Thứ Ba | 11/02/2014 16:09
Những 'Zombie Banks' tại châu Âu: Phá hủy để sáng tạo
Cần để cho những Zombie Banks "chết hẳn" và chờ xem lý thuyết "phá hủy sáng tạo" của Schumpeter có đúng với Eurozone hay không?
Có quá nhiều ngân hàng tại châu Âu sống sót sau khủng hoảng không thực sự là một điều tốt. Tháng 11 năm ngoái, trong một bài phỏng vấn với tờ nhật báo của Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, Chủ tịch Cơ quan điều tiết ngân hàng châu Âu (EBA), Andrea Enria đã có khẳng định gây chấn động khi cho rằng "Có quá ít các ngân hàng tại châu Âu phá sản và biến mất trên thị trường". Đồng thời, vị chủ tịch người Italia thẳng thắn nêu lên nguyên nhân đằng sau đó: "Các chính phủ muốn giữ cho các ngân hàng của họ sống sót và điều này đã kìm hãm quá trình phục hồi" của hệ thống tài chính châu Âu".
Cùng chịu chấn động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng số lượng ngân hàng phá sản tại Mỹ là khoảng 500 ngân hàng, trong khi đó con số này tại châu Âu chỉ vừa tròn 40.
Trong số những ngân hàng sống sót còn lại, có không ít những tổ chức được gọi là "Zombie Bank", đang "sống dở chết dở". Hay theo cách gọi của bà Daniele Nouy - người mới được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu bộ phận giám sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), thì đó là những ngân hàng "không còn tương lai". Và vì thế theo bà Nouy: "phải để những ngân hàng yếu kém nhất phá sản".
Dường như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã lựa chọn cách thức nhanh gọn nhất để thanh lọc hệ thống tài chính, trước khi tiến tới bản đề án quan trọng hơn nhiều - thành lập Liên minh Ngân hàng. Trên thực tế, đối với những ngân hàng yếu kém, để giảm bớt sự chấn động đối với hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế, cơ quan điều hành (như ECB) có thể yêu cầu các ngân hàng này sáp nhập và tái cấu trúc. Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Nouy, không nhất thiết phải tìm cách thử hợp nhất các "zombie banks" với các tổ chức khác, mà nên để chúng biến mất khỏi thị trường một cách có trật tự.
Có quá ít ngân hàng phá sản tại châu Âu sau khủng hoảng tài chính toàn cầu: số lượng ngân hàng phá sản tại Mỹ là khoảng 500 ngân hàng, trong khi đó con số này tại châu Âu chỉ vừa tròn 40. |
Sẽ có một hình dung rõ ràng hơn nếu đặt việc cho ngân hàng yếu kém phá sản vào một bức tranh toàn diện. Từ cuối năm 2013, ECB đã thực hiện hàng loạt các biện pháp để thực hiện nhiệm vụ giám sát cao độ nhất tất cả các ngân hàng trên toàn khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Bắt đầu từ việc thành lập Cơ chế giám sát duy nhất (SSM) nhằm giám sát hơn 200 ngân hàng lớn nhất trong khu vực, cho đến quá trình đánh giá lại các bảng cân đối kế toán và chất lượng tài sản của các ngân hàng, hay đặt ngân hàng vào tình huống "gần như phá sản" để đánh giá bằng các bài kiểm tra mức độ chịu đựng (stress test) trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Tất cả đều để hướng tới một hệ thống tài chính vững mạnh hơn, trong bối cảnh khủng hoảng nợ công chưa chấm dứt và sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng tại đảo Síp vẫn chưa thôi "ám ảnh" các nhà lãnh đạo có trụ sở tại Frankfurt. Sau đó, hoạt động trên sẽ hỗ trợ đắc lực cho ECB có thể hoàn thành nhiệm vụ lớn nhất trong năm 2014, đó chính là việc thành lập Liên minh Ngân hàng trong khối Eurozone.
Nếu mọi sự suôn sẻ, Eurozone sẽ có một Liên minh các ngân hàng thống nhất và theo đó, quyền lực sẽ ngày càng tập trung vào Ngân hàng Trung ương (ECB). Trong khi đó, sức mạnh của chính phủ 18 nước thành viên sẽ giảm xuống theo sự biến mất ngày càng nhiều của những "zombie banks". Bất chấp sự giành giật quyền lực sẽ diễn ra khốc liệt đến mấy, tiến tới thành lập Liên minh Ngân hàng vững mạnh trong khối sẽ là con đường tốt duy nhất cho toàn cục tại Eurozone. Muốn vậy, dĩ nhiên các ngân hàng yếu kém nhất sẽ phải phá sản và hãy chờ xem liệu đây có phải là một kịch bản thành công nữa từ tư tưởng "phá hủy mang tính sáng tạo" (creative destruction) của nhà kinh tế họcJoseph Schumpeter hay không?
Tâm Vũ
Nguồn Dân Việt