Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của ngân hàng đầu tư
Phần lớn các ngân hàng đầu tư suy nghĩ rất nhiều về bản thân nhưng trong quan hệ công chúng họ rất ít ồn ào trước những rắc rối của đối thủ cạnh tranh. Vì thế, thật đáng ngạc nhiên khi Gary Cohn, chủ tịch của Goldman Sachs đã phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brazil hồi tháng 4: các ngân hàng khác ngoài ngân hàng của ông và JPMorgan đã "tiến một bước đáng kể để trở lại thị trường" theo cách chưa từng thấy "trong toàn bộ lịch sử ngành ngân hàng".
Gary Cohn không hề phóng đại. Ngành ngân hàng đầu tư trên toàn thế giới đang bị cuốn vào một làn sóng giải chấp chưa từng có. Trong phần lớn các nước giàu có, hầu như tất cả các ngân hàng đang thu hẹp bảng cân đối kế toán của mình, rút lui khỏi thị trường nước ngoài và đóng cửa các hoạt động kinh doanh.
Hiện tượng trên đang định hình lại ngành tài chính một cách đáng kể. Tương lai sẽ ngày càng phân cực. Một mặt, một số ít "quái vật” sẽ thống trị thị trường vốn toàn cầu. Mặt khác, số đông còn lại là các ngân hàng nhỏ sẽ hoạt động với quy mô trong nước và khu vực.
“Giải chấp là yêu nước”
Một báo cáo của McKinsey năm ngoái cho thấy dòng vốn xuyên quốc gia (gồm cả các khoản vay ngân hàng) đã sụt giảm từ 11,8 nghìn tỷ USD năm 2007 xuống còn khoảng 4,6 nghìn tỷ USD năm 2012.
Sự giảm sút này có thể được giải thích bởi các luật lệ mới ra đời gây trở ngại cho ngân hàng nhưng đồng thời cũng yêu cầu cung cấp đầy đủ tín dụng cho thị trường trong nước. Chính vì thế, Van Steenis của Morgan Stanley đã gọi: "giải chấp là yêu nước". Gần một nửa trong số 722 tỷ USD tài sản và giao dịch tài chính mà các ngân hàng thương mại đã bán ra kể từ năm 2007 được thực hiện ở nước ngoài.
Có thể cảm nhận sâu sắc nhất điều này ở châu Âu. Trở lại năm 2007 các ngân hàng lớn nhất châu Âu (gồm cả Barclays, ngân hàng này đã mua lại Lehman Brothers của Mỹ vào năm sau đó) gần như sánh ngang với các “đại gia” ngân hàng Mỹ, với thị phần chiếm 22% tổng doanh thu của các ngân hàng đầu tư trên thế giới. Tuy nhiên năm ngoái, con số này đã giảm xuống còn 17%.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng châu Âu đã cắt giảm 3,7 nghìn tỷ USD tiền cho vay nước ngoài, tuy vậy điều đó không đồng nghĩa với việc rút lui. Báo cáo mới đây của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính rằng, năm nay các ngân hàng ở châu Âu có thể cắt giảm khoảng 2,8 nghìn tỷ USD tài sản.
Lời giải thích rõ ràng nhất cho câu hỏi tại sao các ngân hàng châu Âu đang phải thu hẹp nhanh hơn nhiều so với các ngân hàng Mỹ là tình trạng suy thoái của nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu và lo ngại về sự tồn tại của đồng euro.
Tuy nhiên, điều này cũng đã đưa ra ánh sáng một bất lợi cơ bản về mặt cấu trúc đã bị các ngân hàng châu Âu bỏ qua: những khoản tiền gửi và tiền huy động vốn dễ dàng mà ngân hàng châu Âu nhận được không phải là đơn vị tiền tệ chính của giao dịch toàn cầu.
Khi các nhà đầu tư Mỹ lo sợ về cuộc khủng hoảng eurozone, đầu năm 2012 họ đã ngừng thông qua các khoản vay trên thị trường tiền tệ bằng đồng USD cho các ngân hàng châu Âu, buộc đối thủ đến từ bên kìa bờ Đại Tây Dương phải chấp nhận một cuộc rút lui đột ngột ra khỏi các thị trường cung cấp giao dịch tài chính lớn như khu vực châu Á và châu Phi.
Ngân hàng châu Âu cũng áp dụng Hiệp ước Basel III sớm hơn đối thủ cạnh tranh nước ngoài, dẫn đến hệ quả phải chịu tác động sớm hơn từ bộ quy tắc này. Hiện nay, một số ngân hàng đầu tư Mỹ có thể mở rộng bẳng cân đối kế toán ngay cả khi những ngân hàng châu Âu đang buộc phải thu hẹp.
Ông Schorr đến từ Nomura nhận xét về hiệp ước an toàn vốn mới bằng cách đưa ra một so sánh vô cùng ấn tượng: "Tất cả các ngân hàng lớn trên thế giới đều đang bị dí súng vào đầu. Nhưng những khẩu súng lớn nhất dành cho người châu Âu".
Thụy Sĩ ngày một “gầy” hơn
Những ngân hàng phải cắt giảm nhiều nhất là 2 ngân hàng đầu tư lớn của Thụy Sĩ, Credit Suisse và UBS. Trước đây, các ông chủ đã từng hy vọng có thể xây dựng hai ngân hàng đủ lớn mạnh để gia nhập nhóm 5 ngân hàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên vào thời điểm này, những người đứng đầu của cả hai đều nói rằng họ hài lòng với mô hình khiêm tốn hơn, hiện nay.
Credit Suisse thay đổi chiến lược ngay trước khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính. Nó đã cắt giảm bảng cân đối kế toán từ gần như 1.4 nghìn tỷ franc Thụy Sĩ (1,1 nghìn tỷ USD) trong năm 2007 xuống còn 900 tỷ franc Thụy Sĩ hiện nay và vẫn còn kế hoạch thu nhỏ hơn nữa. Trọng tâm chính của Credit Suisse là tháo chạy vốn (capital light) khỏi lĩnh vực đã có quy mô lớn.
UBS cũng cắt giảm đáng kể hầu hết các nghiệp vụ kinh doanh FICC của mình và hy vọng tạo tiền chủ yếu đến từ nghiệp vụ quản lý tài sản. Ngân hàng sẽ giữ một chân trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư trong hoạt động đủ mạnh và nơi các quy định không yêu cầu phân bổ vốn quá lớn, chẳng hạn như kinh doanh tiền tệ, cổ phiếu hoặc tư vấn về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A).
Cả hai ngân hàng Thụy Sĩ đã có động thái sớm hơn và nhanh hơn so với các đối thủ, bởi vì cả hai đều có trụ cột kinh doanh quản lý tài sản vững mạnh để dựa vào, nhưng nhiều người nghĩ rằng phần còn lại của thế giới của các ngân hàng đầu tư sẽ đi trên cùng một con đường. Sergio Ermotti, giám đốc điều hành của ngân hàng UBS nói: "Bản chất của những gì chúng tôi đang làm không phải là vì chúng tôi tuân theo các quy định ở Thụy Sĩ, mà vì chúng tôi đang áp dụng Basel III”.
Các ngân hàng Anh cũng bị buộc phải rút lui. Ngân hàng Hoàng gia Scotland đã từng được lọt vào danh sách 10 ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới về doanh thu, trước khi bị “đốn ngã” bởi khủng hoảng. Hiện nay đa phần đã thuộc quyền sở hữu của chính phủ nên ngân hàng Hoàng gia Scotland cũng tiền của người nộp thuế phải chịu rủi ro trong thị trường kinh doanh và mục tiêu của ngân hàng đã phải thay đổi.
Barclays đã xây dựng nên một thương hiệu mạnh trong kinh doanh nợ, khi chứng kiến sự sụp đổ của Lehman Brothers, ngân hàng lớn nhất của Anh coi đây là một cơ hội để gia nhập vào hàng ngũ 5 ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bằng một loạt các sai lầm như gian lận lãi suất liên ngân hàng LIBOR và bảo vệ thanh toán hợp đồng hoán đổi lãi suất (IRS) cho các doanh nghiệp nhỏ của Anh, ngân hàng với tham vọng lớn đã tự hủy hoại danh tiếng của mình. Chưa kể đến, cơ quan quản lý cũng đang cắt đi “đôi cánh” của Barclays.
Ông Spick đến từ Deutsche Bank đưa ra tính toán rằng, các ngân hàng tổng hợp lớn đã tăng thị phần trên lĩnh vực FICC khoảng 12% kể từ năm 2006, trong khi các ngân hàng đầu tư truyền thống đã đánh mất thị phần trong giai đoạn này. Một phần lý do đơn giản vì cuộc khủng hoảng tài chính, gần như tất cả các ngân hàng đầu tư độc lập của Mỹ sụp đổ hoặc bị thâu tóm. Những “người khổng lồ” như Lehman Brothers, Bear Stearns và Merrill Lynch tất cả đã phải thay đổi biển hiệu của họ trong vòng vài tháng và để lại Goldman Sachs, Morgan Stanley là những ngân hàng cuối cùng còn tồn tại. Tuy nhiên, các ngân hàng tổng hợp lớn nhất tiếp tục dành được nhiều thị phần trong vòng 5 năm qua bởi nhiều lý do khác.
Thứ nhất, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, gần như tất cả các ngân hàng đều trở nên “keo kiệt” hơn trong việc cho vay . Khi các công ty lớn đều có khả năng tư do tiếp cận các khoản tín dụng, họ có thể chống lại nhau để giành lấy khoản vay rẻ nhất. Hiện nay khi tín dụng trở nên khan hiếm, ngân hàng có bảng cân đối kế toán lớn có lợi thế hơn để đòi hỏi nhiều hơn từ doanh nghiệp, những chủ thể muốn tiếp tục vay. Điều tương tự cũng xảy ra trong tư vấn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Dẫu vậy cũng tồn tại một rào cản tiềm ẩn đối với đà đang nổi lên nhanh chóng của ngân hàng tổng hợp có thể là những quy định tương tự như việc thu hẹp chi nhánh của ngân hàng bán lẻ.
Xếp hạng tín dụng cũng đóng vai trò quan trọng. Ngân hàng với sự mở rộng các hoạt động kinh doanh nhìn chung có thể đạt mức xếp hạng tín dụng cao hơn và tận hưởng sự bảo đảm tuyệt đối hơn so với sự hỗ trợ của chính phủ. Vì thế, Morgan Stanley ngày càng mở rộng đa dạng và tập trung ít hơn cho ngân hàng đầu tư. Điều này có thể tạo sự khác biệt rất lớn không chỉ đối với chi phí vay mà còn với khả năng hình thành các hợp đồng phái sinh và giành chiến thắng trong các lĩnh vực kinh doanh của ngân hàng đầu tư.
Khách hàng “dính chặt” vào ngân hàng
Một nhà môi giới chính cho quỹ đầu cơ, không phải thu được nhiều lợi nhuận nhất nhưng hoạt động này ăn theo đầu tư cổ phiếu cho khách hàng và các nghiệp vụ FICC của ngân hàng. Đó cũng là một hình thức kinh doanh lâu bền và trọng tâm. Các quỹ đầu tư thường kết hợp chặt chẽ với những người môi giới để tiến hành nhiều hoạt động kinh doanh nhằm giúp giảm bớt số tiền phải vay và lượng tài sản phải thế chấp, bằng nhiều cách khác nhau như mua cổ phần công ty hay bán khống.
Tuy nhiên, kể từ khi Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008, bản thân quỹ đầu cơ và nhà môi giới chính lớn đã được hưởng lợi từ chính các ngân hàng mà họ gần gũi, phần lớn giao dịch được tiến hành cùng các ngân hàng mạnh nhất được chính phủ hỗ trợ. Một nhà đầu cơ đặt ra câu hỏi: "Trong những ngày đen tối nhất của cuộc khủng hoảng tài chính, có ai thực sự tin rằng chính phủ Thụy Sĩ sẽ đứng đằng sau các nhà môi giới chính của Credit Suisse và UBS để bảo lãnh trước hàng loạt loạt quỹ đầu cơ nước ngoài. Với vấn đề này, người Pháp hành động ra sao?”
Một lý do khác khiến các ngân hàng tổng hợp ưu việt hơn hẳn. Khi những công ty đa quốc gia lớn ngày càng vươn mình ra toàn cầu, họ cần các ngân hàng lớn để quản lý tiền mặt và thanh toán giữa nhiều quốc gia khác nhau. Đồng thời, các quy định mới như Basel III đang làm gia tăng chi phí cho ngân hàng trong việc cung cấp giao dịch tài chính và sản phẩm phái sinh nhằm giảm thiểu rủi ro.
Do nhận được nhiều các dịch vụ từ một ngân hàng, các công ty có thể cải thiện tính thanh khoản của họ bằng cách quét tiền từ nước ngoài. James Cowles, người đứng đầu Citibank tại Châu Âu, Trung Đông và châu Phi cho biết "Các công ty đang tìm kiếm sự đơn giản" và “Các ngân hàng toàn cầu có thể tạo ra một thế giới liên kết chặt chẽ cho khách hàng của họ.”
Trước cuộc khủng hoảng, loại hình ngân hàng tổng hợp được biết đến như là ngân hàng giao dịch hay dịch vụ giao dịch toàn cầu, đã bị xem thường bởi phần lớn các ngân hàng đầu tư và các nhà quản lý.
Hầu hết trong số họ đã xây dựng sự nghiệp của mình trên các sàn giao dịch tấp nập, sôi động. Người đứng đầu bộ phận giao dịch tại một ngân hàng lớn chia sẻ: "Khi tôi tham gia lĩnh vực kinh doanh này, chúng tôi được xem là hạng hai trong phần còn lại của giới ngân hàng", "Họ nghĩ chúng tôi như thợ sửa ống nước.".
Bây giờ những “thợ sửa ống nước” đang có cơ hội được "phục thù", với các giao dịch ngân hàng mang lại triển vọng tăng trưởng hấp dẫn, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao và doanh thu ổn định.
Tổng doanh thu trong hoạt động kinh doanh này có thể đạt giá trị khoảng 200 tỷ USD mỗi năm, không thấp hơn nhiều so với các ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại, mặc dù bị phân mảnh hơn rất nhiều.
Ngân hàng tổng hợp cũng đang phát triển đều đặn. BCG dự báo đến năm 2020 doanh thu từ giao dịch toàn cầu của ngân hàng tổng hợp sẽ vượt hơn 350 tỷ USD mỗi năm.
Quan trọng hơn quy mô của thị trường là sự liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp với nhau, Stefan Dab, nhà tư vấn tại BCG cho biết.
Các khách hàng lớn thường hợp nhất hoạt động kế toán riêng và hệ thống thanh toán với hệ thống của ngân hàng, điều này khiến họ do dự khi chuyển sang một ngân hàng khác. Các doanh nghiệp càng “dính chặt” với ngân hàng hơn thì càng có nhiều cơ hội hơn cho các ngân hàng bán được nhiều công cụ sinh lời như sản phẩm phái sinh hay phát hành trái phiếu.
Satvinder Singh nói: "Giao dịch ngân hàng đang ở giữa thập kỷ tình yêu". Ông là người đứng đầu kinh doanh dịch vụ tín thác của Deutsche bank, một bộ phận của ngân hàng giao dịch toàn cầu.
Một hiện tượng không bình thường, lương chi trả cho các nhân viên giao dịch cấp cao tại ngân hàng đang tăng lên, trong khi ở hầu hết các lĩnh vực khác cả tiền lương và chi phí khác đều bị cắt giảm với một tốc độ chưa từng thấy.
Nguồn Dân Việt