Thứ Tư | 15/06/2016 14:07

Nike và Adidas ăn nên làm ra ở Trung Quốc nhờ chống tham nhũng

Người Trung Quốc giờ đây chi tiền cho những món đồ có công dụng nào đó thay vì chỉ mang ý nghĩa phù phiếm.

Alex He, 29 tuổi, cư dân Bắc Kinh, làm việc trong ngành tài chính, không thường xuyên đi mua sắm, nhưng mỗi lần đến trung tâm thương mại anh thường chi chiêu 3.000 USD cho quần áo. Lần gần đây nhất, Alex He mua một đôi giày Adidas.

Alex He cũng thích đồ thể thao của Under Armour và cho biết, trước kia anh thường mua đồ của nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ nhưng từ năm ngoái chỉ mua đồ của những thương hiệu thể thao vì chúng thoải mái hơn và thời trang hơn.

Người tiêu dùng Trung Quốc như Alex He đang chuyển sang những thương hiệu thời trang thể thao phương Tây. Chiến dịch cắt giảm tiêu dùng hàng xa xỉ của Chủ tịch Tập Cận Bình đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của một loạt các hãng danh tiếng từ thời trang, rượu vang cho đến ôtô như Hugo Boss, Pernod Ricard và BMW.

Trái lại, doanh số bán của các thương hiệu thể thao lại tăng trưởng mạnh. Doanh thu của Nike tại Trung Quốc giai đoạn tháng 9/2015-4/2016 đã tăng từ 27-35%. Hôm 6/6, công ty cho biết sẽ hợp tác cùng với Bộ giáo dục Trung Quốc trong việc đào tạo 7.000 giáo viên thể chất. Chủ tịch kiêm CEO Nike tuyên bố “Thế hệ bây giờ vận động quá ít và chúng tôi có thể giúp Trung Quốc thay đổi điều đó.”

Doanh thu của Adidas tại thị trường đại lục năm 2015 cũng tăng 38% lên 2,79 tỷ USD, chiếm 15% tổng doanh thu toàn cầu của hãng.

Hãng đồ thể thao lớn thứ 2 thế giới này năm ngoái cũng mở thêm hơn 500 trong tổng số 9.000 cửa hàng tại Trung Quốc và dự kiến mở thêm 500 cửa hàng trong năm nay. “Chúng tôi đang làm rất tốt ở Trung Quốc.” CEO Adidas Herbert Hainer cho biết trong quý I/2016, doanh thu của hãng đã tăng 22%. “Người Trung Quốc thực sự ưa chuộng sản phẩm của chúng tôi.”

Đối với người tiêu dùng Trung Quốc, các thương hiệu thời trang thể thao nước ngoài là lựa chọn an toàn, không bị ảnh hưởng chính trị. Hơn nữa, người Trung Quốc muốn chi mạnh tay cho những món đồ có công dụng nào đó chứ không chỉ mang ý nghĩa phù phiếm.

Theo tờ China Daily, ngày càng có nhiều người Trung Quốc quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe. Năm 2014, ngành thể hình thu được 127,2 tỷ nhân dân tệ, tăng 84% so với năm 2009.

Năm 2014 có khoảng 3.650 câu lạc bộ thể hình mọc lên tại Trung Quốc, tăng đáng kể so với 2.930 năm 2009. Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích xu hướng này, với hy vọng người dân sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến thể thao.

Giám đốc Adidas tại đại lục cho biết, ngày càng nhiều hơn người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu tham gia tập chạy hoặc các môn thể thao khác.

Ngành thể thao Trung Quốc vẫn chưa phát triển. Năm 2015, ngành thể thao Trung Quốc chỉ chiếm 0,7% GDP tức 474 tỷ nhân dân tệ (72 tỷ USD). Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu năm 2020, con số này phải lên tới 3.000 tỷ nhân dân tệ.

Tuy nhiên, sự bùng nổ đồ thể thao ngoại lại làm tổn thương một số thương hiệu thể thao trong nước. Đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng 2 con số của những hãng này đã giảm từ mức cao về mức trung bình thấp. Fitch dự đoán các nhà sản xuất nhỏ trong nước sẽ gặp khó khăn 5 năm tới do ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh, cộng thêm cơ chế giá ít linh hoạt cho nhà phân phối và chi phí lao động tăng sẽ khiến các doanh nghiệp này đứng ở thế nguy hiểm. Thêm vào đó ngày càng có nhiều người dân thuộc tầng lớp thu nhập trung bình quan tâm đến sản phẩm có độ nhận dạng thương hiệu và sự khác biệt cao – vốn là điểm yếu của các thương hiệu trong nước.

Nhằm ngăn chặn sự thống trị của các hãng thời trang ngoại nhập, nhiều thương hiệu thời trang thể thao trong nước đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài. Anta Sports – thương hiệu thể thao trong nước hàng đầu với hơn 9.000 cửa hàng bán lẻ tại đại lục, Hong Kong và Macau vừa tuyên bố kế hoạch sát nhập với hãng đồ thể thao Nhật Bản Descente – Itochu. Anta cũng đã bán đồ của Fila ở Trung Quốc. Tuy nhiên đến hiện nay nhà đầu tư vẫn chưa chắc chắn chiến lược của Anta là gì. Năm nay, cổ phiếu Anta tại thị trường Hong Kong đã giảm 27%.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg