Thứ Bảy | 09/05/2015 08:55

Nike – Quân bài chiến lược của ông Obama vận động cho TPP

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 8/5 có chuyến thăm bất ngờ tới trụ sở của Nike ở Oregon và coi đây là nơi vận động cho đàm phán về thương mại.

Theo các nhà phân tích, với chuyến thăm này, ông Obama đã khoác cho chiến dịch vận động cho tự do thương mại của mình một tấm áo "vì lợi ích kinh tế của tầng lớp trung lưu". Ông muốn kêu gọi những người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định được cho là sẽ có lợi cho các công nhân Mỹ.

“Chúng ta phải chắc chắn rằng nước Mỹ tạo ra nguyên tắc kinh tế toàn cầu và ngày nay chúng ta sẽ tiếp tục. Nếu chúng ta không viết nên nguyên tắc cho thương mại toàn cầu, hãy đoán xem ai sẽ làm điều này, chắc chắn là Trung Quốc. Khi đó, họ sẽ tạo ra nguyên tắc có lợi cho lao động Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc”, ông Obama nói. "Tôi đang ở nhiệm kỳ cuối cùng. Lý do duy nhất tôi làm cái gì đó là vì tôi nghĩ đó là điều tốt nhất cho công nhân và nền kinh tế Mỹ", ông Obama chia sẻ thêm.

Tại trụ sở Nike, ông Obama đặt vấn đề tự do thương mại ngang hàng với các chương trình chăm sóc y tế phổ cập, chấp nhận sử dụng năng lượng sạch và tăng mức lương tối thiểu trước đó. 

Điều đặc biệt là ông Obama đã đem trường hợp tự do thương mại ra bàn tại một công ty mà nhiều người theo chủ nghĩa tự do, trong đó có thượng nghị sĩ bang Vermont, ông Bernie Sanders, một ứng cử viên tổng thống, coi đó là một biểu tượng thất bại của các chính sách thương mại. 

Nike, doanh nghiệp sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới, chủ yếu nhập khẩu giầy từ các nhà máy gia công từ những quốc gia như Việt Nam.Một số nhà cung cấp của Nike từng chịu sự chỉ trích gay gắt do vi phạm nhân quyền, lao động. Năm ngoái, công nhân tại nhà máy của Yue Yuen – nhà cung cấp lớn của Nike ở Trung Quốc đã đình công để phản đối chính sách hưu trí của công ty. Đây được coi là bất đồng chính sách lao động lớn nhất ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.
 
Ông Obama cho rằng Việt Nam, nơi có 330.000 công nhân làm việc cho Nike, sẽ phải tăng mức lương tối thiểu, cải thiện điều kiện làm việc.

"Điều này không có nghĩa rằng bỗng dưng điều kiện lao động ở Việt Nam sẽ giống như điều kiện lao động mà Nike áp dụng tại đây ngay lập tức, nhưng nó sẽ thúc đẩy sự việc theo đúng hướng", ông nói.

Về phía Nike, chỉ vài giờ trước bài phát biểu của Tổng thống Obama, tập đoàn này tuyên bố sẽ tuyển 10.000 lao động Mỹ trong ngành sản xuất và kỹ thuật và khoảng 40.000 lao động trong các lĩnh vực khác trong 10 năm tới nếu TPP được Quốc hội thông qua.

Kể từ khi Nhà Trắng thông báo về chuyến thăm Nike, giới chỉ trích TPP đã đặt câu hỏi về việc chọn một công ty thuê gia công ở nước ngoài như Nike để quảng bá cho tự do thương mại.
"Thật buồn khi thấy Tổng thống xa rời thực tế như thế nào khi nói về TPP.  Tính biểu tượng của bài nói chuyện của Obama hoàn toàn không vững vàng. Thương hiệu Nike được xây dựng thông qua outsourcing công đoạn sản xuất sang các xưởng lao động bóc lột sức công nhân ở châu Á ", Murshed Zaheed của Credo Action – một nhóm hoạt động cấp tiến bình luận.

Phương Linh
Theo FT, WSJ