Vỡ nợ trái phiếu phi chuẩn tại Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục. Ảnh: Businesstimes.

 
Khánh Tú Thứ Sáu | 25/10/2024 17:14

Nợ ẩn của Trung Quốc: Khủng hoảng lòng tin nhà đầu tư

Vỡ nợ tăng ở thị trường nợ ẩn Trung Quốc khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng, dấy lên lo ngại về tính minh bạch và sự bảo hộ của nhà nước.

Trong một góc khuất của thị trường nợ Trung Quốc, tình trạng vỡ nợ các khoản đầu tư được cho là có "bảo lãnh ngầm" từ chính phủ đang tăng mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư lao đao.

Năm ngoái, trước làn sóng nợ xấu từ các công ty tài chính của chính quyền địa phương, chính phủ trung ương đã cho phép các chính quyền địa phương phát hành thêm khoảng 2,2 nghìn tỉ nhân dân tệ (309 tỉ USD) để tái cơ cấu nợ, đồng thời yêu cầu các ngân hàng quốc doanh cung cấp hỗ trợ tài chính.

Số nợ khó đòi tăng cao

Những biện pháp này đã đẩy chi phí vay xuống mức thấp kỷ lục, thu hút nhà đầu tư trở lại thị trường. Tuy nhiên, một mảng tối không được giải quyết: Phân khúc đầu tư phi chuẩn, khoản đầu tư thu nhập cố định không giao dịch công khai, vỡ nợ ngày càng nhiều, khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân thiệt hại nặng nề. Theo ước tính, giá trị của phân khúc này đạt khoảng 800 tỉ USD, dù không có số liệu chính thức.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân đã phải chịu thiệt hại nặng. Như trường hợp của bà Lulu Fang, một chủ doanh nghiệp nhỏ 60 tuổi tại Quý Châu, đã mất toàn bộ số tiền tiết kiệm của bà, 15 triệu nhân dân tệ, vào các sản phẩm tín thác với kỳ vọng lợi nhuận 8%, cao hơn nhiều so với gửi ngân hàng. Thế nhưng, khoản đầu tư của bà tan thành mây khói khi sản phẩm này vỡ nợ vào năm ngoái. 

Đối mặt với nguy cơ mất căn hộ ở Thâm Quyến do không thể trả nợ thế chấp, bà Fang cùng hơn 100 nhà đầu tư khác đã đến các công ty tín thác và chính quyền địa phương để xin hoàn trả. "Cuộc sống của tôi hoàn toàn đảo lộn. Tôi đã làm việc cả đời, tiết kiệm cho tuổi già, và được bảo rằng đây là sản phẩm an toàn. Đó là lời nói dối”, bà chia sẻ.

Các địa phương tại Trung Quốc từ lâu đã sử dụng công ty tài chính chính quyền địa phương (LGFV) để huy động vốn cho các dự án hạ tầng như đường xá và cảng biển. Tuy nhiên, các dự án này không phải lúc nào cũng sinh lời, khiến các LGFV phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ chính quyền. Trong chín tháng đầu năm nay, đã có 60 sản phẩm phi chuẩn gắn liền với LGFV vỡ nợ hoặc có nguy cơ vỡ nợ, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất từ năm 2019, theo dữ liệu của Công ty Công nghệ & Thông tin Tài chính Trung Quốc.

Trong 60 sản phẩm vỡ nợ, chỉ có 20 sản phẩm công khai số liệu, với tổng giá trị 4,55 tỉ nhân dân tệ. Khác với trái phiếu công khai của LGFV, vốn được ưu tiên và chưa từng vỡ nợ, các sản phẩm phi chuẩn thường được bán kín và không nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. 

“Các chính sách Trung Quốc đưa ra nhằm đảm bảo trả nợ cho trái phiếu công khai của LGFV, vì chúng thuộc thị trường vốn. Nếu các khoản này vỡ nợ, điều đó sẽ đe dọa đến sự ổn định tài chính và xã hội”, bà Laura Li, Giám đốc Điều hành S&P Global Ratings, nhận xét.

Một tia hy vọng cho các nhà đầu tư sở hữu nợ phi chuẩn là việc chính phủ trung ương có thể cho phép địa phương phát hành tới 6 nghìn tỉ nhân dân tệ trái phiếu đến năm 2027 để tái cấp vốn cho các khoản nợ ngoài bảng cân đối. Điều này có thể tạo điều kiện hỗ trợ các sản phẩm phi chuẩn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng kế hoạch này không dễ thực hiện. Theo ông Wang Chen, Chuyên gia phân tích tại Belt & Road Origin, nếu kế hoạch cắt giảm nợ ẩn diễn ra, chính quyền sẽ vẫn ưu tiên các trái phiếu LGFV.

Phần lớn các vụ vỡ nợ xảy ra trong ngành tín thác, nơi các sản phẩm thường không được niêm yết và bán qua ngân hàng hoặc công ty chứng khoán cho các nhà đầu tư lớn, yêu cầu tối thiểu 1 triệu nhân dân tệ. Các sản phẩm này mang lại lãi suất cao 7-8% so với mức 3% của trái phiếu niêm yết, nhưng cũng đi kèm rủi ro lớn.

Nhiều vụ vỡ nợ đã xảy ra trong ngành quỹ tín thác. Sản phẩm quỹ tín thác thường không được niêm yết và bán qua các kênh như ngân hàng, công ty chứng khoán cho các doanh nghiệp, tổ chức tài chính và cá nhân có tài sản lớn với mức đầu tư tối thiểu là 1 triệu nhân dân tệ. Chúng thường cung cấp các khoản thanh toán cố định hàng năm hoặc nửa năm với thời hạn từ sáu tháng đến năm năm.

Khi nguồn thu của chính quyền địa phương sụt giảm do kinh tế suy thoái và doanh thu đất giảm mạnh, các LGFV buộc phải tìm đến sản phẩm phi tiêu chuẩn. Tuy nhiên, ưu tiên chính sách cho các sản phẩm này vẫn thấp, khiến tỉ lệ vỡ nợ duy trì ở mức cao.

Những vụ vỡ nợ đã đẩy nhiều nhà đầu tư như bà Fang vào tình thế khó khăn, nhưng kinh nghiệm của ông Jason Lai, một nhà đầu tư khác, cho thấy khả năng lấy lại vốn là rất mong manh. Ông Lai đã đầu tư 3 triệu nhân dân tệ vào một sản phẩm quản lý tài sản được LGFV bảo đảm, nhưng kể từ khi sản phẩm này vỡ nợ năm 2019, ông chỉ thu lại được khoảng 10% số vốn ban đầu.

Có thể bạn quan tâm:

Quy hoạch đô thị bền vững tại Đông Nam Á

Nguồn Bloomberg