Ảnh: CNBC

 
Vũ Hạo Thứ Ba | 03/03/2020 07:48

Niềm vui quay trở lại, Dow Jones bật tăng hơn 5%

Phố Wall phục hồi mạnh mẽ trong ngày thứ Hai (02/03), trong đó Dow Jones ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ.

Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy đà tăng trên Phố Wall.

Khép lại phiên ngày thứ Hai (02/03), Dow Jones vọt 1.293,96 điểm (tương đương 5,1%) lên 26.703,32 điểm, tăng mạnh nhất về phương diện phần trăm kể từ tháng 03/2009. Đây cũng là phiên tăng điểm lớn nhất từ trước đến nay của Dow Jones.

Chỉ số S&P 500 tiến 4,6% lên 3.090,23 điểm, tăng mạnh nhất kể từ ngày 26/12/2018. Trong khi đó, Nasdaq Composite vọt 4,5% lên 8.952,16 điểm, cũng ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2018.

Đà leo dốc mạnh mẽ đã chấm dứt chuỗi lao dốc 7 phiên liên tiếp của Dow Jones và S&P 500.

Cổ phiếu Apple tác động tích cực nhất đến Dow Jones với đà tăng 9,3%. Cổ phiếu Merck và Walmart lần lượt tăng 6,3% và 7,6%. Các lĩnh vực tiện ích, công nghệ, hàng tiêu dùng thiết yếu và bất động sản đều tăng hơn 5% để dẫn đầu đà tăng của S&P 500.

Các chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall đã rớt mạnh hồi tuần trước khi những lo ngại về sự lây lan dịch virus corona làm ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.

Mức biến động của Dow Jones. Nguồn: CNBC
Mức biến động của Dow Jones. Nguồn: CNBC

Tuần trước, các chỉ số đã ghi nhận tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và rơi vào khu vực điều chỉnh, lao dốc hơn 10% từ các mức cao mọi thời đại ghi nhận hồi tháng trước.

Nhờ đà tăng mạnh mẽ vào ngày thứ Hai, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều bước ra khỏi phạm vi điều chỉnh.

Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt thấp hơn 9,7% và 9% so với các mức cao kỷ lục. S&P 500 khép phiên còn cách 8,9% để đạt mức cao mọi thời đại.

Tuy nhiên, Peter Cardillo, Trưởng bộ phận kinh tế thị trường tại Spartan Capital Securities, không cho rằng điều tồi tệ nhất đối với thị trường đã qua.

“Tôi sẽ không rót tiền vào quá nhiều”, ông nói, lưu ý đến việc trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài vẫn còn gần với mức kỷ lục khi nỗi lo sợ về virus corona tiếp diễn. “Mặc dù, chúng ta đang gần với một mức đáy, nhưng tôi nghĩ thị trường cần phải rớt thêm 2-3% thì mới rót vốn vào”.

Hơn 89.000 người nhiễm bệnh trên thế giới và hơn 3.000 ca tử vong vì virus corona. Australia, Thái Lan và Mỹ đều công bố trường hợp tử vong đầu tiên vì virus corona vào cuối tuần qua.

Rhode Island là tiểu bang đầu tiên của Mỹ ở bờ Đông thông báo có một ca nhiễm virus corona.

Số ca nhiễm ở Anh đã vọt lên 35 người sau 12 ca nhiễm mới được xác nhận hôm Chủ nhật (01/3). Số ca nhiễm mới ở Trung Quốc cũng tăng lên hơn 500 người vào ngày thứ Bảy (29/02).

Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo, đã xác nhận vào tối ngày Chủ nhật (01/03) về trường hợp dương tính với virus đầu tiên của bang.

* Trung Quốc sắp mất vị thế công xưởng sản xuất hàng đầu thế giới?

Nguồn CNBC