Nguồn ảnh: BBC

 
Phùng Mỹ Thứ Hai | 22/06/2020 08:28

Nợ công của Anh vượt quá quy mô nền kinh tế

Các biện pháp khẩn cấp của chính phủ Anh nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 khiến khoản nợ của nước này vượt quá GDP.

Lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, khoản nợ của Chính phủ Anh hiện lên tới 1.950 tỉ bảng Anh, vượt qua khỏi quy mô của cả nền kinh tế. Nguyên nhân chính làm tăng đột biến khoản nợ này là do khoản vay khổng lồ 55,2 tỉ bảng Anh vào tháng 5, cao gấp đôi tổng số tiền vay của năm tài chính trước kết thúc vào tháng 3.2019. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) khoản vay này cao gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo của The Times, số tiền vay này có khả năng tăng gấp 7 lần trong vài tháng tới. Con số này sẽ gấp đôi so với con số 150 tỉ bảng Anh được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Rishi Sunak bày tỏ điều này cho thấy rõ hậu quả nghiêm trọng của đại dịch đối với nền tài chính công. Ông cho rằng: “Giải pháp tốt nhất để hồi phục nền tài chính công một cách bền vững là mở cửa trở lại nền kinh tế để mọi người có thể tiếp tục làm việc. Chúng tôi đã lên kế hoạch an toàn để mở cửa dần dần, bao gồm việc mở lại mạng lưới xa lộ trong tuần này, nhằm mục đích tái khởi động nền kinh tế".

Ông Rishi Sunak, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh. Nguồn ảnh: PA
Ông Rishi Sunak, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh. Nguồn ảnh: PA

Ông cho biết thêm, thu nhập từ thuế, bảo hiểm toàn dân và giá trị gia tăng đều sụt giảm trong tháng 5 khi các biện pháp cách ly đang được áp dụng. Trong khi đó, chi tiêu chống dịch lại tăng đột biến.

Đây là lần đầu tiên nợ quốc gia lớn hơn quy mô nền kinh tế kể từ năm 1963, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn so với mức kỷ lục 258% giai đoạn hậu chiến tranh thế giới (giai đoạn 1946-1947).

Trên tờ Pantheon Macroeconomics, ông Samuel Tombs, Giám đốc kinh tế bày tỏ rằng những biện pháp cấp bách của chính phủ trong nỗ lực chống lại đại dịch đã tạo nên một gánh nặng khổng lồ lên nền tài chính. Ông chỉ ra rằng chỉ trong 2 tháng năm 2020, chính phủ đã huy động một khoản tiền nhiều hơn tất cả mọi năm trong vòng một thập kỷ.

Trong năm đầu tiên ở cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Rishi Sunak đang chứng kiến một sự thâm hụt tài chính lớn chưa từng có kể từ sau thế chiến thứ II. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định cái giá phải trả là cần thiết để ngăn chặn tổn thất lớn hơn cho nền kinh tế. Hàng tỉ bảng Anh đã được bơm vào nền kinh tế để hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động. Kỳ vọng sau khi mở cửa, họ sẽ dần phục hồi và đóng góp lại cho nền kinh tế. 

Nguồn BBC