Theo Crisil, một công ty phân tích của Ấn Độ thuộc sở hữu của S&P Global, doanh số bán hàng dự kiến ​​sẽ "đình trệ" trong năm tính đến tháng 3/2025. Ảnh: Reuters.

 
Hải Miên Thứ Sáu | 12/07/2024 19:00

Niềm đam mê vàng của Ấn Độ "phai nhạt", vì sao?

Dù có tầm quan trọng to lớn về mặt văn hóa trong các lễ hội và đám cưới, nhu cầu trang sức vàng ở Ấn Độ đã giảm 6% vào năm ngoái.

Vào một buổi chiều yên tĩnh tại cửa hàng trang sức Gold Palace ở trung tâm thành phố Bengaluru, người bán hàng Shaik Ameen phàn nàn về tình hình buôn bán ảm đạm khi các gia đình Ấn Độ cắt giảm việc mua sắm trước đám cưới do giá vàng thỏi tăng cao.

Trước khi vàng đạt kỷ lục mới, anh Ameen, 29 tuổi, người điều hành cửa hàng cùng cha mình, cho biết cứ 50 khách đi bộ dọc con phố thì một nửa trong số đó có thể được tính vào doanh số của cửa tiệm. Mức đó hiện đã giảm xuống còn khoảng 1/4.

“Mọi người đã ngừng mua”, anh Ameen nói. “Một người vốn có khả năng mua khoảng 100-200 gram giờ chỉ còn khoảng 50-60 gram.”, anh tâm sự.

Người tiêu dùng Ấn Độ nổi tiếng với tình yêu dành cho vàng: theo truyền thống, vàng được coi là vật lưu trữ giá trị cho gia đình và gắn liền với Lakshmi, vị thần của cải và thịnh vượng trong đạo Hindu.

Nhưng giá của kim loại quý này, vốn được coi là hàng rào chống lạm phát, đã tăng 24% tính theo đồng rupee trong 12 tháng qua, do xung đột ở Trung Đông và Ukraine cũng như do các nhà đầu cơ ở Trung Quốc, quốc gia đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, mặc dù có tầm quan trọng to lớn về mặt văn hóa trong các lễ hội và đám cưới của người Hindu, nhu cầu về đồ trang sức bằng vàng ở Ấn Độ đã giảm 6% vào năm ngoái, so với mức tăng 10% ở Trung Quốc.

Theo Crisil, một công ty phân tích của Ấn Độ thuộc sở hữu của S&P Global, doanh số bán hàng dự kiến ​​sẽ "đình trệ" trong năm tính đến tháng 3/2025.

Titan, một công ty trang sức và thời trang của tập đoàn Ấn Độ Tata Sons, vào tháng 5 đã công bố lợi nhuận quý IV là 7,9 tỉ Rupee (95 triệu USD), thấp hơn ước tính của các nhà phân tích, sau khi nhu cầu bị ảnh hưởng bởi giá vàng thỏi cao ngất ngưởng.

Ông Surendra Mehta, Thư ký của Hiệp hội Vàng bạc và Trang sức Ấn Độ, cho biết mặc dù Ấn Độ có "niềm đam mê vàng" nhưng chi phí tăng cao sẽ tác động đến các gia đình trước thềm đám cưới.

“Họ có hai lựa chọn: hoặc mua số lượng ít hơn hoặc mua carat (độ tinh khiết) thấp hơn. Tôi không thấy giá sẽ được điều chỉnh trong tương lai gần.”, ông nói.

Trong khi người Ấn Độ thường tích trữ vàng để làm đồ cưới trước nhiều năm, hoặc tiết kiệm qua nhiều thế hệ, thì việc mua vàng vào phút chót thường là điều không thể tránh khỏi.

Trong lễ cưới của cô Kishita Gupta được tổ chức vào đầu năm nay tại thành phố Meerut ở miền bắc Ấn Độ, khoảng 1/10 trong tổng ngân sách 95.000 USD của sự kiện đã được chi cho đồ trang sức, một số được mua từ 2 năm trước.

Nhưng khi vị giám đốc tiếp thị 26 tuổi tại nền tảng lập kế hoạch WedMeGood này muốn mua thêm bộ trang sức một tháng trước lễ cưới vào tháng 3, cô đã ngần ngại vì chi phí và thay vào đó đã chọn đồ trang sức nhân tạo rẻ hơn.

Cô Gupta cho biết, “do kỳ vọng của xã hội, các bậc phụ huynh chắc chắn chịu áp lực vì giá vàng và điều này cản trở nhiều quyết định”.

Bà Mehak Sagar Shahani, người sáng lập WedMeGood, cho biết hiện có rất nhiều hoạt động kết hợp và tái chế đồ trang sức cũ để tạo ra những món đồ mới, nhằm ứng phó với mức giá "điên rồ" của vàng.

Bà Vithika Agarwal, đồng sáng lập công ty tổ chức tiệc cưới cao cấp Divya Vithika có trụ sở tại Bengaluru, cho biết chi phí tăng trên toàn ngành công nghiệp cưới hỏi kể từ đại dịch COVID. Nhưng đồng thời, bà cũng cho biết điều đó không ngăn cản những người giàu tổ chức những bữa tiệc lớn.

Sự kiện hoành tráng nhất sẽ là lễ cưới vào tháng 7 của ông Anant Ambani, con trai út của Chủ tịch Reliance Industries và là người giàu nhất châu Á, tỉ phú Mukesh Ambani và vợ là bà Radhika Merchant.

Lễ hội trước đám cưới, với trang phục xa hoa, màn trình diễn của Rihanna và những người tham dự bao gồm tỉ phú Mark Zuckerberg, được tổ chức xung quanh khu phức hợp nhà máy lọc dầu Jamnagar của Reliance vào tháng 3 và đã trở thành tiêu điểm trên toàn cầu.

Tại cửa hàng chính ở Bengaluru của Tập đoàn trang sức C Krishniah Chetty, một cơ sở kinh doanh hơn 150 năm tuổi với lịch sử thu hút nhiều khách hàng giàu có, nhân viên bán hàng Anil Karumbaya cũng cho rằng không hề có chuyện người giàu đã cắt giảm chi tiêu. Ông chỉ ra rằng Bengaluru, Thung lũng Silicon của Ấn Độ, là nơi sinh sống của một số tỉ phú và triệu phú. 

“Tầng lớp thượng lưu và trung lưu đến đây, tôi không nghĩ họ bị ảnh hưởng. Họ không bị cản trở bởi giá cả.”, ông Karumbaya nói.

Ông nói thêm rằng nhiều cư dân của thành phố giàu có hơn vẻ bề ngoài của họ. “Mọi người có rất nhiều tiền. Có những trường hợp đã bước vào tiệm vào với đôi giày rất bình dân và bước ra với hoá đơn 12.000 USD”, ông nói.

Có thể bạn quan tâm: 

Nhật Bản sẽ thiếu hụt 970.000 lao động nước ngoài vào năm 2040

Nguồn FT