Những vụ sụp đổ kinh tế lớn nhất trong lịch sử
Tác phẩm "The Ascent of Money" (Hành trình trượt dốc của đồng tiền) của tác giả Niall Ferrguson đã miêu tả chi tiết quá trình của các vụ sụp đổ kinh tế trong lịch sử. Bên cạnh những thông tin chính, cuốn sách còn cung cấp những chi tiết về các quyết định, những người ra quyết định và những vấn đề nảy sinh xung quanh những quyết định ấy. Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất mà Ferguson đã làm được trong tác phẩm của mình là giải thích chi tiết những hậu quả theo sau sự sụp đổ đối với một quốc gia cụ thể và nền kinh tế toàn cầu.
Sự phát triển của các nguyên tắc kinh tế và phương pháp tài chính đối với việc kiểm soát đồng tiền cũng được mô tả chi tiết trong tác phẩm của Ferguson. Cuốn sách này cũng đồng thời là một dòng thời về sự hưng thịnh và suy tàn của các nền kinh tế cùng những bài học đáng giá về sau.
Dưới đây là những vụ sụp đổ kinh tế lớn nhất trong lịch sử theo nội dung cuốn sách của tác giả Ferguson.
1. Ngân hàng Medici, Florence
Theo Ferguson, sự thiếu tập trung đã dẫn tới sự sụp đổ của một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới.
Ngân hàng Medici, vào thời kỳ đỉnh cao, là một trong những ngân hàng uy tín nhất thế giới. Gia đình Medici đã thực hiện một cuộc cách mạng bằng cách áp dụng hệ thống sổ kế toán cùng hệ thống tín dụng và ghi nợ kép. Hai hệ thống này cho đến ngày nay vẫn là xương sống trong các bài giới thiệu về kế toán tại các trường đại học kinh tế của thế giới.
Sau cuộc cách mạng, ngân hàng Medici tăng trưởng mạnh về quy mô, giúp gia đình Medici, đặc biệt là Lorenzo Medici, có quyền can dự nhiều hơn vào các vấn đề chính trị của Florence và nhiều khu vực khác của châu Âu.
Bóng ma chính trị xuất hiện trong gia đình cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của ngân hàng Medici, khi các thành viên ngày càng ít chú ý hơn tới hoạt động của ngân hàng. Cuối cùng, đầu cơ vay nợ cao khiến ngân hàng gặp rắc rối về các vấn đề tạà chính. Khi khó khăn ngày một tăng, ngân hàng Medici đã lừa đảo số tiền được sử dụng làm của hồi môn cho vua Charles VIII của Pháp năm 1494. Ngay sau đó, toàn bộ ngân hàng này bị giải thể.
2. Tây Ban Nha thế kỷ 16
Những nhà thám hiểm đi xâm chiếm Trung và Nam Mỹ đã mang về cho Tây Ban Nha số lượng vàng và bạc với tốc độ kỷ lục dẫn đến tình trạng lạm phát cực lớn.
Trong nửa cuối thế kỷ 16, Tây Ban Nha bắt đầu nhập khẩu vàng và bạc với tốc độ nhanh chóng từ Peru. Những kim loại này cực kỳ giá trị với Tây Ban Nha nhưng lại không mấy quan trọng với người dân bản xứ. Khi chinh phục được người bản xứ, Tây Ban Nha lại bắt họ phải vào hầm mỏ để tiếp tục khai thác vàng bạc.
Hoạt động nhập khẩu này đã mang về cho Tây Ban Nha cũng như toàn châu Âu nguồn cung vàng và bạc lớn bất thường, gây ra lạm phát lớn. Lạm phát và thuế cao nhanh chóng làm tổn thương ngành công nghiệp Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, sự giàu có của đất nước lại được chi cho các cuộc chiến tranh khiến Tây Ban Nha phá sản lần thứ 4 vào năm 1596. Cuối cùng, Tây Ban Nha đã đánh mất quyền sở hữu châu Mỹ vào tay Hà Lan, Anh và Pháp.
3. Bong bóng Mississippi, Pháp
Một hệ thống tài chính sụp đổ và hậu quả đổ dồn lên vai những người đóng thuế khi một người đàn ông chạy trốn khỏi Pháp.
John Law là một nhà kinh tế người Scotland. Ông là người thành lập Banque Generale, ngân hàng tư nhân đầu tiên hoạt động dưới mô hình ngân hàng trung ương Pháp. Ngoài ra, Law cũng là người giám sát hoạt động thu thuế và đúc tiền cho chính phủ.
Năm 1719, Law đứng ra thành lập công ty Compagnie des Indes, độc quyền thương mại về thuốc lá Pháp và buôn bán nô lệ châu Phi. Với sự độc quyền ở cả hai thị trường lớn, công ty này hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận cực lớn. Điều này dẫn đến nhu cầu đóng góp cổ phần của công chúng vào công ty. Kết quả là, giá cổ phiếu của công ty bị đẩy lên quá cao so với thu nhập thực.
Thị trường chứng khoán nhanh chóng bùng nổ cùng cơn sốt tại Compagnie des Indes, và Chính phủ Pháp thậm chí còn in thêm tiền giấy để mua thêm cổ phiếu của công ty, dẫn đến lạm phát nghiêm trọng. Bản thân Compagnie des Indes cũng không bao giờ vươn tới được mức lợi nhuận mà nhiều người vẫn hy vọng.
Kết quả là, cổ phiếu Compagnie des Indes nhanh chóng rớt giá, thị trường cổ phiếu tại Pháp và các nước lân cận cũng theo đó sụp đổ. Law chạy trốn khỏi Pháp sau khi công ty bị phá sản. Kinh tế Pháp cũng sụp đổ sau sự ra đi của Law, khi chính phủ phải nâng thuế để trả các khoản nợ do công ty và các ngân hàng để lại.
4. Ngân hàng Overend, Gurney & Company, Anh
Sự sụp đổ của "ngân hàng của các ngân hàng" gây hậu quả vô cùng tàn khốc, kéo theo sự đổ vỡ của hơn 200 doanh nghiệp.
Overend, Gurney & Company là ngân hàng có trụ sở tại London, họa động chủ yếu trong lĩnh vực mua bán và giao dịch hối phiếu. Trong khoảng thời gian tồn tại, định chế này đã trở thành một trong những ngân hàng thành công nhất thế giới. Thậm chí ngay cả khi khủng hoảng tài chính nổ ra, ngân hàng này vẫn đứng vững và nổi danh là "ngân hàng của các ngân hàng" bởi nó có khả năng cho các ngân hàng khác vay nợ.
Nhà sáng lập Samuel Gurney là thành viên chủ chốt của ngân hàng này và ông chỉ tập trung vào giao dịch hối phiếu. Khi ông nghỉ hưu, ngân hàng cố gắng mở rộng danh mục đầu tư. Overend, Gurney & Company cố gắng đổ tiền vào các khoản đầu tư dài hạn thay vì dự trữ tiền mặt ngắn hạn, đặc biệt là cổ phiếu đường sắt.
Khi giá cổ phiếu và trái phiếu giảm đáng kể vào cuối thế kỷ 19, ngân hàng buộc phải xin cứu trợ tài chính từ Chính phủ Anh. Sau đó, ngân hàng lại từ chối khoản cứu trợ này và ngừng thanh toán tài chính từ tháng 5/1866, gây tâm lý hoảng loạn và biểu tình nổ ra trên toàn nước Anh. Kết quả, sự sụp đổ của ngân hàng này đã kéo theo hơn 200 doanh nghiệp khác phá sản. Bản thân ngân hàng này cũng mất 1 tỷ USD, nhưng hậu quả lớn hơn cả vẫn là sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng khác.
5. Sự sụp đổ của quân đội Liên minh miền Nam, Mỹ
Sự sụp đổ bắt nguồn từ việc cắt giảm nhập khẩu bông, khiến doanh thu của liên minh sụt giảm.
Giữa thế kỷ 19, quân đội liên minh miền Nam cảm thấy họ cần thiết phải có được sự công nhận về mặt ngoại giao. Để có được vị trí đó, quân đội quyết định giảm nhập khẩu bông cho châu Âu. Vải cotton vô cùng cần thiêt với châu Âu và thời điểm đó, đồng thời cũng là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ. Quyết định đó khiến doanh thu của quân đội sụt giảm thảm hại.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao cũng phá hủy đồng USD của miền nam, từ 90 cent so với đồng USD Mỹ giảm xuống còn chưa đầy 2 cent vào cuối cuộc nội chiến. Trọng tâm chính của Liên minh miền Nam là chính trị, song việc thiếu nguồn doanh thu xuất khẩu thay thế khiến gánh nặng tài chính đè lên quân đội và khiến nó sụp đổ.
6. Cơn hoảng loạn 1893, Mỹ
Việc xây dựng quá nhiều tuyến đường sắt đã kéo theo sự sụp đổ của một loạt ngân hàng Mỹ vào cuối thế kỷ 19.
"Cơn hoảng loạn 1893" ít được mọi người biết đến bởi nó ít nhiều bị lu mờ bởi Cuộc Đại suy thoái sau đó 30 năm. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ là Đại Suy thoái, song cũng không ai có thể phủ nhận được hậu quả nghiêm trọng mà "Cơn hoảng loạn 1893" từng ghi dấu.
Sự phá sản của hãng đường sắt Philadelphia and Reading Railroad là một trong những dấu hiệu đầu tiên khởi đầu cho cơn hoảng loạn. Sự sụp đổ của ngành đường sắt là do việc mở rộng quá mức trong thập niên 1880 và các tuyến đường sắt trở thành công cụ để đầu cơ.
Tháng 6/1893, thị trường chứng khoán tan vỡ, tạo nên cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng. Hơn 16.000 doanh nghiệp phá sản trong 6 tháng cuối năm đó, còn tỷ lệ thất nghiệp tăng gần 17%. Phải 4 năm sau đó, kinh tế Mỹ mới có thể phục hồi trở lại.
7. Kinh tế Nga trước Cách mạng tháng 10
Việc in tiền quá mức để tài trợ cho chiến tranh đã mang lại những thay đổi lớn lao cho kinh tế Nga.
Các ngành công nghiệp của Nga sụp đổ, trong khi các quốc gia khác cũng lâm vào tình trạng phá sản sau Thế chiến thứ nhất. Điều này dẫn đến sự bùng phát đột ngột các cuộc đình công và bạo loạn trên toàn nước Nga.
Nguyên nhân của các vấn đề kinh tế là Nga là chính phủ phải in tiền quá mức để bù đắp thâm hụt ngân sách chiến tranh. Tỷ lệ thất nghiệp tăng và tiền lương giảm, người dân thậm chí phải bỏ việc để tìm kiếm thực phẩm khiến ngành công nghiệp càng nhanh chóng sụp đổ.
Các vấn đề tài chính của Nga dẫn đến sự nổi dậy của các lực lượng cách mạng Nga. Cuối cùng, quân đội Sa hoàng bị đánh bại và Liên xô được thành lập vào năm 1922.
Ước tính vào thời điểm đó, nợ quốc gia của Nga vào khoảng 50 tỷ rúp, tương đương 2,9 nghìn tỷ USD vào thời điểm hiện tại.
8. Đại suy thoái 1929, Mỹ
Cho đến hiện tại, nguyên nhân chính xác của cuộc Đại khủng hoảng vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, song tính chất rộng khắp của nó có thể bắt nguồn từ một vài quyết định. Cụ thể, luật thuế Smoot-Hawley đã tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu lên mức kỷ lục.
Các vấn đề của thị trường Mỹ bắt đầu khi thị trường chứng khoán sụt giảm và cuối cùng tan vỡ vào ngày 29/10/1929 - hay còn được gọi là "ngày thứ 3 đen tối". Luật thuế Smoot-Hawley sau đó được thông qua vào năm 1930, khiến thương mại quốc tế giảm 50%, thất nghiệp Mỹ tăng 25%. Còn tại các quốc gia khác, tình hình cũng không sáng sủa hơn là bao.
Cùng với việc thiếu hụt nhập khẩu và tỷ lệ thất nghiệp cao, đợt hạn hán kéo dài ở miền Trung Tây cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới mùa màng, khiến giá giảm hơn 50%. Cuộc Đại khủng hoảng kéo dài từ năm 1929 đến giữa thập niên 1940.
Ngày "Thứ ba đen tối" khiến các cổ đông Mỹ mất hơn 40 tỷ USD, và hơn 9.000 ngân hàng phá sản trong năm 1930.
9. Đế chế Vương quốc Anh sụp đổ
Không giống như những trường hợp sụp đổ kinh tế trước đó, Đế chế Anh tan vỡ là do các khoản nợ chiến tranh quá lớn. Nước Mỹ từng vay Anh 1 tỷ USD các hạng mục cần thiết để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Khoản nợ này chỉ được thanh toán đầy đủ vào năm 2006.
Hải quân Hoàng gia Anh bị giải tán, và quá trình phi thực dân hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt. Những quốc gia tách khỏi đế chế Anh ngày đó chắc chắn là điều tốt đẹp, song sự sụp đổ của cả đế chế do gánh nặng kinh tế từ Thế chiến II đã tạo nên sự li khai vội vã của các thuộc địa Anh.
Hậu quả là, nhiều vấn đề chính trị thời gian đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay - điển hình là xung đột giữa Israel và Palestine. Các cuộc chiến tranh đã nổ ra ở châu Phi và châu Á, trong khi tại Trung Đông các nhà lãnh đạo liên tục bị lật đổ.
10. Bong bóng nhà đất Mỹ cùng sự sụp đổ của Lehman Brothers
Cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn bắt nguồn từ hàng tá nguyên nhân khác nhau, song chủ yếu vẫn là do các nhà môi giới thế chấp cho các chủ sở hữu không đủ tiêu chuẩn vay quá nhiều tiền so với trong quá khứ.
Một yếu tố hàng đầu khác đó là các ngân hàng bắt đầu gói gọn các khoản vay này bằng trái phiếu, sau đó giao dịch và bảo hiểm các loại chứng khoán mới dựa vào những khoản thế chấp. Khi các ngân hàng thu lãi lớn từ những trái phiếu này, nhu cầu đột ngột tăng và các nhà môi giới thế chấp tiếp tục hạ chuẩn và đẩy càng nhiều người thế chấp vào tay ngân hàng càng tốt.
Khi bong bóng nhà ở nổ tung, mọi thứ theo nhau sụp đổ. Các chủ nhà buộc phải tuyên bố vỡ nợ, các ngân hàng - như Bear Stearns và Lehman Brothers - cũng nối đuôi nhau sụp đổ và thị trường chứng khoán bị phá hủy. Những hậu quả của bong bóng nhà đất thời gian đó vẫn kéo dài cho đến hôm nay.
11. Khủng hoảng nợ Hy Lạp
Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gia tăng sức ép lên nhiều quốc gia, Hy Lạp đã tổ chức tổng tuyển cử để bầu ra một vị tổng thống có khả năng kiểm soát tình hình. Phong trào xã hội Panhllenic giành thắng lợi, và nợ quốc gia của Athens tăng vọt từ 168 tỷ euro năm 2004 lên 252 tỷ euro.
Năm 2009, Fitch hạ xếp hạng Hy Lạp từ A- xuống BBB+, đánh dấu lần đầu tiên sau một thập niên Athens không được đánh giá ở mức A. Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra khi chính phủ công bố chương trình cắt giảm thâm hụt ngân sách, và sự sợ hãi về khả năng vỡ nợ của Hy Lạp bắt đầu tăng lên vào đầu năm 2010.
Goldman Sachs bị cáo buộc đã giúp Hy Lạp che giấu hoạt động vay nợ. Cuộc khủng hoảng tiếp tục kéo dài khi Đức phản đối gói cứu trợ cho Hy Lạp.
Năm 2012, Hy Lạp được nhận 130 tỷ euro cứu trợ và các ngân hàng đồng ý xóa bỏ 75% nợ cho Athens. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn duy trì nguyên vẹn khi các cuộc bầu cử mới của Hy Lạp không đem lại kết quả nào có thể giúp giảm bớt lo ngại của thị trường về khủng hoảng nợ lây lan trong eurozone.
Nguồn Businessinsider/DVT