Nỗ lực đưa sản xuất giày trở lại Mỹ bằng công nghệ cao của Nike vấp phải thực tế khắc nghiệt của chi phí, kỹ thuật và sự đa dạng sản phẩm. Ảnh: WSJ.

 
Thứ Sáu | 25/04/2025 16:46

Nike và giấc mơ “đưa sản xuất về Mỹ” bất thành

Tham vọng tự động hóa để đưa sản xuất giày về gần Mỹ của Nike đã tan vỡ vì chi phí, công nghệ và cả sự phức tạp trong thiết kế.

Tổng thống Donald Trump từng đặt cược rằng việc áp thuế cao lên các quốc gia châu Á có chi phí sản xuất thấp sẽ buộc các công ty Mỹ đưa sản xuất và việc làm quay về nội địa. Tuy nhiên, chi phí lao động cao tại Mỹ khiến các công ty buộc phải tìm cách thay thế con người bằng máy móc. Với một số ngành, điều này hóa ra lại vô cùng khó khăn. 

Nỗ lực kéo dài nhiều năm của Nike nhằm chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam sang Bắc Mỹ cho thấy việc các thương hiệu Mỹ muốn “cai nghiện” mô hình sản xuất thuê ngoài giá rẻ và linh hoạt, dựa vào lực lượng lao động đông đảo, khó khăn đến mức nào. Nike hiện sử dụng hơn 1,1 triệu lao động trên toàn cầu thông qua các nhà thầu tại các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, và Trung Quốc, nơi chi phí lao động thấp và tay nghề cao đã trở thành lợi thế cạnh tranh.

Từ năm 2015, Nike đã đầu tư hàng triệu USD vào một dự án đầy tham vọng nhằm tự động hóa quy trình sản xuất giày, vốn là lĩnh vực phụ thuộc nặng vào lao động thủ công. Khi đó, chi phí lao động tăng ở Trung Quốc cộng với sự phát triển của công nghệ sản xuất như in 3D đã mở ra hy vọng sản xuất giày với ít công nhân hơn.

Nike hiện sử dụng hơn 1,1 triệu lao động trên toàn cầu thông qua các nhà thầu tại các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, và Trung Quốc. Ảnh: WSJ.
Nike hiện sử dụng hơn 1,1 triệu lao động trên toàn cầu thông qua các nhà thầu tại các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, và Trung Quốc. Ảnh: WSJ.

Nike hợp tác với Flex, nhà sản xuất Mỹ từng giúp Apple xây dựng nhà máy Mac Pro ở Texas. Mục tiêu là đến năm 2023 có thể sản xuất hàng chục triệu đôi giày tại nhà máy công nghệ cao ở Guadalajara, Mexico. Dù nhà máy vẫn cần hàng ngàn lao động, con số này dự kiến thấp hơn đáng kể so với mô hình sản xuất ở châu Á. Nếu thành công, đây sẽ là hình mẫu cho việc đưa sản xuất quay lại Mỹ.

Các đối thủ như Under Armour và Adidas cũng nắm bắt cơ hội tái cấu trúc, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào các nhà máy khổng lồ ở châu Á với lao động giá rẻ và tay nghề cao. “Kỹ nghệ sản xuất giày hiện đại nhìn giống một dây chuyền lắp ráp Model T của Ford kết hợp với bàn làm giày thời Trung cổ hơn là một quy trình hiện đại”, ông Kevin Haley, Phó Chủ tịch phụ trách sáng tạo của Under Armour, nhận xét vào năm 2015 khi khởi động dự án “Project Glory” tại Baltimore.

Cùng thời điểm, Adidas triển khai các “nhà máy tốc độ” (speedfactories) ở Atlanta (Mỹ) và Ansbach (Đức) với máy móc hiện đại, kỳ vọng mở ra “kỷ nguyên mới” trong ngành sản xuất giày. “Nếu muốn rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam, các công ty buộc buộc phải có công nghệ sản xuất kiểu khác”, ông Mike Dennison, Chủ tịch Flex khi đó, nhận định năm 2016.

Trong số ba hãng, Nike là “chơi lớn” nhất. Công ty đặt mục tiêu tự động hóa quy mô lớn trong vòng chưa đến 10 năm, với kỳ vọng tiết kiệm chi phí nhân công và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm mới ra thị trường. Ông Tom Fletcher, người đứng đầu dự án tại Flex, tỏ ra khá tự tin vì từng xây dựng nhà máy Mac Pro cho Apple tại Austin. Flex đã tái thiết kế toàn bộ dây chuyền sản xuất, tích hợp tối đa công nghệ tự động hóa vốn phổ biến trong sản xuất điện tử thay vì đóng giày. Dây chuyền sử dụng các máy móc như “pick and place”, thường dùng để gắn linh kiện lên bảng mạch, được áp dụng cho các khâu như may thân giày, đính logo và gắn đế.

Nhưng dự án nhanh chóng gặp rào cản kỹ thuật.

Robot không thể xử lý các vật liệu mềm, co giãn và dễ biến dạng, những yếu tố đặc trưng trong sản xuất giày. Vải giày thay đổi kích cỡ theo nhiệt độ, và không có đế giày nào hoàn toàn giống nhau. Ông Fletcher cho biết máy móc có thể làm việc gì đó với tỉ lệ cực kỳ chính xác, nhưng chỉ cần nhiệt độ thay đổi một chút thì vật liệu cũng thay đổi theo, và chỉ con người mới có thể thích nghi với điều đó.

Kết quả là, sản xuất không đạt mức độ tự động hóa như kỳ vọng. Khi sản lượng tăng, số lượng công nhân tại nhà máy lên đến 5.000 người, gấp đôi so với dự kiến ban đầu và tốn kém hơn cả ở Việt Nam. Nhiều công đoạn, như dán đế vào thân giày, vẫn không thể tự động hóa. Chỉ cần đế không khớp hoàn hảo, sản phẩm sẽ bị xoắn, lệch, không đạt tiêu chuẩn.

Một trở ngại lớn khác là sự đa dạng trong thiết kế giày Nike. Trong nhiều thập kỷ, các công ty Mỹ cho phép nhà thiết kế tự do sáng tạo và dựa vào nhà máy châu Á để hiện thực hóa ý tưởng. Không giống như ô tô hay iPhone, giày thay đổi mẫu mã liên tục. Nhưng tự động hóa đòi hỏi quy trình đơn giản, lặp đi lặp lại và vật liệu đồng nhất, điều mà sản xuất điện tử có thể làm, còn đóng giày thì không.

Có lúc, nhóm Flex mất tám tháng chỉ để tự động hóa khâu đính logo Nike lên giày. Nhưng khi hoàn thành, Nike đã chuyển sang dòng sản phẩm mới khiến quy trình đó lỗi thời. Sản xuất hàng loạt các mẫu giày đơn giản, với thân dệt máy và đế đúc khuôn, là khả thi hơn. Tuy nhiên, Nike không chấp nhận giới hạn thiết kế và luôn yêu cầu nhà máy hiện thực hóa mọi ý tưởng.

Đến năm 2017, chi phí tăng cao khiến các nhà đầu tư của Flex nghi ngờ dự án và đặt câu hỏi vì sao một công ty chuyên sản xuất thiết bị điện tử lại lấn sân sang lĩnh vực đóng giày. Cuối cùng, Nike và Flex chấm dứt hợp tác vào đầu năm 2019. Cũng trong năm đó, Under Armour ngừng nhắc đến “Project Glory” với giới đầu tư, còn Adidas, sau những thách thức tương tự, đã đóng cửa nhà máy ở Atlanta và Đức, chuyển công nghệ “speedfactory” về lại châu Á.

Cả ba thương hiệu lớn quay lại với các cơ sở sản xuất cũ: Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia, dù đại dịch COVID-19 đã phơi bày rủi ro khi quá phụ thuộc vào một khu vực duy nhất. Theo báo cáo tài chính năm 2024, Nike ghi nhận doanh thu toàn cầu 51,4 tỉ USD, nhưng lợi nhuận giảm còn 11% do chi phí sản xuất và thuế quan tăng. Cả ba công ty đều từ chối bình luận về nỗ lực “hồi hương” bất thành. Đại diện của Nike và Under Armour chỉ cho biết họ đang tìm cách thích ứng với các mức thuế mới.

Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia một lần nữa trở thành mục tiêu trong chiến lược thuế quan của ông Trump. Đầu tháng này, ông áp mức thuế 46% với hàng hóa từ Việt Nam và 32% với Indonesia, sau đó giảm xuống còn 10% và gia hạn 90 ngày. Riêng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc tăng tới 145%.

Mối đe dọa từ thuế quan mới khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Nike và các hãng khác có buộc phải xem xét lại chiến lược tự động hóa và đưa sản xuất trở lại Mỹ hay không. Theo các chuyên gia, việc xây dựng nhà máy tại Mỹ có thể mất 3-5 năm và chi phí sản xuất giày sẽ tăng 50-100% so với hiện tại, đẩy giá bán lẻ trung bình của một đôi giày Nike từ 100 USD lên 150-200 USD. Ông Fletcher tin rằng điều đó vẫn khả thi, nhưng không dễ dàng.

Có thể bạn quan tâm:

Ấn Độ trước cơ hội trở thành công xưởng thế giới​

Nguồn WSJ