Cơ sở hạ tầng có vai trò củng cố tất cả các khía cạnh quan trọng trong hoạt động kinh tế. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Quỳnh Như Thứ Ba | 02/05/2023 09:32

Những ưu tiên hàng đầu hiện nay của ASEAN+3

Phát triển cơ sở hạ tầng được xem là trọng tâm chính trong mục tiêu tăng trưởng bền vững của các quốc gia ASEAN.

Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu trong thời gian qua, đẩy nhiều quốc gia rơi vào tình trạng khó khăn, người dân thì chật vật kiếm sống. Đối với khu vực châu Á, hiện tại là khoảng thời gian để các nước phục hồi nền kinh tế bị tổn thương bởi dịch bệnh. Các chuyên gia trong ngành cho biết các quốc gia đang trong quá trình phục hồi mạnh, đặc biệt là nhóm Đông Nam Á (ASEAN). 

Theo báo cáo toàn cầu năm 2022, các nền kinh tế ASEAN đã đạt mức tăng trưởng 5,6% nhờ vào lực đẩy từ những bộ đệm ổn định hiệu quả như hoạt động xuất khẩu mạnh, chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh. Nếu duy trì được đà tăng trưởng sau phục hồi này, ASEAN có thể trở thành khối thương mại lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030.

 

Tương lai rộng mở với nhiều hứa hẹn, nhưng các nhà kinh tế học cũng cảnh báo các quốc gia khối ASEAN không được lơ là trước những cơn gió ngược như biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị và khả năng một đại dịch khác sẽ xuất hiện trong tương lai sẽ “thổi bay” những nỗ lực phục hồi trước đó.

Nền tảng của phát triển kinh tế

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng là trọng tâm chính trong mục tiêu tăng trưởng bền vững để trở thành các nền kinh tế năng động của khối ASEAN. Từ đó tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế theo hướng toàn cầu hoá. Cơ sở hạ tầng có vai trò củng cố tất cả các khía cạnh quan trọng trong hoạt động kinh tế và rất quan trọng đối với sự thịnh vượng chung của bất kỳ quốc gia nào.

Phát triển thịnh vượng cũng là nhu cầu chung của ASEAN. Cụ thể các vấn đề cần được giải quyết: Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp hệ thống y tế - chăm sóc sức khoẻ, đầu tư thông minh làm giảm rủi ro khí hậu nhằm mang lại quá trình chuyển đổi công bằng, ổn định giá cả thị trường và giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Trong xu thế hiện nay, kết hợp giữa chuyển đổi năng lượng xanh và chuyển đổi kinh tế sẽ là chìa khóa đưa các quốc gia ASEAN phát triển xa hơn.

Các quốc gia trong ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hay còn được gọi là khối ASEAN+3 đều công nhận rằng thu hẹp khoảng cách trong phát triển cơ sở hạ tầng là rất quan trọng. Bởi điều này sẽ thúc đẩy cải thiện khả năng gắn kết với cộng đồng quốc tế, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh và thực hiện các chính sách cam kết nhằm đưa khu vực xúc tiến với các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc từng đề ra. 

 

Tuy nhiên, bài toán khó ở đây là chi phí cần để đầu tư lại nằm ngoài khả năng tài chính của Chính phủ các nước. Theo một nghiên cứu năm 2017 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các quốc gia đang phát triển của khu vực này cần 13,8 nghìn tỉ USD cho công tác đầu tư cơ sở hạ tầng trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030. Ngoài ra, nhiều khoản chi phí phát sinh thêm khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đã khiến mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng tăng lên.

Hiện có hơn 200 nghìn tỉ USD vốn tư nhân được đầu tư vào thị trường vốn toàn cầu. Tiếp cận các quỹ này sẽ là chìa khóa để giải quyết các bài toán khó về nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của ASEAN. Nâng cao sức hấp dẫn của khu vực như một điểm đến cho các nhà đầu tư quốc tế là việc cần thiết để có thể đạt được “chiếc chìa khóa nghìn tỉ USD”.

Những nỗ lực vì tương lai

Chính phủ của các quốc gia trong khối cần tập trung vào một số biện pháp và chính sách quan trọng nhằm củng cố hơn nữa niềm tin và sự lạc quan của các nhà đầu tư ngoại. Chú trọng đảm bảo khuôn khổ pháp lý, quy định và thể chế đều có tính đồng bộ. Năng lực chuẩn bị, thiết kế và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng được phát triển tốt, môi trường đầu tư thuận lợi và có thể mang lại lợi nhuận hấp dẫn sẽ là điểm cộng trong mắt các nhà đầu tư đối với thị trường Đông Nam Á hiện nay. 

Các nền kinh tế ASEAN+3 đang bắt đầu áp dụng các cơ chế sáng tạo để giảm thiểu rủi ro tài chính trong những dự án chiến lược và mở rộng quỹ đầu tư. Cơ chế mới có thể hỗ trợ trong công tác sử dụng tài chính hợp lý và nâng cao khả năng vay vốn của các dự án trước đó đã không thể không hấp dẫn các nhà đầu tư thương mại.

Với tư cách là đối tác chiến lược hàng đầu trong hợp tác với Indonesia và Philippines, Cơ chế Chuyển đổi Năng lượng được ngân hàng ADB xây dựng gần đây sẽ sử dụng chi phí từ các nguồn đầu tư công và tư nhân một cách tối ưu hoá nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong khu vực sớm dừng hoạt động các nhà máy điện than. Đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng giúp khu vực đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài ra, ngân hàng ADB còn quản lý Quỹ Tài chính xanh Xúc tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ACGF) nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng cường tín dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh. Quỹ này đã thu hút được 2 tỉ USD tài trợ từ các đối tác phát triển, bao gồm một số nhà đầu tư ngoại, để hỗ trợ các dự án bền vững mới về mặt tài chính và môi trường.

Một nhà máy điện than ở Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia.
Một nhà máy điện than ở Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia.

Chính phủ các quốc gia khối ASEAN+3 cũng đang thúc đẩy những đổi mới khác như sử dụng bảo hiểm rủi ro thiên tai để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu. Công cụ Bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF), sáng kiến đầu tiên cơ chế tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai tại châu Á, sẽ chịu trách nhiệm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và các giải pháp tài trợ rủi ro thiên tai cho các nước ASEAN. Bên cạnh đó, việc ra mắt trái phiếu xã hội theo Tiêu chuẩn trái phiếu xã hội ASEAN đã huy động được nguồn vốn tư nhân cấp thiết để giúp đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực, tạo việc làm và phát triển kinh tế của các cộng đồng địa phương trong khu vực.

Là một đối tác phát triển đáng tin cậy của các nền kinh tế ASEAN+3 trong gần 6 thập kỷ qua, ngân hàng ADB đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng xã hội có chất lượng, tận dụng các công nghệ kỹ thuật số và sáng tạo cũng như hợp tác với các thành viên khối ASEAN+3 nhằm hướng tới mục tiêu chung: Gây quỹ chuẩn bị cho một tương lai bền vững với phát thải ròng bằng 0. 

Xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố và bền vững cho tương lai là điều rất quan trọng. Các báo cáo do các Bộ trưởng Tài chính khối ASEAN+3, Thống đốc các ngân hàng trung ương và ngân hàng ADB đưa ra nhấn mạnh rằng đã đến lúc cần phải hành động, củng cố mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn đối với các nhà đầu tư nội và ngoại để mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ hiện tại và những thế hệ mai sau.

Có thể bạn quan tâm:

Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc xanh sau báo cáo tài chính của Meta

Nguồn Nikkei Asia