử sao!". Vào buổi sáng cùng ngày, một quả bom xe đã phát nổ ngay trước trụ sở Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, gần phòng làm việc của Troika.

Người dân Hy lạp vẫn chưa tin tưởng vào Chính phủ.
Cuộc biểu tình ngay trước ngày Hy lạp quay trở lại thị trường nợ quốc tế cho thấy
người dân vẫn chưa tin tưởng vào Chính phủ.

Phát hành trái phiếu Chính phủ thành công: Thêm một lần chúc tụng

Từ những phản ứng trên đường phố Athens, nhiều người bắt đầu nghi ngờ liệu quyết định quay trở lại thị trường nợ quốc tế lần này của Chính phủ Hy Lạp có quá vội vàng. Chính phủ liên minh của Thủ tướng Antonis Samaras có thể hứa hẹn sự trở lại lần này sẽ là một thành công thực sự khi lần chào bán trái phiếu đầu tiên đã diễn ra tốt đẹp. Nhưng ai cũng biết rằng, ông Samaras và các đồng sự trong nội các hiện tại sẽ coi thành công bước đầu này như một bước đệm cho cuộc bầu cử chính quyền thành phố và châu Âu diễn ra vào tháng 5 đang tới gần.

Nhưng bản chất khiến cho trái phiếu Chính phủ Hy Lạp hấp dẫn đến từ ba nguyên nhân chính. Hai lý do đầu tiên là khách quan: mặt bằng lãi suất Chính phủ của các nước khác trong khu vực Eurozone quá thấp, trong khi nhà đầu tư luôn trong "cơn khát" lãi suất và quan trọng là lúc này, họ thừa hiểu rằng Eurozone sẽ không thể để một thành viên vỡ nợ sau chừng ấy công sức đã bỏ ra sau 4 năm cứu trợ. Lý do thứ ba đến từ nỗ lực của bản thân Hy Lạp khi cơ cấu nợ đã trở nên an toàn hơn.

gafin

Quá trình tái cơ cấu nợ công được thực hiện vòa tháng 3/2012 khiến cho những trái phiếu đáo hạn mà chưa trả được lại chuyển thành trái phiếu với thời hạn dài hơn thậm chí lên đến 10 năm. Nhờ đó, theo đánh giá của Moody, nợ công của Hy Lạp có thời gian đáo hạn trung bình trong 6,5 năm (trước khi tái cơ cấu) đã tăng lên gấp gần 3 lần - 17 năm (sau khi tái cơ cấu).

Điểm cộng là nợ của Hy Lạp có lãi suất khởi đầu thấp hơn nhiều, ở 1,5%. Hơn nữa, ngoài số nợ do ECB nắm giữ, Hy Lạp không có bất kỳ khoản phải trả nào đáng kể cho đến tận năm 2023, nghĩa rất lâu sau khi loại trái phiếu mới phát hành ngày 10/4 vừa rồi đáo hạn vào năm 2019.

Nhờ những lợi thế đó, nhiều khả năng Chính phủ Hy Lạp sẽ thành công trong việc vay số lượng vốn lớn với giá rẻ hơn nữa. Và thế là sẽ thêm một cuộc chúc tụng nữa, nhưng lần này thì ai cũng biết chai Ouzo rượu đang đặt vào tay một kẻ say. Vì vậy, mọi người sẽ trông chừng xem cách thức Chính phủ Hy Lạp sử dụng nguồn ngân sách mới như thế nào: nợ mới để trả nợ cũ hay sẽ có một cuộc cải cách thực sự. Đó là điều không ai dám đảm bảo, nhưng chắc chắn chai rượu Ouzo lần này sẽ không thể uống cạn!



Nguồn Theo DVO


Sự kiện